Doanh nghiệp nước ngoài mở rộng sản xuất ở Việt Nam vì chiến tranh thương mại

Trong khi Mỹ và Trung Quốc đều đang cố gắng kết thúc thương mại dai dẳng, Việt Nam lại hưởng lợi nhờ lợi thế chi phí sản xuất thấp, Bloomberg nhận định.

Chiến tranh thương mại tạo ra cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp Việt

Khi Mỹ và Trung Quốc áp thuế lên khoảng 360 tỷ USD hàng hóa của cả hai bên vào năm ngoái, ông Lê Duy Anh, giám đốc CTCP Xuân Hòa, một nhà sản xuất gỗ tại Hà Nội, cho biết rất nhiều khách quốc tế đã đến thăm quan và tìm hiểu công việc sản xuất tại nhà máy của công ty ông. Các khách hàng của Xuân Hòa bao gồm cả hãng sản xuất nội thất Thụy Điển Ikea đã chuyển hướng một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ít nhất khoảng 10 khách hàng tiềm năng từ nước ngoài đã gọi đến văn phòng của ông Anh trong khoảng 3 tháng đầu năm nay.

Ông Anh, người hy vọng doanh số bán hàng sẽ tăng ít nhất gấp đôi trong 5 năm tới, nói: “Rõ ràng chiến tranh thương mại đang mang đến thêm nhiều cơ hội kinh doanh. Có nhiều công ty liên lạc với chúng tôi để chuyển từ mua hàng Trung Quốc sang mua hàng của chúng tôi”.

Xuân Hòa có quan hệ kinh doanh với Ikea hơn 17 năm, và hãng sản xuất đồ nội thất Thụy Điển gần đây đã bắt đầu đặt hàng một số sản phẩm kim loại nhỏ từ hãng sản xuất đồ nội thất Việt Nam này. Theo ông Anh, giá sản phẩm của Xuân Hòa hiện tại rẻ hơn khoảng 1 nghìn đồng/linh kiện so với nhà cung cấp của Ikea tại Trung Quốc, và còn có thể giảm nhiều hơn nữa dưới sức ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Chi phí thấp

Phát ngôn viên của Ikea tại Thụy Điển, ông Mattias Hennius, cho biết: “Cũng giống như nhiều công ty toàn cầu khác, Ikea luôn tìm kiếm cơ hội cạnh tranh hơn để đảm bảo tối ưu hóa nguồn cung, giữ mức chi phí thấp cho khách hàng.”.

Sở dĩ Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư bởi vì đây là địa điểm sản xuất hàng hóa nổi tiếng với chi phí thấp. Lương người lao động tại Việt Nam chỉ bằng nửa so với lương người lao động tại Trung Quốc, và giá điện ở Việt Nam rẻ bởi chính sách trợ cấp của Chính phủ. Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc, chính vì thế các nhà máy sẽ thận lợi hơn trong việc vận chuyển nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho công việc sản xuất.

Chiến tranh thương mại đang đẩy nhanh một xu thế không ngừng phát triển kể từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa và hiện đại hóa nền kinh tế vào thập niên 1980. Kinh tế Việt Nam đã phát triển thành một trong những nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại lớn nhất thế giới, với hàng tá hiệp định thương mại tự do được ký kết.

Vốn FDI liên tục tìm đến Việt Nam

Việt Nam chiếm khoảng 1/5 vốn FDI của ASEAN, ngoại trừ Singapore.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng từ đó đến nay, nhưng chỉ thực sự khởi sắc từ năm 2014 sau khi Samsung Electronics thông báo về kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất điện thoại thông minh từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. FDI đạt mốc 14,1 tỷ USD vào năm 2017, tương đương khoảng 1/5 dòng vốn vào khu vực (không tính Singapore), theo số liệu được cung cấp bởi Maybank Kim Eng Research.

Việt Nam cũng đã có những bước tiến dài trong bảng chỉ số khảo sát điều kiện kinh doanh của Ngân hàng Thế giới cũng như tính cạnh tranh của nền kinh tế theo tính toán của WEF. Đồng thời, Việt Nam đứng thứ 60 trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới của Bloomberg.

Chiến tranh thương mại đóng vai trò như một cú huých đã kéo nhiều công ty đến Việt Nam mở rộng kinh doanh. Hai nhà cung cấp Apple là GoerTek của Trung Quốc và tập đoàn Đài Loan Hon Hai Precision Industry, còn được gọi là Foxconn, cũng như một số đối thủ của họ đã chuyển sang quốc gia Đông Nam Á trong cuộc chiến thương mại. Nhà cung cấp đồ gia dụng Mỹ Haverty Furniture cũng đang tăng cường sản xuất tại Việt Nam do áp lực thuế quan,

Điều này cũng thể hiện trong số lượng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang tăng lên khi thương mại ở nơi khác bị ảnh hưởng. Xuất khẩu đã tăng 12,4% trong nửa cuối năm 2018 so với một năm trước, bỏ xa 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - theo dữ liệu được cung cấp bởi HSBC.

Dù vậy, các nhà đầu tư cho biết Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để cải thiện môi trường kinh doanh như cải thiện và mở rộng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là vận tải và đảm bảo sản xuất có thể tăng dần chuỗi giá trị.

Thúy Nguyễn

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/doanh-nghiep-nuoc-ngoai-mo-rong-san-xuat-o-viet-nam-vi-chien-tranh-thuong-mai-3328687/