Doanh nghiệp nội tăng tốc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu

Ngày 11-9, hơn 300 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối và DN cung ứng sản phẩm hỗ trợ Việt Nam tham gia Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ (do UBND TPHCM chỉ đạo, Sở Công thương tổ chức).

Tại ngày hội, nhiều DN trong nước cho biết, họ đã tự tin tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và đang tìm kiếm cơ hội để có thể mở rộng thị phần tiêu thụ sản phẩm.

Tăng giá trị cho sản phẩm hỗ trợ

Ông Nguyễn Kim Chai, đại diện Công ty cổ phần Hanel Việt Nam, cho biết công ty đã tham gia cung ứng sản phẩm hỗ trợ cho thị trường Nhật Bản hơn 20 năm qua. Những sản phẩm của công ty cung ứng từ giản đơn đến phức tạp, bao gồm sản phẩm linh kiện biến áp điện, thiết bị điện tử gia dụng, ô tô, điện thoại…

Trên thực tế, Nhật Bản là một trong những đối tác được đánh giá là khó tính nhất. Để cung ứng cho đối tác trên, DN không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng mà còn phải dày công đổi mới công nghệ sản xuất, tăng khả năng tự động hóa dây chuyền sản xuất. Một yếu tố quan trọng khác là tăng năng lực quản trị DN, giảm tỷ lệ hàng lỗi để hạ giá thành sản phẩm, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các đại biểu tham quan sản phẩm triển lãm tại Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ 2019.

Các đại biểu tham quan sản phẩm triển lãm tại Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ 2019.

Đồng thuận với quan điểm trên, theo ý kiến của nhiều DN, chỉ cần cung ứng sản phẩm hỗ trợ cho thị trường Nhật Bản thì có thể tiếp cận được bất kỳ chuỗi cung ứng toàn cầu nào. Hiện đã có rất nhiều DN trong nước tham gia vào các chuỗi cung ứng sản phẩm hỗ trợ cho các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu...

Và việc Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã giúp thị phần xuất khẩu hàng hóa DN trong nước ngày càng mở rộng. Ở chiều ngược lại, tại thị trường trong nước, hiện đang thu hút rất nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối đầu tư. Cùng với đó, họ cũng đang ráo riết hình thành cũng như tìm kiếm chuỗi cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong nước. Đây sẽ là cơ hội để DN nội vốn đã có nội lực cung ứng sản phẩm hỗ trợ mở rộng thị trường.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Thường trực Sở Công thương TPHCM, chỉ tính từ năm 2017 đến nay, tỷ lệ cung ứng sản phẩm hỗ trợ DN nội đã tăng 10% - 30%. Sản phẩm cung ứng hỗ trợ cũng thay đổi từ sản phẩm giản đơn đến sản phẩm đa chi tiết, giá trị gia tăng cao. Riêng tại Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2019 đã thu hút sự tham dự của 25 doanh nghiệp FDI và sản xuất sản phẩm công nghiệp đầu cuối, tăng 40% so với năm 2018.

Cụ thể như Samsung, Daeyong Harness, GST Việt Nam, Backer Heating, Minamida Việt Nam, Hanel PT, Bosch, Nipro, Panasonic, Datalogic Việt Nam… Gần 100 DN công nghiệp hỗ trợ thành phố và các tỉnh có sản phẩm cung ứng phù hợp đã tham gia kết nối tại ngày hội này. Qua đó giới thiệu hơn 220 chi tiết linh kiện sản phẩm như điện tử, cơ khí, tự động hóa, máy bay, ô tô, xe máy, y tế… đang tìm kiếm nhà cung cấp.

Kết nối thị trường - động lực để DN đổi mới

Trước đó, năm 2018, lần đầu tiên được tổ chức tại TPHCM, Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ đã có sự tham gia của 17 DN đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm công nghiệp đầu cuối thuộc lĩnh vực điện tử, ô tô và cơ khí, tham gia kết nối với khoảng 80 DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Đã có 242 cuộc kết nối trực tiếp tại sự kiện. Sau ngày hội, theo đánh giá của 80 DN nội: có 92% nhà cung cấp đánh giá nhà mua hàng là khách hàng tiềm năng; 36,4% nhà mua hàng đề nghị nhà cung cấp gửi bảng báo giá; 47,5% nhà mua hàng đề nghị đi thăm nhà máy của nhà cung ứng; 85,8% đồng ý tiếp tục gặp gỡ trao đổi sau cuộc tiếp xúc tại ngày hội; trên 95% đánh giá hài lòng về công tác tổ chức kết nối. Về phía 17 DN đầu cuối đánh giá thì có 62% các nhà cung cấp tiếp xúc trực tiếp là có tiềm năng, 51% được hẹn đi thăm nhà máy sau cuộc tiếp xúc trực tiếp.

Cũng theo ông Nguyễn Phương Đông, tiềm năng cung ứng sản phẩm hỗ trợ của DN Việt là rất lớn. Do vậy, để tăng khả năng cung ứng của DN trong nước, hiện Bộ Công thương nói chung và TPHCM nói riêng đang nỗ lực hỗ trợ DN tháo gỡ những rào cản kỹ thuật liên quan đến nội lực vốn, đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất, nguồn nhân lực trình độ cao...

Đơn cử, DN sản xuất sản phẩm hỗ trợ trên địa bàn thành phố sẽ được hỗ trợ lãi vay để đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới trong thời gian 7 năm với mức vốn vay tối đa là 200 tỷ đồng/dự án. Từ năm 2018 đến nay, đã có hơn 30 DN tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ. Trong đó, có 16 hồ sơ dự án được tiếp nhận, 9 dự án được thẩm định vay với tổng vốn đầu tư hơn 943 tỷ đồng. Đặc biệt, có 2 dự án đã được UBND TP phê duyệt với tổng vốn đầu tư gần 222 tỷ đồng.

Có thể thấy, việc chủ động tháo gỡ khó khăn cộng với kết nối thị trường cho doanh nghiệp đã và sẽ tạo điều kiện liên kết, tiến đến hợp tác gia công, tăng khả năng tiếp cận đối tác, mở rộng thị trường, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ngành công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, đây cũng là chương trình hiện thực hóa và cụ thể hóa chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ.

Cùng với chính sách hỗ trợ nội lực vốn, TPHCM đã chỉ đạo đơn vị đầu tư hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp phải dành quỹ đất nhất định để DN đầu tư nhà xưởng. Mặt khác, thành phố đang kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập khu công nghiệp mới với quỹ đất dự kiến lên đến gần 300ha để phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất công nghiệp trong bối cảnh mới hiện nay.

ÁI VÂN

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/doanh-nghiep-noi-tang-toc-gia-nhap-chuoi-cung-ung-toan-cau-72120.html