Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Liên kết để lớn

Để vững vàng trong sân chơi hội nhập, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện đang tìm những hướng liên kết trên nhiều bình diện. Việc liên kết DNNVV trong nước với DN nước ngoài đang được nhiều DN tìm tòi và thực hiện. Đây là một hướng đi khó khăn nhưng nó là việc cần thiết và hữu ích để các doanh nghiệp hội nhập nhanh và hiệu quả hơn trong quá trình phát triển.

Sự khác biệt về trình độ sản xuất giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài là một trong những rào cản lớn của hợp tác. Ảnh: H.Dịu.

“Bắt tay” cùng cơ hội

Điều dễ nhận thấy là việc hơn 90% DN của Việt Nam là DNNVV nên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc liên kết DN luôn là bước đi đúng đắn và cần thiết để các DN nâng cao sức cạnh trạnh, tăng sức “chiến đấu” của DN trên trường quốc tế. Một chuyên gia kinh tế đã cho rằng, trong bối cảnh các DN nước ngoài đang "đổ bộ", chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, nếu các DN Việt Nam còn e ngại, không liên kết lại, các DN sẽ như những chiếc đũa bị bẻ gãy dễ dàng.

Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, tính đến tháng 10-2016 có 21% DN Việt Nam đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, con số này là tương đối nhỏ so với Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%. Do đó, Việt Nam còn nhiều việc để làm nhằm tăng cường sự hội nhập cho các nhà cung ứng và cung cấp dịch vụ trong nước, đặc biệt là khối DNVVV. Vì thế, bài toán liên kết không chỉ với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam được tính đến mà các DN còn hướng tới việc liên kết với các DNNVV nước ngoài.

Đặt kỳ vọng vào việc liên kết này, bà Trần Thị Thanh Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phúc Minh Phát cho rằng, DN trong nước liên kết với DN nước ngoài sẽ giúp nâng cao giá trị thương hiệu của mình, nhờ đó, khi mở rộng thị trường bán hàng ra nước ngoài thương hiệu của DN Việt sẽ có nhiều thuận lợi, lấy được thị phần khách hàng khắp nơi trên toàn cầu. Hơn nữa, các DN liên kết với nhau sẽ tạo nên giá trị cộng hưởng khi cùng triển khai những dự án lớn và tìm ra giải pháp tốt nhất, tạo nên chuỗi cung ứng hiệu quả, mang đến mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng.

Đồng quan điểm, theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội (Hanoisme), một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng có số lượng DNNVV rất lớn nên họ có nhu cầu lớn trong việc liên kết hợp tác với nước ngoài. Vì thế, DN Việt Nam nếu nắm bắt được cơ hội này sẽ có thể học tập được kinh nghiệm, trao đổi thông tin, tăng cường cơ hội giao thương. Trên thực tế, sau các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN… môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã tương đối thông thoáng nên nhiều DN nước ngoài đặt kỳ vọng vào việc liên kết, hợp tác.

Lấy ví dụ về việc liên kết với các DNNVV Hàn Quốc, ông Mạc Quốc Anh cho biết, với văn hóa, phong tục tập quán có nhiều nét tương đồng, cùng sự đồng thuận của hai Chính phủ trong phát triển kinh tế đã giúp việc XNK hàng hóa, giao thương giữa hai nước tăng mạnh. Hàn Quốc còn ưu tiên NK hàng hóa của Việt Nam với các mặt hàng về công nghệ, thiết bị, nông sản… nên tạo điều kiện lớn cho DN hai nước cùng phát triển.

Giải bài toán khó

Có thể nhận thấy, trong những năm qua, nhiều hoạt động giao thương, giao lưu DN giữa Việt Nam và thế giới được tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các DN. Tuy nhiên, dù cơ hội nhiều cho cả hai bên nhưng việc hợp tác không phải cứ “nói là làm” bởi còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Tiêu biểu như sự chênh lệch về trình độ sản xuất hay khác biệt trong cơ chế, hệ thống luật pháp các nước…

Nhận xét về việc liên kết hợp tác giữa DN trong nước và DN nước ngoài, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, việc liên kết có nhiều tiềm năng nhưng vẫn còn hạn chế, một trong số đó là do các DNNVV của Việt Nam thường có quy mô nhỏ, chất lượng chưa đạt yêu cầu. Trong khi các DNNVV của các nước tiên tiến lại có trình độ phát triển cao, đòi hỏi yêu cầu cũng cao với DN liên kết.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, do thiếu thông tin, tầm nhìn và chiến lược cạnh tranh, thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực có trình độ và lạc hậu về công nghệ, máy móc thiết bị, cũng như thiếu các hoạt động quảng cáo và kinh nghiệm quản trị… nên phần lớn DN Việt Nam gần như đứng ngoài chuỗi liên kết giá trị toàn cầu.

Vì thế, nắm bắt được tiềm năng hợp tác, theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ các DNNVV, tiêu biểu nhất là Luật Hỗ trợ DNNVV sắp được thông qua. Điều này không những giúp niềm tin kinh doanh được tăng lên mà còn giúp tạo dư địa lớn cho các DN nước ngoài đến tìm hiểu, hợp tác.

Cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, tự bản thân các DN cũng phải chủ động xác định lợi thế và vị thế của mình trong chuỗi liên kết, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện năng lực quản trị, cơ cấu tổ chức và mô hình sản xuất mới. Chuỗi liên kết cần được phát triển cả theo chiều dọc và theo chiều ngang, nhưng về lâu dài, cần ưu tiên phát triển liên kết theo chiều dọc, liên kết giữa các DN cùng ngành hàng, có vị trí địa lý gần nhau và hỗ trợ thị trường cho nhau…

Bên cạnh đó, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ, để hỗ trợ các DNNVV tìm được cơ hội hợp tác, Hanoisme đã tích cực hỗ trợ DN, như giúp họ liên kết với các tham tán thương mại, tổ chức các buổi giao lưu, kết nối… Hiệp hội cũng cung cấp thông tin và mong muốn hợp tác của các DNNVV Việt Nam đến các DN nước ngoài để làm cầu nối cho sự hợp tác phát triển. Vì thế, ông Mạc Quốc Anh đánh giá, trong thời gian ngắn tới đây, liên kết hợp tác giữa DNNVV trong nước và quốc tế sẽ trở thành một làn sóng mạnh mẽ, không thua kém làn sóng đầu tư vào Việt Nam của các DN FDI lớn trên thế giới.

Khách quan mà nói, việc liên kết hợp tác giữa các DNNVV đã được nhìn nhận từ lâu với mong muốn giúp DN Việt Nam có con “đường tắt” để bước chân ra thị trường thế giới. Nhưng những rào cản từ bên trong và bên ngoài DN đã làm chậm quá trình này, thậm chí, không ít DN tỏ ra “ngại” liên kết khi không thể đáp ứng yêu cầu cao từ phía DN đối tác. Vì thế, sự hỗ trợ các DNNVV liên kết là điều cần thiết, trong đó, quan trọng nhất là tạo được cơ chế thông thoáng, hệ thống pháp luật vững mạnh để thúc đẩy hiệu quả, tăng niềm tin của các DN đối tác.

Ông Akio Mimura, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI):

DN Nhật Bản đánh giá Việt Nam là thị trường hấp dẫn về cơ hội đầu tư, thương mại; kỳ vọng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện để thúc đẩy hơn nữa đầu tư của các DN Nhật Bản sang Việt Nam. Hiện đã có hơn 1.600 DN Nhật Bản muốn đầu tư sang Việt Nam, nhưng vẫn còn nhiều DN chưa biết thông tin, nên nếu có cơ hội chia sẻ thông tin lẫn nhau thì với hơn 1 triệu DN Nhật Bản hội viên của JCCI hiện nay, cơ hội hợp tác phát triển sẽ được nâng lên nhiều hơn nữa.

Tiềm năng hợp tác giữa DN Nhật Bản và Việt Nam có thể nói là vô hạn. Vì thế, những DNNVV Nhật Bản khi hợp tác với Việt Nam đều mong muốn có hệ thống quy phạm pháp luật minh bạch rõ ràng. Hơn nữa, các DN này cũng mong muốn có sự đơn giản hóa về thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh, thông quan hàng hóa XNK…

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI):

Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước trên thế giới. Vì thế, DN Việt Nam và các nước này nên tận dụng để tạo thành mối liên kết hợp tác hiệu quả và chặt chẽ. Bên cạnh đó, các DN cần thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến thương mại, cần có những cải cách thuận lợi nhất. Việc liên kết hợp tác nếu được thực hiện sẽ giúp các DN Việt Nam có được cơ hội học tập kinh nghiệm, nâng cao sức cạnh tranh, đưa thương hiệu nhanh chóng đến với thị trường quốc tế.

Chi Mai (ghi)

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doanh-nghiep-nho-va-vua-lien-ket-de-lon.aspx