Doanh nghiệp nhựa trước nỗi lo phá sản

Ông Hoàng Đức Nhượng, Giám đốc Công ty cổ phần Giang Nam Cát than thở: hiện công ty có hàng chục container phế liệu nhựa tồn đọng tại cảng Hải Phòng mà không thể thông quan.

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, khoảng 5.000 contarner nhập khẩu nhựa phế liệu đang tồn đọng tại các cảng biển. Các lô hàng mới cũng không thể nhập về trong nước, nhiều doanh nghiệp sản xuất nhựa có nguy cơ phá sản vì thiếu nguyên liệu sản xuất.

Xưởng sản xuất của Công ty Giang Nam Cát phải ngưng trệ vì thiếu nguyên liệu sản xuất

Xưởng sản xuất của Công ty Giang Nam Cát phải ngưng trệ vì thiếu nguyên liệu sản xuất

“Tắc” từ trong nước

Trao đổi với PV Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hoàng Đức Nhượng, GĐ cty cổ phần Giang Nam Cát (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết, hiện công ty này có hàng chục container phế liệu nhựa tồn đọng tại cảng Hải Phòng mà không thể thông quan do chính sách thắt chặt việc nhập khẩu phế liệu gần đây. Thiếu nguyên liệu, 2 nhà máy của Giang Nam Cát không thể hoạt động, hàng trăm công nhân không có việc làm. Dù không có việc nhưng hàng tháng công ty vẫn phải trả lương cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề “cứng” để giữ chân người lao động để khi có nguyên liệu về có thể sản xuất ngay được. Chưa kể, mỗi tháng doanh nghiệp này phải trả lãi suất ngân hàng, chi phí bảo dưỡng máy móc,…lên đến hàng tỷ đồng.

“Do thiếu nguyên liệu sản xuất nên công ty phải phá hợp đồng với các đối tác đã ký trước đó. Chưa kể thiệt hại bị phạt hợp đồng, công ty còn mất hết khách hàng do họ phải tìm các mối hàng khác” – ông Nhượng chia sẻ.

Hàng nghìn container phế liệu nhựa ách tắc tại các cảng, doanh nghiệp chịu cảnh "mỡ treo mèo nhịn đói"

Hàng về đến cảng nhưng không thể thông quan, các doanh nghiệp phải chịu chi phí lưu kho bãi tại cảng. Các doanh nghiệp sản xuất như “ngồi trên lửa” để chờ các thông tư hướng dẫn của cơ quan Hải quan, Bộ TN-MT.

Một đại diện phía nam, ông Nguyễn Thiện Hoàng Linh, Giám đốc Công ty Nhựa Khánh Quỳnh Long An cho biết, hiện nay có khoảng 20 container phế liệu nhập khẩu của công ty đang tồn đọng tại cảng Cát Lái, tính ra mỗi ngày doanh nghiệp này thiệt hại trên 1 tỉ đồng, Đó là chưa kể hàng trăm công nhân không có việc làm, trong khi chi phí lãi vay ngân hàng vẫn phải trả.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất và giảm lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam cho rằng trong các container tồn đọng tại các cảng có những container không đạt tiêu chuẩn, cơ quan chức năng có thể xử lý ngay. Tuy nhiên cũng có những conainer đạt tiêu chuẩn của doanh nghiệp có giấy phép, có đủ điều kiện nhập khẩu, cơ quan chức năng nên cho thông quan để tháo gỡ khó khăn đầu vào nguyên liệu cho doanh nghiệp.

“Tắc” ra nước ngoài

Với những lô hàng tồn đọng tại các cảng đã không thể thông quan nhưng với những lô hàng nhập mới cũng không có “cửa” vào. Các doanh nghiệp nhập khẩu gặp “chướng ngại vật” ngay từ các hãng tàu.

Mới đây, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa, không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu. Đây cũng chính là mối lo với các hãng tàu, bởi nếu tầu vận chuyển phế liệu về đến cảng mà bị các cơ quan chức năng từ chối dỡ hàng xuống cảng thì thiệt hại đối với các hãng tàu vô cùng lớn.

Khi các hãng tàu nói “không” với vận chuyển phế liệu, đồng nghĩa nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp đã “tắc” ngay từ đầu nước ngoài. Ông Chữ Bá Trung, Tổng giám đốc công ty Hợp chất kỹ thuật Châu Á TBD cho biết, các hãng tàu từ chối nhận vận chuyển những container nhựa phế liệu từ phía đầu nước ngoài. Trong tương lai gần, công ty chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc có đủ nguyên liệu để duy trì sản xuất.

Không chỉ riêng chuyện hãng tàu thiếu mặn mà với vận chuyển phế liệu vì rào cản kỹ thuật mà còn vì lý do thiếu vỏ container. Với số lượng hơn chục nghìn container phế liệu bị ứ đọng tại các cảng nhiều năm nay, các hãng tàu “lấy cớ” để từ chối vận chuyển. Ông Trần Vũ Lê, Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Lê Trần cho biết, doanh nghiệp sẵn sàng đặt cọc 3.000 USD/container nhưng các hãng tàu vẫn không đồng ý cấp container. Lý do mà các hãng tàu đưa ra là lượng container phế liệu hiện nay còn tồn đọng tại các cảng quá lớn, không giải phóng và không rút ra được.

Xưởng sản xuất của Công ty Giang Nam Cát không một bóng công nhân

Nhiều doanh nghiệp cho biết, lượng nguyên liệu đầu vào của các đơn vị chỉ đủ phục vụ sản xuất trong vài tháng. Tuy nhiên, việc siết chặt nhập khẩu phế liệu diễn ra hơn nửa năm nay, khiến nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa.

Thiếu nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp sản xuất nhựa tái sinh “chết lâm sàng”. Cơn bĩ cực của các doanh nghiệp này kéo theo sự sa sút của cả ngành nhựa trong nước nói chung.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) với tốc độ tăng trưởng lũy kế hằng năm đạt 10%, đến năm 2023, ngành nhựa cần khoảng 10 triệu tấn nhựa phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, quy hoạch tổng thể ngành hóa dầu và các dự án, sản lượng sản xuất hạt nhựa nguyên sinh trong nước dự kiến đạt 2,6 triệu tấn, đáp ứng 26%, số còn lại 7,4 triệu tấn cần phải nhập khẩu từ nước ngoài. Các nhà máy sản xuất nguyên liệu trong nước chưa thể đáp ứng nhu cầu. Vì thế, giải pháp hiệu quả và phù hợp xu thế tiêu dùng sản phẩm hiện nay là bù đắp một phần bằng các loại nguyên liệu nhựa tái sinh.

“Thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nhựa tái sinh đẫn đến các doanh nghiệp sản xuất từ hạt nhựa nguyên sinh cũng gặp không ít khó khăn bởi các doanh nghiệp này vẫn phải sử dụng hạt nhựa tái sinh khoảng 30 – 40% trong sản xuất. Nếu phải sản xuất hoàn toàn bằng nhựa nguyên sinh, giá thành sản phẩm sẽ đội lên rất cao” – ông Hoàng Đức Nhượng, giám đốc Công ty cổ phần Giang Nam Cát cho biết.

Trung Thành

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/doanh-nghiep-nhua-truoc-noi-lo-pha-san-142324.html