Doanh nghiệp nội còn nhiều cơ hội

Thị trường bán lẻ (TTBL) Việt Nam hiện nay có nhiều nhà phân phối lớn, song cơ hội còn nhiều cho nhà đầu tư đến sau, nhất là các nhà bán lẻ có thương hiệu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý bán hàng. Xoay quanh các giải pháp phát triển TTBL trong nước, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga.

Cuộc đua giành thị phần ngày càng gay gắt

Bà Lê Việt Nga.

Bà Lê Việt Nga.

Phóng viên (PV): Đâu là bức tranh tổng thể TTBL của nước ta hiện nay, thưa bà?

Bà Lê Việt Nga: Thời gian gần đây, có thể thấy TTBL đã có sự phát triển mạnh mẽ do nền kinh tế phục hồi và đang trên đà lấy lại tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017; là mức tăng đột phá và cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Hiện tại, TTBL Việt Nam có 8 phân khúc chủ yếu với sự góp mặt của các nhà bán lẻ lớn, gồm: Đại siêu thị/trung tâm phân phối, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phức hợp, siêu thị, siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng chuyên dụng, siêu thị điện máy, bán lẻ trực tuyến và bán hàng qua truyền hình.

Cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam ngày càng gay gắt khi các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài, như: Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart… liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng TTBL tại Việt Nam. Tuy nhiên, thông qua việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt Nam vẫn giữ được chỗ đứng tại các kênh phân phối bán lẻ truyền thống và hiện đại. Theo báo cáo của các sở công thương địa phương, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị vẫn được duy trì ở mức cao (hơn 80%). Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 65% đến 95%; ở chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Kiểm tra hàng hóa tại siêu thị Vinmart, Hà Nội.

PV: Bà nhận định như thế nào về TTBL Việt Nam trong thời gian tới?

Bà Lê Việt Nga: TTBL Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (gần 100 triệu người), cơ cấu dân số trẻ, dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020. Trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...). Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) bán lẻ mở rộng thị phần. Trong khi đó, với lợi thế về nguồn hàng, sự am hiểu văn hóa tiêu dùng… DN bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển.

Song cũng phải nhìn nhận, việc Việt Nam hội nhập sâu rộng, cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng sẽ là cơ hội để các DN nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam. Điều này đòi hỏi các DN Việt Nam cần chủ động thay đổi để nâng cao sức cạnh tranh.

Xuất khẩu tại chỗ qua siêu thị ngoại

PV: Việc xuất khẩu (XK) hàng hóa qua hệ thống của nhà bán lẻ nước ngoài có mặt tại thị trường nội địa đang trở thành kênh phân phối quan trọng. Vậy giải pháp nào để Việt Nam đẩy mạnh kênh phân phối này, thưa bà?

Bà Lê Việt Nga: Chúng ta đã và đang triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Theo đó, có nhiều chương trình vận động DN bán lẻ truyền thống, DN bán lẻ hiện đại, DN trong nước và DN bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài cùng tham gia cuộc vận động này. Điển hình như Bộ Công Thương có những chương trình kết nối hàng thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối hiện đại; vận động DN bán lẻ nước ngoài tham gia chương trình bình ổn thị trường; chương trình sinh kế cộng đồng... Qua đó, hàng hóa trong nước đã thâm nhập được vào hệ thống của các nhà bán lẻ nước ngoài và qua các đơn vị này để XK ra nước ngoài. Đơn cử như sự kết nối và cam kết XK hàng hóa Việt Nam của siêu thị Aeon do Tập đoàn Aeon sở hữu sang hệ thống phân phối của Aeon ở nước ngoài. Aeon hiện đã XK được 250 triệu USD/năm tiền hàng của Việt Nam gia công dưới thương hiệu của Aeon.

Mặt khác, cơ hội cho các nhà bán lẻ Việt Nam mở rộng kênh phân phối ra nước ngoài là rất tiềm năng, thông qua hơn 4 triệu Việt kiều đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Ví dụ, điển hình là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op). Saigon Co.op hiện có liên kết rất chặt chẽ với hệ thống bán lẻ NTUC Fair Price của Singapore. Hệ thống này đã hỗ trợ việc cung cấp hàng hóa từ Việt Nam sang hệ thống của NTUC Fair Price, đồng thời phía Singapore cũng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op.

PV: Để thúc đẩy ngành bán lẻ trong nước phát triển bền vững, theo bà cần có những giải pháp gì?

Bà Lê Việt Nga: Để TTBL trong nước phát triển bền vững theo tôi cần có những cơ chế, chính sách cởi mở bảo đảm việc cạnh tranh lành mạnh giữa các kênh phân phối, các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực bán lẻ. Giải pháp tiếp theo là phát triển hạ tầng thương mại song song với những hạ tầng kinh tế khác, như giao thông vận tải…; kiểm soát thị trường chặt chẽ hơn, tránh việc gian lận, hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc trà trộn đưa vào các kênh phân phối, nhằm bảo vệ những DN làm ăn chân chính. Song, giải pháp hiệu quả nhất là bản thân các DN phải nhận thức rõ những cơ hội, thách thức đặt ra, tự mình thay đổi; nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ bán lẻ hiện đại, phương thức quản trị kinh doanh tiên tiến…

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

VŨ DUNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doanh-nghiep-noi-con-nhieu-co-hoi-571696