Doanh nghiệp nói gì khi đang hoạt động dựa vào công nghệ số?

Đại diện cho các doanh nghiệp đã thảo luận rất sôi nổi về những vấn đề đặt ra đối với hoạt động của doanh nghiệp dựa vào công nghệ số tại 'Diễn đàn doanh nghiệp trong nền kinh tế số và Lễ công bố Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2017/2018' vừa diễn ra tại Hà Nội, sáng 17/5.

Đại diện cơ quan chức năng và doanh nghiệp tại Diễn đàn. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa).

Khó khăn bởi góc nhìn khác biệt

Theo ông Dương Anh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần VNet, điều trăn trở nhất của doanh nghiệp đang hoạt động dựa vào công nghệ số hiện nay tại Việt Nam là được làm những gì mà Chính phủ không cấm.

Những năm qua, các nhà mạng của Việt Nam đã có những chuyển biến rất tích cực. Nhưng sự kiện "đánh bạc qua mạng" vừa qua đã khiến doanh thu của các nhà mạng sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn 20% doanh số khi bị dừng giao dịch rất nhiều thẻ.

Bên cạnh đó, chuyện các cơ quan công an, cơ quan thuế tại TPHCM đang "ầm ĩ vào cuộc" để chấn chỉnh hành vi bán hàng trên mạng của các cá nhân có lợi nhuận tốt (trên 100 triệu đồng) đã đặt ra vấn đề về góc nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước đối với nhà mạng cũng như các hoạt động của doanh nghiệp, cá nhân dựa vào công nghệ số.

Đó là, trong khi chúng ta cần ứng dụng số hóa thì các cơ quan chức năng lại "bóp chết" hoạt động của doanh nghiệp, cá nhân đang tạo ra lợi nhuận từ số hóa vì "sợ" họ vi phạm pháp luật.

Ông Dương Anh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần VNet chia sẻ quan điểm tại Diễn đàn. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa).

"Kinh doanh trên mạng đang tồn tại góc nhìn khác biệt từ cơ quan công an, cơ quan thuế và doanh nghiệp. Cơ quan chức năng chưa có góc nhìn phù hợp và chưa có sự phối hợp tốt để xây dựng các quy phạm pháp luật có giá trị thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế số", ông Đức chia sẻ.

Không chờ đợi cơ chế, doanh nghiệp cần làm gì?

Không bàn về cơ chế, chính sách, ông Trần Thanh Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca, đặt giả thiết: Trong nền kinh tế số, nếu không chờ đợi chính sách của Nhà nước thì doanh nghiệp cần làm thế nào?

Về góc độ thị trường, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng. Câu chuyện về Grab là một ví dụ, có hàng triệu người dùng hằng ngày. Vấn đề ở chỗ, doanh nghiệp cần có năng lực tiếp cận để nhận thấy những thách thức đến từ nội tại, nhận rõ thị trường, năng lực xây dựng lòng tin và năng lực làm việc.

Ông Nam khuyến nghị: Doanh nghiệp cần hiểu cho thấu đáo hoạt động của nền kinh tế số, không chỉ đơn thuần nhìn vào góc độ nội tại của nền kinh tế mà phải nhìn vào cơ hội bình thường dưới góc độ là người tiêu dùng.

Người tiêu dùng trong nền kinh tế số có những dịch vụ và cần những dịch vụ số mà doanh nghiệp chưa hình dung ra, hoặc doanh nghiệp đã làm rồi nhưng ở phiên bản khác. Thích ứng với nền kinh tế số không có nghĩa doanh nghiệp chỉ cần số hóa một dịch vụ cũ mà họ đang làm theo cách 2.0 hoặc 3.0.

Ví dụ, nhận một hồ sơ xin mở thẻ tín dụng, trước kia, ngân hàng yêu cầu đến quầy thì bây giờ có thể số hóa bằng cách cho người tiêu dùng điền hồ sơ qua mạng. Đấy là một hoạt động số hóa dịch vụ mà chúng ta đang có. Thế nhưng, người tiêu dùng hiện nay có thể không cần thẻ tín dụng nữa, trong cuộc sống số của họ, họ có thể mua hàng trên mạng thông qua ứng dụng của một doanh nghiệp trung gian nào đó, ngay khi họ đang lướt web.

Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca của ông Nam đã tiếp cận với khách hàng theo cách như vậy và họ đã thành công trong nền kinh tế số đầy thử thách hiện nay.

Minh Hoa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/doanh-nghiep-noi-gi-khi-dang-hoat-dong-dua-vao-cong-nghe-so-1708.html