Doanh nghiệp nội than khó khi bị áp trần chi phí lãi vay 20%

Xung quanh Nghị định 20 về giới hạn chi phí lãi vay 20%, rất nhiều 'ông lớn' như Vingroup, Vietcombank… tiếp tục bày tỏ sự lo lắng.

Tỉ lệ khống chế chi phí lãi vay 20% là quy định về chống chuyển giá được nêu trong Nghị định 20 và thông tư 41 của Bộ Tài chính. Theo đó, Khoản 3, điều 8 nghị định này quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Đánh giá về vấn đề này tại hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục thuế, hải quan năm 2018 ngày 27/11, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng tỉ lệ khống chế 20% lãi vay trên lợi nhuận thuần là hoàn toàn hợp lý, phù hợp thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, với điều kiện cụ thể của Việt Nam, chúng ta cần xem xét lại. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp chưa quy định mức khống chế chi phí lãi vay với các doanh nghiệp. Nên vô hình trung, chúng ta quy định tỉ lệ khống chế lãi vay 20% áp dụng với những đơn vị có giao dịch liên kết là chưa thực sự phù hợp. Thực tế, trong giao dịch liên kết có hai phần. Một là quản trị thì đương nhiên không liên quan đến tránh thuế. Hai là giao dịch liên kết có khác biệt về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bà Cúc đưa ra ví dụ: Vừa rồi một nhà máy điện thuộc Tập đoàn Than, nếu loại trừ tỉ lệ khống chế lãi vay 20% này thì chi phí được trừ tăng lên trên 100 tỉ đồng. Trong khi đó, ở Việt Nam, có nhiều tập đoàn, tổng công ty có cùng một thuế suất thu nhập doanh nghiệp, khả năng chuyển giá gần như là không có. Nên trong trường hợp họ không được ưu đãi thuế thì việc khống chế tỉ lệ lãi vay 20% liệu có phù hợp.

 DN cho rằng, việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% gây ảnh hưởng rất lớn

DN cho rằng, việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% gây ảnh hưởng rất lớn

Về phía doanh nghiệp, bà Vũ Thị Ngọc Anh, Bộ phận Quản lý thuế, Tập đoàn Vingroup cho rằng: Quy định khống chế lãi vay ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp trong nước. Đơn cử như VinGroup đầu tư vào những lĩnh vực cần nhiều vốn như nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất công nghiệp nặng…, toàn bộ chi phí lãi vay không được trừ khi tính thuế Thu nhập cá nhân. Khả năng huy động tín dụng không vay trực tiếp được qua ngân hàng mà vay qua công ty mẹ tập đoàn. Do đó, việc khống chế chi phí lãi vay 20% sẽ khiến doanh nghiệp rất khó khăn vì không được trừ thuế.

Đại diện tập đoàn Vingroup đề xuất sửa Nghị định 20 cho phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam. Trong trường hợp không kịp sửa đổi, doanh nghiệp đề nghị tạm thời chưa áp dụng khoản 3, điều 8 của Nghị định này.

Trong khi đó, đại diện Vietcombank cũng cho rằng Nghị định 20 không phù hợp, tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Theo đó, công ty chứng khoán Vietcombank chỉ phát sinh giao dịch liên kết trong hoạt động đi thuê văn phòng với công ty mẹ, không hề phát sinh lãi vay với các doanh nghiệp liên kết.

Do vậy, thuế suất thuế TNDN của công ty mẹ, công ty liên kết cũng như công ty chứng khoán Vietcombank đều là 20%. Đại diện Vietcombank đánh giá mục tiêu và động lực để các công ty thực hiện hoạt động chuyển giá gần như không có. Nhưng trao đổi với Cục thuế Hà Nội, Tổng cục Thuế, đơn vị vẫn phải chịu khống chế trần chi phí lãi vay 20%. Tính ra, phải kê khai và nộp thuế bổ sung với phần chi phí vượt quá giới hạn này, đây là quy định không phù hợp, hạn chế hoạt động doanh nghiệp, tạo sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp có giao dịch liên kết và không có giao dịch liên kết, đại diện Vietcombank nhận xét.

Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính).

Trả lời về thắc mắc của doanh nghiệp, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, chính sách thuế của Việt Nam đang có sự thay đổi phù hợp với thông lệ. Tuy nhiên, đến thời điểm này nền kinh tế hội nhập sâu và Nghị định này thực hiện theo yêu cầu của các nước OECD với mục tiêu chống xói mòn nguồn thu. Trong đó, Chính phủ quy định khống chế lãi vay 20% được đưa ra dựa trên cơ sở khảo sát trên 2000 tập đoàn trên thế giới. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt hiện mở rộng hoạt động toàn cầu nên cũng phải theo luật chơi toàn cầu. Bởi hầu hết các doanh nghiệp kêu khó về quy định này đều là doanh nghiệp Việt, trong khi không có doanh nghiệp FDI vì họ biết rõ đây là cuộc chơi toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Cao Anh Tuấn cũng chia sẻ với mô hình hiện tại của các doanh nghiệp Việt, song các đơn vị cũng cần xem xét tính toán lại các khoản vay phù hợp. Bởi trong hơn 600.000 doanh nghiệp thì chỉ 4.515 doanh nghiệp có quan hệ giao dịch liên kết phải kê khai theo Nghị định 20, tương đương chưa tới 1%. Tổng cục sẽ căn cứ vào số liệu thống kê, mức ảnh hưởng so với số đông doanh nghiệp để có giải pháp, đồng thời sẽ có những buổi làm việc với các doanh nghiệp lớn, tập đoàn, tổng công ty về vấn đề này.

Tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thừa nhận đây là vấn đề nóng gần đây được dư luận đặc biệt quan tâm. Việc khống chế lãi vay, trên thế giới đã có quy định, ở Việt Nam thì cũng cần áp dụng nhưng phải phù hợp với điều kiện của mình. Bộ Tài chính sẽ tiếp thu để sửa đổi chính sách phù hợp hơn.

Đông Nghi

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/doanh-nghiep-noi-than-kho-khi-bi-ap-tran-chi-phi-lai-vay-20-4178.html