Doanh nghiệp phá sản vì chính quyền 'bắt cá hai tay'

Huy động toàn bộ tài sản hơn 15 tỷ đồng để đầu tư xây chợ theo mời gọi của chính quyền địa phương. Thế nhưng, chợ xây xong lại không có người vào họp do chính quyền 'bắt cá hai tay', bội ước cam kết.

Sau hơn 1 năm, PV DĐDN quay lại chợ Quán, xã Liên Vị (Quảng Yên, Quảng Ninh). Không có gì thay đổi, vẫn vẻ ngoài khang trang, nhưng phía trong là sự vắng vẻ, đìu hiu.

Cảnh đìu hiu tại chợ Quán - xã Liên Vị (Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh)

Cảnh đìu hiu tại chợ Quán - xã Liên Vị (Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh)

Bỏ chuồng xây chợ

Được biết, năm 2010, tỉnh Quảng Ninh phát động phong trào xây dựng nông thôn mới. Để đạt tiêu chí “Chợ nông thôn”, chính quyền xã Liên Vị đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tìm chủ đầu tư xây dựng chợ Quán để thay thế chợ tạm xóm Bầu nằm cạnh đường giao thông gây mất trật tự, an ninh. Đồng thời cũng là chủ trương dẹp bỏ chợ tạm, chợ cóc của thị xã Quảng Yên.

Là doanh nghiệp của địa phương lại được những lời mời gọi “đường mật” của chính quyền xã, ông Đỗ Quang Thép - giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Vân như thấy đó là trách nhiệm của mình. Không ngần ngại, ông bán hết chuồng trại để lấy tiền đầu tư vào xây chợ.

Sau gần 1 năm dốc tiền của, chợ Quán được hoàn thành đảm bảo chợ loại III với diện tích hơn 5.700m2, quy mô trên 200 điểm kinh doanh. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng này được kỳ vọng sẽ là trung tâm thương mại sầm uất, góp phần thay đổi bộ mặt xã Liên Vị. Để hoàn thành dự án này, có lúc ông Thép phải vay mượn anh em họ hàng, cầm cố tài sản để có tiền hoàn thiện chợ Quán. Thế nhưng, sau nhiều tháng đi vào hoạt động, chợ Quán vẫn vắng hoe. Thậm chí, cả năm sau chợ mới chỉ hoạt động với khoảng 10% công suất.

Trong căn phòng đầy bụi là nơi làm việc của Ban quản lý chợ, ông Thép chua xót: “Đây là nơi làm việc của Ban quản lý chợ gồm 10 người, thế nhưng không có tiền trả lương, mọi người đã nghỉ việc hết. Giờ mình tôi vừa là giám đốc vừa làm nhân viên, kiêm mọi việc từ thu vé xe đến phí Vệ sinh môi trường”.

Chính quyền “bắt cá hai tay”

Theo ông Thép, khi vận động doanh nghiệp đầu tư xây chợ Quán, chính quyền xã Liên Vị hứa sẽ giải tỏa chợ tạm xóm Bầu khi chợ Quán hoàn thiện. Thế nhưng, xã chỉ hứa suông chứ chẳng có động thái gì. Mặc dù, thị xã Quảng Yên đã có văn bản yêu cầu xã phải dẹp bỏ chợ tạm, chợ cóc trên địa bàn, phối hợp cùng chủ đầu tư vận động tiểu thương vào chợ mới kinh doanh để đảm bảo an toàn giao thông, trật tự, vệ sinh môi trường.
Ông Nguyễn Thành Chiến, Bí thư xã Liên Vị cho biết, chợ cóc xóm Bầu đã hình thành từ trước năm 2000.

Thời điểm đó, người dân họp chợ dọc tuyến đường trục chính của xã gây ách tắc giao thông, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Để giải quyết tình trạng này, cùng với việc triển khai xây dựng nông thôn mới, TX Quảng Yên đã kêu gọi đầu tư chợ cho xã. Trong thời gian xây dựng chợ, để bà con có chỗ kinh doanh, mua bán hàng hóa, xã đã đề nghị thị xã cho duy trì chợ tạm vào phía trong tuyến mương nước nằm giáp ranh giữa xóm Bầu và xóm Quán.

“Cái sai của xã là tự ý phê duyệt cho xây chợ tạm và khi xây dựng chợ này đã không quy định thời gian cụ thể, nên khi có chủ trương dẹp bỏ người dân không đồng tình” - Bí thư xã Liên Vị thừa nhận

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết chợ tạm này chỉ hoạt động tạm thời trong khi chờ chợ Quán hoàn thành. Tuy nhiên, khi được thị xã Quảng Yên đồng ý điểm chợ tạm này, UBND xã Liên Vị đã trình HĐND xã đầu tư xây dựng chợ tạm; Tự ý phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật (không qua trình thẩm định cơ quan chuyên môn của thị xã) với tổng mức đầu tư trên 700 triệu đồng. Đồng thời, giao cho một cá nhân khác đầu tư công trình chợ tạm này. Đặc biệt là “chợ tạm” nhưng xã lại cho chủ đầu tư xây dựng công trình kiên cố, không có thời hạn dẹp bỏ, không có phương án di chuyển các hộ tiểu thương này về địa điểm mới khi chợ Quán đã đi vào hoạt động.

Như vậy, trong khi ông Thép đầu tư xây dựng chợ Quán thì xã Liên Vị cũng đồng thời giao cho một tư nhân khác xây dựng chợ tạm xóm Bầu. Việc “bắt cá hai tay” của chính quyền xã Liên Vị khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản. “Như thế này có khác nào lừa đảo đẩy tôi vào chỗ chết. Đến nước này, có lẽ doanh nghiệp phải đóng cửa chợ, trả cho chính quyền muốn xử lý thế nào thì xử lý”, ông Thép bức xúc.

Được biết, UBND tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo chính quyền các địa phương triển khai kế hoạch dẹp bỏ chợ tạm, chợ cóc trên địa bàn. Việc này phải hoàn thành trước ngày 20/1/2017. Thế nhưng đến thời điểm này, mọi việc vẫn “án binh bất động”. Phải chăng “phép vua” đang thua “lệ làng”?

Lê Cường

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/doanh-nghiep-pha-san-vi-chinh-quyen-bat-ca-hai-tay-160909.html