Doanh nghiệp ôm 351.618 m2 'đất vàng' bỏ hoang giữa Thủ đô làm ăn thế nào?

Trong khi các nhà thầu là doanh nghiệp tư nhân liên tục báo lãi lớn thì Licogi - một doanh nghiệp xuất thân từ Nhà nước lại có tình hình kinh doanh khá èo uột, thậm chí thua lỗ trong nhiều năm.

Một góc khu đô thị bỏ hoang do Licogi quản lý.

Tổng Công ty Licogi - CTCP tiền thân là Tổng Công ty Xây dựng nền móng và Kỹ thuật hạ tầng được thành lập theo Quyết định số 998/BXD-TCLĐ ngày 20/11/1995 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Sau nhiều năm hoạt động cuối 2014, Licogi chuyển đổi mô hình trở thành công ty cổ phần theo Quyết định sổ 2243/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Giấy chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp số 0100106440 thay đổi lần thứ 3 ngày 31/12/2015 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp, Licogi chính thức chuyển thành công ty cổ phần đổi tên từ Tổng Công ty xây dựng và Phát triển Hạ tầng - Công ty TNHH MTV thành Tồng Công ty Licogi- CTCP với vốn điều lệ là 900 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT hiện tại là ông Dương Xuân Quang.

Các hoạt động sản xuất - kinh doanh chính của Licogi, gồm: Thi công và xử lý nền móng các loại công trình, khoan nổ mìn, các công trình ngầm; Thi công xây lắp và tổng thầu thi công xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp; Xây dựng các công trình giao thông (đường bộ, cầu đường sắt, cầu đường bộ, sân bay, bến cảng, nhà ga, đường hầm); Đầu tư kinh doanh các dự án về nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp, đầu tư và kinh doanh phát triển hạ tầng kỹ thuật…

Càng kinh doanh càng bết bát

Từng được ví như một trong những “cánh chim đầu đàn” của Bộ Xây dựng, với kết quả kinh doanh giai đoạn 2011-2015 khả quan, lợi nhuận luôn ở mức dương, có những năm lãi hơn 100 tỷ đồng, như năm 2011 (167 tỷ đồng), năm 2012 (143 tỷ đồng), năm 2013 (101 tỷ đồng). Tuy nhiên, những năm gần đây, doanh thu của Licogi liên tục sa sút kèm theo đó là tình trạng kinh doanh cũng xấu đi.

Điềm báo đầu tiên báo hiệu thời kỳ kinh doanh sa sút của “cánh chim đầu đàn” của Bộ Xây dựng này là vào năm 2016, khi Licogi bất ngờ báo lỗ sau thuế 437 tỷ đồng. Đây là kết quả kinh doanh được xếp vào loại tồi nhất trong lịch sử hoạt động hơn nửa thế kỷ của thành viên Bộ Xây dựng này.

Tình hình của Licogi “bi đát” đến độ hãng kiểm toán PwC phải đưa ra cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục khi nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 1.050 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần âm 126 tỷ đồng.

Sang năm 2017, mặc dù có cải thiện nhưng doanh thu của Licogi cũng không khấm khá hơn, chỉ đạt 2.708 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế âm 58,7 tỷ đồng. Trước tình trạng làm ăn sa sút trên, Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, cổ đông Tổng công ty Licogi (mã LIC) đã buộc phải thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 cho công ty mẹ gồm doanh thu 529 tỷ đồng, tăng trưởng 22% và lỗ trước thuế 55,5 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với số lỗ năm trước 101,4 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ đã được soát xét cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Licogi cũng chỉ tăng nhẹ, đạt 1.226 tỷ đồng so với con số 1.203 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 6 tỷ đồng. Đáng chú ý, cùng kỳ năm trước con số này là âm 53 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt chỉ vỏn vẹn 8,5 tỷ đồng.

Bất động sản thu lời lớn cũng chỉ bù lỗ được phần nào

Xuất thân từ doanh nghiệp Nhà nước lại hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng cho nên Licogi nắm giữ khá nhiều tài sản là đất đai (hơn 1.500.000 m2), đặc biệt phần lớn nằm dưới dạng dự án đã được cấp phép; trong đó phải nhắc tới dự án Khu ĐTM Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội với diện tích 351.618 m2; dự án Khu ĐTM Cột 5 – Cột 8 TP Hạ Long, Quảng Ninh (332.828 m2); dự án khu ĐTM Cột 5 – Cột 8 mở rộng (198.603 m2); dự án khu ĐTM Nam Ga – TP. Hạ Long (238.018 m2); dự án Khu dân cư đô thị Yên Thanh – Licogi Yên Thanh Uông Bí, Quảng Ninh (275.672 m2)…

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo cáo bạch của Licogi, riêng dự án Khu đô thị Nam Ga Hạ Long, Tổng công ty đã ghi nhận doanh thu và giá vốn lũy kế đến thời điểm 31/12/2017 lần lượt là 154,96 tỷ đồng và 115,94 tỷ đồng; trong đó có một phần doanh thu được ghi nhận trên cơ sở nhận tiền trước.

Theo đơn vị này, nếu hạch toán theo doanh thu và thu nhập khác (VAS14) thì doanh thu và giá vốn hàng bán tương ứng đối với các lô đất đã bàn giao trong năm 2017 là 122,9 tỷ đồng và 78,3 tỷ đồng, lợi nhuận là 44,6 tỷ đồng. Lỗ kế toán trước thuế trong năm 2017 vì thế sẽ giảm đi khoảng 22,81 tỷ đồng.

Licogi cũng dự tính, trong năm 2018, Tổng công ty tiếp tục ghi nhận doanh thu của dự án bất động sản Khu đô thị Nam Ga Hạ Long với tổng doanh thu và giá vốn lần luợt là 41,1 tỷ đồng và 28,5 tỳ đồng, lợi nhuận là 12,6 tỷ đồng; trong đó có một số lô đất đã được ghi nhận một phần doanh thu từ các kỳ trước.

Riêng với dự án Licogi 17, trong các năm trước, Tổng công ty đã ghi nhận tổng doanh thu và giá vốn lũy kế lần lượt là 21,1 tỷ đồng và 14,2 tỷ đồng trên cơ sở nhận tiền trả trước của khách hàng.

Dự tính, trong năm 2018, Tổng công ty sẽ ghi nhận doanh thu và giá vốn lần lượt là 32,3 tỷ đồng và 26,9 tỷ đồng; trong đó có một số lô đất đã được ghi nhận một phần doanh thu từ các kỳ trước. Nếu hạch toán theo VAS 14 thì doanh thu và giá vốn hàng bán tương ứng của dự án này là 53,4 tỷ đồng và 41,2 tỷ đồng, lợi nhuận là 12,3 tỷ đồng. Lợi nhuận kế toán trước thuế trong kỳ sẽ tăng lên khoảng 6,9 tỷ đồng.

Đến kế hoạch “giải cứu” khu đô thị trong tầm ngắm thu hồi

Riêng với dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, rộng 351.618 m2 đất tại các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ và Tương Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bỏ hoang 14 năm nay, mới đây, Licogi đã công bố xin ý kiến cổ đông bằng văn bản đối với nhiều chủ trương quan trọng.

Theo đó, một trong những chủ trương quan trọng được đơn vị này lấy ý kiến đó là kế hoạch phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu của công ty con Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi để đầu tư Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt.

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, dự kiến được phát hành trong một hoặc nhiều đợt trong năm 2018 và có thể sang năm 2019 tùy thuộc tình hình thị trường.

Kỳ hạn trái phiếu trên 1 năm, được thế chấp bởi toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của Công ty Nhà ở và Đô thị Licogi tại dự án Thịnh Liệt. Tổng công ty Licogi cũng sẽ thế chấp 100% phần vốn tại Công ty Nhà ở và Đô thị Licogi.

Đáng chú ý, động thái này của Licogi chỉ diễn ra sau khi thời gian gần đây Hà Nội liên tiếp có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra và thu hồi các dự án bỏ hoang lâu ngày. Tuy nhiên, kế hoạch này của Licogi có thành công hay không còn phải chờ các cổ đông thông qua và như thế “số phận” của 351.618 m2 “đất vàng” giữa Thủ đô vẫn còn bỏ ngỏ.

VẠN XUÂN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/chan-dung-doanh-nghiep-doanh-nghiep-om-351618-m2-dat-vang-bo-hoang-giua-thu-do-lam-an-the-nao-3471792.html