Doanh nghiệp nội muốn làm cao tốc Bắc-Nam: Tránh lợi ích nhóm

Phải ưu tiên doanh nghiệp trong nước nhưng cần tuyệt đối ngăn chặn tình trạng đưa lợi ích nhóm vào dự án

Không cần ưu ái chỉ cần bình đẳng

Trước thông tin có 26 nhà đầu tư trong nước mua hồ sơ sơ dự thầu tại dự án cao tốc Bắc Nam, TS Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định, đó là tín hiệu rất tốt, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang ra sức kêu gọi tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.

Có 26 nhà đầu tư trong nước mong muốn tham gia vào dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Bộ GTVT

Có 26 nhà đầu tư trong nước mong muốn tham gia vào dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Bộ GTVT

Việc cởi trói các quy định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước cùng tham gia vào dự án chính là thực hiện theo chủ trương và chỉ đạo chung là khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, đưa kinh tế tư nhân tham gia vào thực tiễn.

Vị chuyên gia cho hay, xét về năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm thực tế doanh nghiệp trong nước khó có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp các nước, tuy nhiên, nếu được tạo điều kiện doanh nghiệp trong nước cũng hoàn toàn có thể làm rất tốt.

"Dù lần đầu tiên thực hiện nhưng Tổng công ty xây dựng Thăng Long đã làm rất tốt cầu vượt Hàng Xanh theo đường Điện Biên Phủ thuộc khu vực vòng xoay Hàng Xanh, Thành phố Hồ Chí Minh và đưa vào khai thác, sử dụng hàng chục năm qua không thấy có vấn đề gì.

Đáng nói, tại thời điểm thực hiện dự án tiềm lực của công ty còn yếu, năng lực thực tế chưa nhiều nhưng họ vẫn thành công. Điều này càng chứng tỏ doanh nghiệp trong nước có năng lực, trình độ kỹ thuật rất tốt, hoàn toàn có thể tham gia được vào dự án cao tốc Bắc - Nam.

Tất nhiên, do đây là dự án lớn, chúng ta cũng chưa đủ tiềm lực để không cần nhà đầu tư nước ngoài nhưng tôi cho rằng nên lựa chọn những nhà đầu tư nước ngoài thật sự có uy tín cả về trình độ kỹ thuật và tiềm lực kinh tế cùng tham gia vào dự án này.

Xét về năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm, trình độ khi làm cầu đường thì Mỹ mới là quốc gia số 1 thế giới không phải Trung Quốc. Do đó, lựa chọn được đối tác tốt doanh nghiệp trong nước cũng sẽ học hỏi được nhiều cái hay, ngược lại lựa chọn đối tác không tốt thì cũng chỉ học được những cái dở. Các tuyến metro tại Việt Nam, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là ví dụ", ông Hùng nói.

Vấn đề tiếp theo vị chuyên gia quan tâm là các điều kiện để nhà đầu tư trong nước được tham gia vào dự án thực chất chứ không phải cởi mở nửa chừng, cho doanh nghiệp mua hồ sơ rồi tìm cách đẩy ra.

"Điều tôi lo nhất là quá trình xét tuyển hồ sơ và tổ chức đấu thầu. Thực tế từ trước tới nay chuyện thông thầu, đi đêm sử dụng quân xanh, quân đỏ để loại bớt nhà đầu tư, giữ lại những nhà đầu tư chân tay đã từng xảy ra và đây là lý do nhiều nhà đầu tư có năng lực nhưng cũng không thể tham gia vào các dự án lớn, quan trọng trong nước.

Hơn nữa, việc đẻ ra các quy định, tiêu chí về điều kiện kinh nghiệm, năng lực tài chính cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước".

Vì những lo ngại trên, TS Đinh Sơn Hùng kỳ vọng các doanh nghiệp trong nước sẽ được tạo điều kiện thuận lợi tối đa.

"Điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp trong nước mong muốn không phải là cơ chế ưu tiên, ưu ái hơn những nhà đầu tư khác. Điều họ mong muốn là một cơ chế công khai, minh bạch, sòng phẳng, khách quan", ông Hùng nói.

Ngăn chặn tuyệt đối tình trạng lợi ích nhóm

Với kinh nghiệm chung của một chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy đánh giá, dự án là một đại công trình mang tính lịch sử do đó khi thực hiện phải đòi hỏi đáp ứng được những yêu cầu sau.

Thứ nhất, là phải có được kỹ thuật, công nghệ tốt. Đối với yêu cầu này bắt buộc phải được rút kinh nghiệm từ tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, tuyệt đối không để lặp lại những sai lầm của nhà thầu Trung Quốc.

Thứ hai, giá cả phải hợp lý.

Thứ ba, phải đảm bảo tiến độ

Thứ tư, là thái độ hợp tác phải có trách nhiệm, nghiêm túc, không thể có chuyện làm sai mà phát công văn mời đến làm việc vẫn bị "ngó lơ".

Thứ năm, đối với doanh nghiệp trong nước thì phải bảo đảm về khả năng tài chính, thiết bị và trình độ kinh nghiệm.

26 nhà đầu tư trong nước muốn làm cao tốc Bắc-Nam

"Nếu xét trên tất cả các tiêu chí đưa ra rất khó giao hoàn toàn dự án cho doanh nghiệp trong nước do nguồn vốn đầu tư quá lớn, yêu cầu đòi hỏi về trình độ, kỹ thuật lại cao, vì thế, chúng ta vẫn cần có nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia.

Vấn đề là công tác quản lý phải được rút kinh nghiệm từ những bài học đau xót đã xảy ra, đặc biệt là với những dự án có liên quan tới nhà thầu Trung Quốc. Trong đó vấn đề lựa chọn nhà đầu tư, các điều kiện ràng buộc vay vốn phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh tình trạng thông đồng, móc ngoặc, tự nới lỏng các nguyên tắc để nhà đầu tư nước ngoài tự tung, tự tác gây khó cho mình.

Ngoài ra, cũng phải có sự chuẩn bị thêm đối tác dự phòng, trong trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng được yêu cầu cần thẳng thắn loại bỏ và thay thế nhà đầu tư mới.

Bên cạnh đó cũng phải có cơ chế ưu tiên doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước liên kết với nhau tạo sức mạnh về tài chính, năng lực kỹ thuật để thực hiện dự án tốt hơn.

Tuy nhiên, ưu tiên nhưng không ưu ái, bản thân doanh nghiêp trong nước cũng phải thể hiện sự đàng hoàng, nghiêm túc, trách nhiệm trong quá trình thực hiện dự án. Đặc biệt phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn cũng như những nguyên tắc giàng buộc như các nhà thầu nước ngoài.

Một điều quan trọng hơn là phải nghiêm cấm tình trạng đưa lợi ích nhóm vào dự án làm méo mó, vô hiệu hóa mọi nỗ lực minh bạch, công khai, gây hại cho đất nước", TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/doanh-nghiep-noi-muon-lam-cao-toc-bac-nam-tranh-loi-ich-nhom-3382682/