Doanh nghiệp nước ngoài quan ngại về một số quy định với fintech

'Kế hoạch áp dụng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán và fintech sẽ hạn chế đáng kể các công ty khởi nghiệp fintech Việt Nam trong việc huy động vốn từ các tổ chức đầu tư nước ngoài, từ đó hạn chế khả năng thu hút nhân tài và khiến họ kém cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác trong khu vực', AmCham cho biết.

DN nước ngoài kiến nghị về các quy định liên quan tới fintech - Ảnh minh họa

DN nước ngoài kiến nghị về các quy định liên quan tới fintech - Ảnh minh họa

Kiến nghị không hạn chế sở hữu nước ngoài với công ty fintech

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2019, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho hay sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ tài chính và fintech sẽ phụ thuộc vào việc triển khai khung pháp lý, quy định và chính sách thuận lợi cho đầu tư và cho phép các lĩnh vực này tiếp tục đóng góp cho sự thịnh vượng và phổ cập tài chính của Việt Nam.

Theo đó, AmCham đang quan ngại về một số quy định gần đây về lĩnh vực thanh toán và fintech.

"Kế hoạch áp dụng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán và fintech sẽ hạn chế đáng kể các công ty khởi nghiệp fintech Việt Nam trong việc huy động vốn từ các tổ chức đầu tư nước ngoài, từ đó hạn chế khả năng thu hút nhân tài và khiến họ kém cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác trong khu vực", phía AmCham cho biết.

Tổ chức này cho rằng những giới hạn như vậy sẽ cản trở sự phát triển của ngành và hy vọng rằng chính phủ Việt Nam sẽ duy trì các chính sách tạo điều kiện cho dịch vụ fintech có cơ hội đóng góp vào công cuộc đổi mới công nghệ và phổ cập tài chính tại Việt Nam.

Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại của diễn đàn VBF cho rằng việc hạn chế quyền sở hữu nước ngoài tại các công ty fintech có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của fintech tại Việt Nam.

Được biết, Chính phủ Việt Nam đang xem xét hạn chế quyền sở hữu nước ngoài trong các công ty fintech. Đáng lưu ý, trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22.11.2012 (Nghị định số 101), Ngân hàng Nhà nước có đề xuất trần 30% sở hữu nước ngoài trong các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.

Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại kiến nghị Chính phủ bảo đảm rằng sẽ không có hạn chế về sở hữu nước ngoài đối với các công ty fintech để không cản trở sự phát triển của ngành này tại Việt Nam.

Cũng theo nhóm công tác, pháp luật Việt Nam đang thiếu quy định hướng dẫn đã khiến các doanh nghiệp fintech gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm hướng phát triển cho ngành công nghiệp này tại Việt Nam.

Theo đó, hiện không có ngành nghề kinh doanh cụ thể cho dịch vụ cho vay ngang hàng và doanh nghiệp không rõ họ nên đăng ký ngành nghề kinh doanh nào để cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng tại Việt Nam.

"Chúng tôi đã thấy các doanh nghiệp đăng ký các ngành nghề kinh doanh khác để cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng và chấp nhận nguy cơ không tuân thủ với các giấy phép kinh doanh của họ (như Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) khi vận hành một dịch vụ có thể không được đăng ký trong các giấy phép kinh doanh của họ", nhóm công tác nêu.

Từ thực tế này, nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại kiến nghị Chính phủ ban hành thêm quy định hướng dẫn cho các dịch vụ fintech mới, đặc biệt là các dịch vụ fintech như dịch vụ cho vay ngang hàng đã và đang hoạt động tại Việt Nam.

Giới hạn số giờ làm thêm cản trở doanh nghiệp?

Ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết, quy định về giới hạn số giờ làm thêm nghiêm ngặt đang làm cản trở doanh nghiệp.

Doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc do giới hạn số giờ làm thêm nghiêm ngặt của Chính phủ Việt Nam là 4 giờ/tuần, 30 giờ/tháng, 200 giờ/năm, chỉ với một số ngành nghề cần tập trung nhiều lao động như may mặc, dệt may, giày dép được mức 300 giờ/năm. Trong khi đó, năng suất lao động Việt hiện còn khá thấp, không đảm bảo sản xuất cho các doanh nghiệp có tính thời vụ, phải đảm bảo tiến độ hợp đồng.

“Điều này hạn chế cả với người lao động và người sử dụng lao động”, ông Kim Han Yong nhấn mạnh và cho rằng, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, do đó, để tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư này, cần phải nới rộng giới hạn này thêm nhiều.

“Tại Hàn Quốc công nhận số giờ làm thêm khoảng 600 giờ/năm, tức 12 giờ/tuần, trong khi Việt Nam lại áp trần mức 200 giờ/năm”, Ông Kim Han Yong chia sẻ.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, sửa đổi Luật lao động cần theo hướng mở rộng khung giờ làm thêm lên 400 giờ.

Đồng thời, theo ông Lộc, không sử dụng hệ thống trả công lũy tiến với thời gian làm thêm của người lao động, tăng lương tối thiểu ở mức hợp lý bảo đảm phù hợp với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của các doanh nghiệp.

Báo cáo của Nhóm công tác Nguồn Nhân lực của VBF 2019 cũng cho thấy, việc nới lỏng mức trần của số giờ làm thêm là đáng hoan nghênh. “Nhưng vẫn cần lưu ý rằng giới hạn này vẫn còn thấp hơn mức trung bình của khu vực. Chúng tôi đề xuất các văn bản hướng dẫn thực hiện không cấm nhân viên làm việc thêm giờ vượt quá mức trần này nếu họ có nguyện vọng như vậy để tăng thêm thu nhập”, ông Colin Blackwell, Trưởng Nhóm công tác Nguồn Nhân lực cho biết.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tai-chinh-dau-tu-c-98/doanh-nghiep-nuoc-ngoai-quan-ngai-ve-mot-so-quy-dinh-voi-fintech-115841.html