Doanh nghiệp phải chạy theo Đà Nẵng là điều tối kỵ trong thu hút đầu tư

'Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch sẽ gây tốn thời gian, tiền bạc và đặc biệt là chi phí cơ hội của doanh nghiệp. Đó là điều tối kỵ', Giáo sư Đặng Đình Đào nói.

Việc tạm dừng các dự án ven sông Hàn của Thành phố Đà Nẵng để tiếp tục xem xét điều chỉnh quy hoạch đặt ra nhiều lo lắng cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt là sự “tiền hậu bất nhất” của địa phương này khiến nhiều chuyên gia băn khoăn với cái gọi là “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư thế nào khi doanh nghiệp liên tục phải chạy theo chính quyền.

Giáo sư Đặng Đình Đào. Ảnh: Tạp chí Bất động sản

Giáo sư Đặng Đình Đào. Ảnh: Tạp chí Bất động sản

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển nhấn mạnh, ở bất cứ địa phương nào cũng thế, mọi quyết định của chính quyền đều mang ý nghĩa “sống còn” đối với doanh nghiệp.

“Việc rà soát thủ tục pháp lý và vấn đề môi trường phải xong trước khi cấp phép dự án chứ không phải đến bây giờ sau nhiều năm dự án được phê duyệt mới lại xem xét lại.

Tình trạng điều chỉnh quy hoạch sau khi đã được phê duyệt xảy ra ở nhiều địa phương và vụ việc ở Đà Nẵng vừa qua là điển hình.

Các quy hoạch đã được phê duyệt mà chính quyền thay đổi, điểu chỉnh sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp triển khai dự án”, Giáo sư Đào khẳng định.

Ông phân tích, khi quy hoạch ban đầu được phê duyệt, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch, thiết kế, tính toán chi phí cho dự án…Sau điều chỉnh, dự án ban đầu thay đổi sẽ phá vỡ kế hoạch, gây tổn thất cho nhà đầu tư.

Nó sẽ gây tiêu tốn thời gian, tiền bạc và đặc biệt là chi phí cơ hội của doanh nghiệp. Đó là điều tối kỵ với doanh nghiệp, với việc thu hút đầu tư”, Giáo sư Đào nhấn mạnh.

Theo Giáo sư Đặng Đình Đào, việc phản biện quy hoạch, lấy ý kiến người dân lẽ ra phải được chính quyền Đà Nẵng làm trước khi duyệt quy hoạch, cấp phép cho các dự án.

“Tiếp đó là việc điều chỉnh quy hoạch thì phải có thời gian cụ thể, minh bạch với các nhà đầu tư để tìm được tiếng nói chung là tốt nhất.

Nếu cứ vừa làm vừa điều chỉnh quy hoạch sẽ gây tổn thất cho nhà đầu tư và gây nên phản ứng của dư luận.

Đó là thực sự là điều rất nguy hiểm. Cần xem xét lại trách nhiệm của Đà Nẵng trong việc này”, Giáo sư Đào nêu quan điểm.

Ông cho rằng, thực tế cũng đã từng có doanh nghiệp kiện chính quyền địa phương yêu cầu bồi thường về những tổn thất do việc thu hồi dự án hoặc gây tổn thất về chi phí cơ hội của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp họ được cấp phép, được phê duyệt dự án rồi. Đến khi doanh nghiệp làm, không thể địa phương bảo thôi là thôi được.

Việc điều chỉnh, thay đổi quy hoạch như cách làm của Đà Nẵng sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Chúng ta luôn hô hào minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mà lại thay đổi quy hoạch như vậy thì việc Đà Nẵng một số năm gần đây chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tụt vị trí xếp hạng cũng là điều không khó lý giải”, Giáo sư Đào nêu quan điểm.

Mỗi quyết định của những người đứng đầu địa phương không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà còn trực tiếp ảnh hưởng tới sự phát triển, ảnh hưởng tới đời sống của người dân tại đó.

Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố vào cuối tháng 3/2019, Đà Nẵng đã tụt hạng khi rơi xuống vị trí thứ 5 với 67,65 điểm. Trong khi đó vào năm 2017, chỉ số PCI của Đà Nẵng là 70,11, xếp vị trí thứ 2 trên cả nước.

Trước đó, trong các năm từ 2013-2016, Đà Nẵng liên tiếp giữ vững ngôi đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh.

Liên quan đến việc Đà Nẵng tạm dừng các dự án ven sông Hà, ngày 14/5, ông Thái Ngọc Trung – Phó Giám đốc sở Xây dựng Đà Nẵng thông tin, qua đàm phán với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã đồng ý điều chỉnh quy hoạch dự án ven sông Hàn theo hướng giảm mật độ xây dựng nhà ở, tăng diện tích phục vụ cộng đồng.

Cụ thể, đối với 2 dự án đang triển khai là dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) và dự án Olalani Riverside Tower;

Chủ đầu tư đã đồng thuận với chủ trương điều chỉnh quy hoạch dự án để tăng không gian công cộng, không gian cây xanh, tạo vệt không gian cảnh quan xuyên suốt từ cầu sông Hàn đến cầu Thuận Phước.

Ông Trung cũng cho hay, về phía thành phố sẽ có trách nhiệm đền bù các thiệt hại cho các nhà đầu tư bằng cách hoán đổi các lô đất trống mà thành phố đang quản lý, đủ điều kiện được xây dựng công trình cao tầng, trên nguyên tắc ngang giá. (1)

Tài liệu tham khảo:

(1): //giaoduc.net.vn/Kinh-te/Hoan-doi-dat-de-tang-cong-vien-bo-nha-cao-tang-tai-cac-du-an-ven-song-Han-post198364.gd

Nhật Minh

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/kinh-te/doanh-nghiep-chay-theo-da-nang-la-dieu-toi-ky-trong-thu-hut-dau-tu-post198406.gd