Doanh nghiệp nộp phạt để giữ thể diện cho cán bộ

Chưa đủ thủ tục pháp lý nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Quản lý giao thông (Cty CP.ĐTXD&QLGT) Điện Biên đã phá hàng nghìn m2 rừng để làm dự án trên tuyến Quốc lộ 12. Khi bị 'tuýt còi', Giám đốc công ty này nói: 'Thôi tôi nộp phạt một ít để các ông giữ được thể diện của các ông. Còn cái phần hành lang thì thôi không tranh cãi nữa, chúng tôi lấy việc để chúng tôi làm. Thống nhất biên bản như thế, phạt mấy chục triệu thôi mà'.

Khu vực được cho là doanh nghiệp đã phá rừng sản xuất để thi công dự án.

Khu vực được cho là doanh nghiệp đã phá rừng sản xuất để thi công dự án.

Phạt mấy chục triệu thôi mà!

Từ ngày 15/10/2019, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Điện Biên triển khai thi công xây dựng công trình: Khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông (BĐGT) bước 1 năm 2019 trên tuyến Quốc lộ 12 đoạn km 98+900 – km 100. Trong quá trình thực hiện, Sở GTVT Điện Biên (đơn vị chủ đầu tư) đã không tiến hành làm thủ tục chuyển đổi đất rừng sang đất dự án.

Kết quả kiểm tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định Cty CP.ĐTXD&QLGT (đơn vị thi công) đã san lấp, chặt phá 3.417m2 rừng sản xuất thuộc tiểu khu 824, khoảnh 4, lô 11. Đây là diện tích rừng đã giao cho UBND phường Na Lay quản lý và bảo vệ. Hành vi trên được xác định vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng, vi phạm Luật Lâm nghiệp. Quá trình xử lý vi phạm, doanh nghiệp bất hợp tác.

Cho đến buổi làm việc tháng 11/2019, mức phạt được đưa ra với hành vi phá rừng của doanh nghiệp này là 41 triệu đồng. Cùng với đó là 12 triệu đồng khắc phục hậu quả, trồng lại rừng đã phá.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Đỗ Thanh Lâm, Giám đốc Cty CP.ĐTXD&QLGT tỉnh Điện Biên cho rằng, đơn vị mình thi công đúng. Việc chấp hành hình thức xử phạt vi phạm hành chính vì “giữ thể diện cho các ông ý” (ý nói lãnh đạo chính quyền, sở, ngành – PV).

“Làm việc xong thì bên tôi nhận: Ngoài cái đất hành lang ra thì cũng vi phạm vào một ít, nên mới bảo các ông ấy là: Thôi tôi nộp phạt một ít để các ông giữ được thể diện của các ông. Còn cái phần hành lang thì thôi không tranh cãi nữa, chúng tôi lấy việc để chúng tôi làm. Thống nhất biên bản như thế, phạt mấy chục triệu thôi mà”, ông Đỗ Thanh Lâm cho biết.

Cũng theo ông Lâm, quá trình triển khai dự án, Sở GTVT đã “sơ suất” trong việc báo cáo với Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh.

“Về phía bên tôi cũng có cái sai, đó là lỗi của Sở GTVT. Đúng ra Sở chỉ cần có một cái công văn về ứng cứu BĐGT, khắc phục hậu quả lụt bão rồi gửi sang Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn, là Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Chủ tịch ra công văn yêu cầu chỉ đạo tổ chức thực hiện là tất cả các ngành, các cấp xúm tay vào làm. Nhưng mà có một cái lỗi là từ trước đến giờ chẳng ai làm những việc đấy cả”, ông Lâm cho biết thêm.

“Luật Lâm nghiệp không sai, nhưng người quy hoạch ở tỉnh Điện Biên này là sai. Nó quy hoạch trên bản đồ, không có quy hoạch chi tiết trên thực địa. Nó như cái bẫy. Ông nào động vào cũng là chết. Các ông ý trót phê duyệt quy hoạch mất rồi. Nó lại nhầm.

Theo quy định, nếu chưa có văn bản chấp thuận của Bộ GTVT thì ông không được quy hoạch (đất hành lang) vào thành đất rừng. Như thế nghĩa là tỉnh đương nhiên sai. Nhưng không ai đi phân định đúng sai cả vì nếu thế tất cả lại phải xin điều chỉnh, lại phải trình lại Thủ tướng phê duyệt”, ông Lâm thông tin thêm.

Sai phạm mười mươi...

Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho rằng: “Ở đây, sai phạm thì đã rõ. Để xác định được điều này không chỉ có ngành kiểm lâm với công ty, mà là cuộc họp của tất cả các bên (UBND thị xã Mường Lay, Sở GTVT, Sở NN&PTNT và các đơn vị có liên quan).

Quá trình xác minh, chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận của các bên. Tại cuộc họp cuối cùng anh Kiên (Phó Giám đốc Sở GTVT) cũng thừa nhận là chúng tôi cũng làm đúng. Cái đó đã được thể hiện rõ trong biên bản làm việc.

Chúng tôi đồng ý sẽ loại bỏ ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng với diện tích đất hành lang giao thông, nhưng ai sẽ quản lý phần đất này? Vì đất không thể không có chủ. Anh nói đất của anh, nhưng anh đã thu hồi chưa? Anh có được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?”, ông Hồng lý giải.

Theo ông Hồng: “Tại sao khi anh tổ chức thi công, anh không thông báo cho cấp ủy, chính quyền địa phương được biết nội dung đó (?). Tôi đồng ý đây là công trình cấp bách. Nhưng trong quy định khi thi công các công trình cấp bách, kể cả bước 1 hay bước 2 đều giao anh phải tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật.

Quy định pháp luật ở đây là gì? Nếu như anh liên quan đến đất đai thì có luật đất đai, liên quan đến lâm nghiệp có Luật Lâm nghiệp. Anh vi phạm thì tôi sẽ xử lý. Chứ không phải do cấp bách mà muốn làm gì thì làm”, ông Hồng nhấn mạnh.

Ngày 10/3, làm việc với Báo GD&TĐ, ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, diện tích đất rừng mà doanh nghiệp phá để làm dự án đã được HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp cuối năm 2019, đang trình Thủ tướng phê duyệt, cho phép chuyển đổi từ đất rừng sang đất dự án. Nghĩa là dự án này đã được “làm tắt”?

Ngày 5/10/2019, Sở GTVT triển khai thi công xây dựng công trình: Khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1 năm 2019 trên tuyến Quốc lộ 12 đoạn km 98+900 – km 100. Đơn vị này không tiến hành làm thủ tục chuyển đổi đất rừng sang đất dự án. Ngày 18/10, UBND thị xã Mường Lay phát đi Công văn số 440/BC-UBND, “tố” hành vi bất chấp pháp luật của Sở GTVT tỉnh Điện Biên với UBND tỉnh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/doanh-nghiep-nop-phat-de-giu-the-dien-cho-can-bo-4070614-b.html