Doanh nghiệp nhôm Việt điêu đứng

Thị trường nhôm Việt vốn được đánh giá là 'bát nháo' và có nhiều biến động nay lại càng điêu đứng khi nhôm Trung Quốc được trợ cấp tăng mức hoàn thuế.

Khó khăn khiến các doanh nghiệp lo ngại hiện nay là tình trạng hàng kém chất lượng đổ vào thị trường thay vì những sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Nếu tình trạng nhập khẩu nhôm thanh định hình giá rẻ, kém chất lượng tiếp tục thì các đơn vị sản xuất nhôm thanh định hình trong nước, nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài sẽ đối mặt với nguy cơ từ hạn chế sản xuất kinh doanh đến dừng hẳn hoạt động trong thời gian dài.

Sức ép từ thị trường nhôm Trung Quốc lên thị trường nhôm Việt tiếp tục gia tăng khi nước này đang dư cung với mức tồn kho lên đến 16 triệu tấn.

Sức ép từ thị trường nhôm Trung Quốc lên thị trường nhôm Việt tiếp tục gia tăng khi nước này đang dư cung với mức tồn kho lên đến 16 triệu tấn.

Sức ép từ nhôm Trung Quốc

Hiện, các sản phẩm nhôm thanh định hình của Trung Quốc được nhập và bán tại thị trường Việt Nam luôn có giá rẻ hơn so với sản phẩm được sản xuất bởi các doanh nghiệp trong nước, khi thuế nhập khẩu nhôm và các sản phẩm bằng nhôm từ Trung Quốc về là 0% (theo thuế suất ACFTA). Bên cạnh đó, một khối lượng không nhỏ nhôm Trung Quốc nhập qua cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái khai báo không đúng số lượng hoặc đường tiểu ngạch để trốn thuế VAT 10%, điều này đã ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp sản xuất, làm ăn chân chính Việt Nam.

Sức ép từ thị trường nhôm Trung Quốc lên thị trường nhôm Việt vẫn tiếp tục gia tăng khi nước này đang dư cung với mức tồn kho lên đến 16 triệu tấn. Theo số liệu của Tổng cục Thống Kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, sản lượng nhôm của nước này là 10,89 triệu tấn và được dự đoán sẽ tăng thêm nữa vào năm 2019. Vì thế, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu nhôm một cách ồ ạt với mức giá rẻ trong thời gian tới để giải phóng tồn kho. Điều này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến thị trường nhôm thế giới, và Việt Nam - nước láng giềng là nước chịu ảnh hướng lớn nhất.

Với lợi thế hoàn thuế cao của doanh nghiệp Trung Quốc, các nhà sản xuất trong nước không thể bán với mức giá đủ để bù được phần chi phí sản xuất.

Trước tình trạng này, nhiều quốc gia đã có động thái can thiệp để bảo vệ nhôm sản xuất trong nước. Cụ thể, ngày 08/03/2018, Mỹ đã áp đặt mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu. Đến tháng 11/2018, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ tiếp tục tăng mức thuế áp dụng cho sản phẩm hợp kim nhôm Trung Quốc, mức dao động từ 96,3% đến 176,2%. Australia, Colombia, Canada... cũng tiếp nối thực hiện các biện pháp tăng thuế tương tự.

Tại Việt Nam, sau khi nhận được đề nghị từ 4 doanh nghiệp được coi là đại diện của ngành nhôm là Tập đoàn Austdoor, Sông Hồng, Tung Yang và Mienhua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình xuất xứ từ Trung Quốc.

Sức bền của doanh nghiệp nội đến đâu?

Chia sẻ việc nhà máy phải giảm sản lượng sản xuất, thậm chí chỉ chạy máy 30-40% công suất thiết kế, ông Vũ Văn Phụ – Chủ tịch HĐQT Công ty Nhôm Việt Pháp lý giải, ngoài giá, điểm bất lợi nữa khiến sản phẩm nhôm trong nước khó lòng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, là việc tăng tỷ lệ hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 9, từ 9% lên 13%. “Với lợi thế hoàn thuế cao của doanh nghiệp Trung Quốc, các nhà sản xuất trong nước không thể bán với mức giá đủ để bù được phần chi phí sản xuất”, ông Phụ nhấn mạnh.

Còn theo ông Trần Dũng - Giám đốc Công ty CP Nhôm Ngọc Diệp thuộc Tập đoàn Ngọc Diệp, khó khăn lâu nay của các doanh nghiệp Việt là do yếu về công nghệ và phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên chưa chủ động được nguồn hàng.

Ngoài ra, trước lo lắng Việt Nam có thể trở thành “bãi đáp” hàng giá rẻ, phế liệu thải loại từ nước láng giềng để né thuế, ông Nguyễn Trung Tiến – Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại, dịch vụ (Tổng cục Thống kê) trấn an, hiện tượng này sẽ được ngăn chặn kịp thời cùng sự vào cuộc của các cơ quan quản lý. Thế nhưng, đại diện Hiệp hội nhôm Việt Nam thì cho rằng, nếu không giảm nhập khẩu, siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát, chống bán phá giá với nhôm định hình từ Trung Quốc, đẩy mạnh phân phối nhôm trong nước, đồng thời các doanh nghiệp trong nước cũng cần cải tiến công nghệ, tối ưu hóa sản xuất để hạ giá thành, thúc đẩy sức mua, thì nguy cơ thua ngay trên sân nhà là điều khó tránh khỏi.

NGUYỄN VIỆT

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp nhôm Việt điêu đứng tại chuyên mục Doanh nghiệp-Doanh nhân của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/doanh-nghiep-nhom-viet-dieu-dung-145399.html