Doanh nghiệp nước ngoài muốn TPHCM thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bền vững

TPHCM cần phải hành động nhiều hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số để tạo sự thuận lợi – minh bạch hơn và đáng chú ý là tăng trưởng bền vững.

Những ý kiến này được ghi nhận tại Chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài năm 2022 vào chiều tối ngày 20-5.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với các doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài trước khi diễn ra sự kiện. Ảnh: Lê Hoàng

Đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp đánh giá cao việc khống chế hiệu quả dịch Covid-19, song song với phát triển kinh tế-xã hội. Hầu hết các ý kiến của đại diện các Hiệp hội chia sẻ sự lạc quan của các doanh nghiệp thành viên về tương lai của Việt Nam và TPHCM nói riêng để tiếp tục đầu tư, mở rộng kinh doanh. Qua đó, các nhà đầu tư mong muốn được hợp tác với thành phố để thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng bền vững.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (Amcham), tin rằng TPHCM có thể tiếp tục thu hút và tăng trưởng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giá trị cao, đồng thời phát triển nền kinh tế dịch vụ, đặc biệt là nền kinh tế số, dịch vụ tài chính và chăm sóc sức khỏe.

Theo Amcham, yếu tố quan trọng đối với cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ này sẽ là xây dựng một cơ sở hạ tầng để tăng trưởng bền vững và đào tạo lực lượng lao động mang tính cạnh tranh toàn cầu.

Theo bà Mary Tarnowka, mấu chốt hiện nay là cần phải đảm bảo một môi trường pháp lý tích cực, không chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn tăng trưởng đầu tư hiện có ở đây.

“Tại AmCham, chúng tôi thể hiện sự quan tâm trong việc tạo ra một hệ thống quy định công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và hiệu quả, coi trọng sự đổi mới. Điều đó có nghĩa là cải cách hành chính, tinh giản các quy định, nhiều quy trình phê duyệt điện tử hơn, tính ổn định và nhất quán trong các quy hoạch tổng thể, và đảm bảo việc gia hạn giấy phép đầu tư và phê duyệt mở rộng đầu tư diễn ra suôn sẻ, để Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng có thể giữ chân và thu hút đầu tư trong môi trường toàn cầu ngày càng cạnh tranh”, bà nói.

Theo giám đốc điều hành Amcham, Việt Nam, đặc biệt là TPHCM và khu vực kinh tế phía Nam, vẫn hấp dẫn đối với đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giá trị cao. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng bền vững là một yếu tố quan trọng. Điều đó có nghĩa là nguồn năng lượng sạch hơn, điều đang ngày càng được yêu cầu bởi các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn có các chuỗi cung ứng xanh có đạo đức, và bởi cả người dân TPHCM mong muốn một cuộc sống có chất lượng tốt hơn.

Mặt khác bà cũng kiến nghị TPHCM cần phát triển cơ sở hạ tầng số, dưới dạng một môi trường quản lý toàn diện cho phép lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới liên tục và an ninh mạng. Điều này sẽ giúp Việt Nam khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế số bằng cách tạo ra một môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đang phát triển của TPHCM.

Lãnh đạo Amcham cũng ủng hộ các kế hoạch của TPHCM nhằm củng cố thị trường tài chính và phát triển TPHCM như một Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (trái) trao đổi với nhà đầu tư, doanh nghiệp bên lề sự kiện. Ảnh: Lê Hoàng

Trong khi đó, ông Jean Jacques Bouflet, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), nhìn thấy những cơ hội hợp tác và hỗ trợ nhiều trong các mục tiêu do thành phố đề ra. EuroCham kiến nghị TPHCM cần đẩy mạnh chuyển đổi số hơn nữa tại các sở ngành nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu tiếp nhận và thẩm định các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

EuroCham cũng kiến nghị TPHCM về việc cần phát triển hạ tầng, kết nối vùng, giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường. Hơn lúc nào hết, đại diện EuroCham cho rằng việc tập trung phát triển kinh tế chỉ có thể bền vững nếu được phát triển “xanh”.

“TPHCM cần đi đầu trong việc đẩy mạnh xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, công trình xanh và bao gồm cả việc xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công; thúc đẩy áp dụng các giải pháp quy hoạch, kiến trúc, vật liệu, kỹ thuật và quản lý dự án nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, ông Bouflet kiến nghị, và cho rằng: “Thành phố cần áp dụng phương pháp tiếp cận toàn diện theo vòng đời, đồng thời tăng cường hơn nữa việc ứng dụng nhãn xanh trong sản xuất và thực hiện áp dụng Công bố sản phẩm môi trường”.

Còn ông Shon Young IL, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và Nam Việt Nam (Kocham), cho rằng tốc độ hoàn thiện hệ thống kho vận của Cảng Cát Lái, đơn vị phụ trách kho vận của TPHCM và khu vực phía Nam vẫn còn chậm chạp.

Thêm vào đó, Kocham cũng mong thành phố quan tâm hơn đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng hậu cần lên một tầng cao hơn, chẳng hạn như vận hành hệ thống giao thông linh hoạt thông qua hệ điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo thay vì hệ thống giao thông thống nhất; mở rộng các tuyến đường cao tốc liên vùng tạo thuận tiện lưu thông hàng hóa cho các doanh nghiệp.

Mặt khác, trong bối cảnh các công ty toàn cầu đang cố gắng thay đổi cấu trúc doanh nghiệp để đáp ứng các tiêu chuẩn thân thiện với khí hậu, thân thiện với ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) theo đại diện KoCham, đây sẽ là lúc cần chuyển đổi mô hình của doanh nghiệp và TPHCM sang hướng nỗ lực kinh doanh ESG bằng quan điểm “đầu tư” chứ không phải là “chi phí”.

Dẫn một số chương trình TPHCM đặt ra trong kế hoạch phát triển 2021-2025 bao gồm đổi mới quản lý, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và văn hóa, xây dựng các chương trình khởi nghiệp mới được Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại TPHCM (SBG) đánh giá sẽ là một bước đệm đáng mong chờ. Theo ông ông Ajay Panot, Thành viên Ban chấp hành của SBG, việc đẩy mạnh các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm các dự án tuyến tàu điện ngầm, sẽ góp phần giúp giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt ở một số khu vực trong thành phố và cũng như giải quyết phần lớn sự ô nhiễm môi trường.

Về việc chuyển đổi số bằng ứng dụng Khoa học – Công nghệ, ông cũng tin rằng nó sẽ giúp ích cho sự phát triển của Thành phố cũng như kế hoạch lựa chọn Thành phố Thủ Đức để thực hiện Chuyển đổi số, kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều lợi thế.

Ghi nhận những ý kiến của đại diện các hiệp hội, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, cho rằng những kiến nghị đóng góp, cho thấy các Hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài đã thật sự chia sẻ về sự phát triển bền vững, để TPHCM trở thành đầu tàu, trung tâm kinh tế của đất nước và khu vực.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cam kết sẽ tiếp tục hành động để môi trường kinh doanh của thành phố tốt và bền vững hơn, để thành phố trở thành trung tâm kết nối của khu vực và toàn cầu. Các ý kiến, sẽ tổng hợp và phản hồi đến từng hiệp hội.

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-nuoc-ngoai-muon-tphcm-thuc-day-doi-moi-va-tang-truong-ben-vung/