Doanh nghiệp nông nghiệp chưa mặn mà xây dựng chuỗi sản xuất khép kín

Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp chưa mặn mà với việc xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, mới tập trung ở khâu thương mại, tiêu thụ sản phẩm...

Xây dựng hợp tác xã gắn với chuỗi đang là nhiệm vụ chính trị, nhưng muốn chuỗi liên kết bền vững thì phải tiêu thụ được các sản phẩm chuỗi...

Bởi vậy, để nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, hợp tác xã đóng vai trò quan trọng, là cầu nối thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của địa phương.

Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương ở xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng là một điển hình trong việc liên kết này.

Chăm sóc vườn rau theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh minh họa: Minh Hưng - TTXVN

Chăm sóc vườn rau theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh minh họa: Minh Hưng - TTXVN

* Hiệu quả từ liên kết sản xuất
Theo bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương, Hải Phòng có 225 hợp tác xã sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp; trong đó, gần 120 hợp tác xã đã chuyển đổi, 65 hợp tác xã thành lập mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012, số hợp tác xã còn lại là chưa chuyển đổi và đã ngừng hoạt động.

Các hợp tác xã đã có sự đóng góp không nhỏ trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập của nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương, được thành lập tháng 9/2017 theo Luật Hợp tác xã năm 2012 gồm 9 thành viên với các ngành nghề chủ yếu là dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp, tổ chức sản xuất lúa chất lượng, lúa hữu cơ (lúa- rươi), chế biến các sản phẩm từ lúa, gạo, liên kết tiêu thụ nông sản ...
Bà Nguyễn Thị Hà chia sẻ, từ thực tiễn sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản tại Hải Phòng nói chung và Kiến Thụy nói riêng còn nhiều tồn tại, hạn chế như: sản phẩm nông sản có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm còn ít về chủng loại, quy mô liên kết còn nhỏ lẻ, manh mún, xuất hiện tình trạng mất mùa được giá, được mùa mất giá; tình trạng "phá vỡ" hợp đồng các doanh nghiệp và bà con nông dân đã xảy ra, dẫn đến mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản thiếu bền vững...

Theo đó, hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương đã chủ động xây dựng các vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận .
Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ lúa hữu cơ (lúa - rươi) được hợp tác xã triển khai thực hiện với quy mô 54 ha năm 2018 và được mở rộng với quy mô 100 ha tại xã Ngũ Phúc, 30 ha tại xã Kiến Quốc năm 2019.

Ở mô hình này, hợp tác xã cung cấp dịch vụ trọn gói cho bà con nông dân trong vùng nguyên liệu và thu mua toàn bộ sản phẩm của bà con làm ra.

Dịch vụ cung cấp bao gồm hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ngay từ đầu vụ không tính lãi suất trong vòng 120 ngày, tập huấn cho nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật thông qua lực lượng "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) tại cơ sở.
Lúa được thu mua tươi ngay sau khi gặt được đưa về hợp tác xã để tiến hành sấy bằng hệ thống máy sấy tháp mới nhất.

Qua đó, giúp bà con nông dân tránh được nỗi lo mưa nắng trong quá trình phơi thóc và đảm bảo được chất lượng của sản phẩm "Gạo ruộng rươi" của hợp tác xã.
Tính trung bình mỗi năm, sản lượng lúa vùng rươi hợp tác xã Thụy Hương đã thu mua được 150 tấn. Với giá bán trung bình là 9.000 đồng/kg lúa tươi.

Năng suất trung bình từ 33 tạ - 35 tạ/ha, sản phẩm lúa ruộng rươi đạt từ 29,7 - 32 triệu đồng/ha, cao hơn từ 2 - 3 lần so với sản xuất lúa thông thường, do quá trình canh tác giảm đáng kể các chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm bón ...
Sản phẩm "Gạo ruộng rươi" của hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương đã có mặt tại hệ thống các cửa hàng, siêu thị của nhiều tỉnh, thành phố, là sản phẩm OCOP 4 sao cấp huyện.

Bên cạnh các sản phẩm lúa, gạo, hợp tác xã còn tổ chức thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm cây rau màu khác...
Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy Đỗ Xuân Trịnh đánh giá, mô hình hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương là điểm sáng trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của địa phương cũng như việc thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác đầu tư liên kết với người dân sản xuất tập trung tạo thành vùng sản xuất hàng hóa.
Mô hình này là tiền đề để huyện nhân rộng mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất, giảm dần tập quán canh tác nhỏ lẻ; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng nhằm khai thác được những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng khu vực; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với khối lượng sản phẩm lớn, từng bước xây dựng được thương hiệu cho nông sản Hải Phòng nói chung và huyện Kiến Thụy nói riêng.

Sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ. Ảnh minh họa: TTXVN

* Còn đó khó khăn...
Bà Nguyễn Thị Hà cho biết, một số khó khăn trong quá trình liên kết tiêu thụ sản phẩm của địa phương, đó là sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán chưa tuân thủ quy trình sản xuất, trình độ dân trí không đồng đều, chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật; tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm hàng hóa còn hạn chế.

Các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm chưa đủ lớn và ổn định.
Cùng đó, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp chưa mặn mà với việc xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, mới tập trung ở khâu thương mại, tiêu thụ sản phẩm, các công đoạn còn lại vừa phải đầu tư dài hạn, mức đầu tư cao nhưng lợi nhuận lại thấp nhất, rủi ro cao...

Nhận thức của người dân, doanh nghiệp về lợi ích lâu dài của việc tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn còn hạn chế.
Việc liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo thuận mua vừa bán.

Tình trạng tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian phân phối nên giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất, sức cạnh tranh chưa cao, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng; công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn yếu.
Thêm nữa, việc tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, chính quyền địa phương chưa vào cuộc tích cực để hỗ trợ hợp tác xã đặc biệt trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân trong việc tích tụ ruộng đất tại địa phương.
Từ thực tế trên, bà Nguyễn Thị Hà cho rằng, cần quy hoạch lại sản xuất; thực hiện tích tụ ruộng đất (thuê ruộng, góp ruộng), chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở phát huy lợi thế của các địa phương.

Đồng thời, liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân (liên kết ngang ) tạo vùng sản phẩm có khối lượng lớn đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp, các thương lái đến mua sản phẩm. Xây dựng và tăng cường củng cố các hợp tác xã, lấy hợp tác xã làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp, thương lái.
Cùng với đó, địa phương cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, chú trọng vai trò của chính quyền cấp xã trong việc giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong thực hiện hợp đồng. Ngoài ra, tăng cường kiểm soát chất lượng các loại vật tư đầu vào đảm bảo quyền và lợi ích cho nông dân góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu, thu mua chế biến nông sản; tăng cường vai trò của hợp tác xã trong việc làm trung gian liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân.../.

Đoàn Minh Huệ/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-nong-nghiep-chua-man-ma-xay-dung-chuoi-san-xuat-khep-kin/180148.html