Doanh nghiệp nuôi heo đừng 'tham bát bỏ mâm'!

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi doanh nghiệp chăn nuôi không chạy theo lợi ích ngắn hạn, găm hàng đẩy giá heo mà phải tạo sự ổn định trong nước và hướng tới xuất khẩu

Sáng 26-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.

Thịt heo sẽ thiếu hụt không nhiều

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, từ tháng 2-2019 đến ngày 26-12, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 8.532 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, TP. Tổng số heo phải tiêu hủy hơn 5,965 triệu con với tổng trọng lượng khoảng 341.000 tấn, chiếm 9% tổng trọng lượng heo cả nước. Dịch bệnh khiến giá heo hơi biến động lớn: Tháng 1-2019 ở mức 44.000 đồng/kg nhưng đến tháng 12-2019 lên đến 85.000 đồng/kg.

Ông Chinh cho biết hiện tổng đàn heo cả nước khoảng 25 triệu con, trong đó có 2,7 triệu con nái. Các doanh nghiệp (DN) tập trung nhiều nguồn lực đầu tư giữ đàn heo giống, hiện còn khoảng 109.000 con, cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tái đàn. Nhiều cơ sở chăn nuôi ở một số địa phương nuôi tái đàn có kết quả tốt như Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Giang, Đồng Nai…

"Dự kiến đến quý I/2020, tổng đàn heo sẽ duy trì ở mức 25 - 25,5 triệu con và nguồn thịt chủ yếu là ở các công ty, trang trại, hộ chăn nuôi lớn. Do đó, nguồn cung thịt heo sẽ ổn định và ngày càng tăng lên, đáp ứng tương đối đủ nhu cầu người tiêu dùng" - ông Chinh khẳng định và cho biết nhiều địa phương đã dự trữ nguồn thực phẩm cho nhu cầu Tết nguyên đán.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tình hình chăn nuôi heo ở tỉnh Bắc Giangv

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tình hình chăn nuôi heo ở tỉnh Bắc Giangv

Đại diện Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết với mặt hàng thịt heo, nhu cầu tiêu dùng của người dân TP trong dịp cuối năm khoảng 22.300 tấn/tháng. Căn cứ vào tình hình hiện tại, còn thiếu khoảng 3.500 tấn. Lượng thịt thiếu hụt sẽ được bảo đảm từ việc tăng sản lượng xuất chuồng, các sản phẩm thay thế khác tương đối dồi dào và khai thác từ các tỉnh, thành lân cận.

Tỉnh Bắc Giang cũng khẳng định sẽ không thiếu thịt phục vụ người tiêu dùng vì địa phương này sẽ xuất bán 300.000 con heo trong dịp Tết. Ngoài ra còn có khoảng 1.200 tấn thịt trâu, bò; 6.000 tấn thịt gia cầm. Tỉnh Nam Định còn khoảng 165.000 con heo thịt có trọng lượng từ 80 kg/con trở lên, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh.

Chờ heo to bằng con trâu mới bán!

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết có thời điểm giá heo hơi tăng cao đến mức có người "ôm" hàng ngàn con từ vùng này sang vùng khác chờ giá lên cao mới bán. Heo được lén lút đưa qua biên giới Trung Quốc bán để hưởng chênh lệch giá. "Giá heo hơi "nóng" đến mức heo nuôi nặng đến 1,2 tạ/con vẫn chưa muốn xuất chuồng. Nhiều người vẫn muốn nuôi tiếp, muốn heo to bằng con trâu mới chịu bán. Nhiều nơi chưa bảo đảm an toàn dịch bệnh, chuồng trại đã nôn nóng tái đàn bằng mọi giá. Đây là điều quá nguy hiểm" - ông Nguyễn Xuân Cường cảnh báo.

Về việc nhập khẩu thịt heo, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng thiếu thì phải nhập, còn tình hình giá là câu chuyện của thị trường. "Thị trường vận hành khách quan theo quy luật cung - cầu. Nhưng thị trường cũng do chính chúng ta quyết định. Do đó phải có giải pháp" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết sự thành công trong ngành chăn nuôi, đặc biệt là các DN chăn nuôi nước ngoài tại Việt Nam, là nhờ thị trường tiêu thụ lớn với gần 100 triệu dân. Bên cạnh năng lực của DN còn có điều kiện tiên quyết là các chính sách thuận lợi. Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn của chăn nuôi heo hiện nay, các DN phải lấy tinh thần chia sẻ, có trách nhiệm với thị trường, không cố tình găm hàng đẩy giá để thu lợi cho riêng mình trong ngắn hạn.

"DN lãi bao nhiêu, xã hội, Bộ NN-PTNT và bản thân DN đều biết rõ. Tuy nhiên, việc thu lãi như nêu trên có phải là điều tốt hay không? Rõ ràng là không tốt cho chính DN. Bởi nếu giá duy trì ở mức cao kéo dài sẽ lại diễn ra tình trạng đổ xô vào nuôi heo, rồi sẽ lại rớt giá, dịch bệnh bùng phát…" - Bộ trưởng phân tích.

Từ đó, ông Nguyễn Xuân Cường đề nghị trong hoàn cảnh hiện nay, các DN chăn nuôi heo phải đóng vai trò dẫn dắt, đặc biệt là dẫn dắt về giá, làm chủ sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi trong thị trường nội địa và tiến tới thị trường quốc tế, trở thành cường quốc về chăn nuôi. "Phải bán thịt với giá hợp lý nhất cho người tiêu dùng" - người đứng đầu ngành nông nghiệp chỉ đạo.

Sản lượng thịt heo năm 2019 trên cả nước ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018.

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/doanh-nghiep-nuoi-heo-dung-tham-bat-bo-mam-20191226212036152.htm