Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Khó thành công vì thiếu liên kết

Việt Nam hiện có hơn 90% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa với yếu điểm về vốn, công nghệ, trình độ quản lý và thiếu sự liên kết nên gặp nhiều rào cản khi tham gia chuỗi cung ứng và hội nhập kinh tế thế giới…

Chợ truyền thống vẫn là một kênh để xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả

Tùy tiện trong định hướng

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là hầu hết các liên doanh, liên kết giữa các thành phần tham gia chuỗi cung ứng còn lỏng lẻo, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, khiến loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa phát huy tối đa hiệu quả cũng như chưa xây dựng được các chuỗi liên kết bền vững, đủ lớn để tham gia thị trường thế giới.

Theo bà Trần Phương Lan, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, muốn đưa sản phẩm ra thị trường thì phải có đầu mối thu mua nhưng hiện nay hạ tầng thương mại đang gặp rất nhiều khó khăn; định hướng chiến lược của DN Việt cũng rất mờ mịt, tùy đâu phát triển đấy. “Thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy có một văn bản xin mở siêu thị chỗ này, xây chợ chỗ kia mới thấy rằng bài toán phát triển thị trường của hầu hết DN còn manh mún, không có chiến lược dài lâu”, bà Lan cho biết.

Bà Lan cũng cho biết, khi các DN nước ngoài xây dựng một chuỗi phân phối ở Việt Nam, họ luôn chuẩn bị xây dựng một chiến lược dài hơi, có từng bước đi cụ thể, một kế hoạch hành động hết sức quy mô, bài bản, điều này bản thân DN Việt cần phải học hỏi. “Do đó, muốn giải được bài toán tiêu thụ nông sản, phát triển chuỗi cung ứng, chưa kể đưa hàng ra phân phối nước ngoài, rất cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng thương mại”, bà Lan khẳng định.

Đồng quan điểm với bà Trân Phương Lan, ông Phạm Thanh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Cty Ba Huân nhấn mạnh, xây dựng chuỗi cung ứng luôn được Cty Ba Huân xác định là yếu tố sống còn. Ông Hùng đề đạt, để các DN có thể tham gia vào chuỗi cung ứng, ngoài chuyện chất lượng sản phẩm phải đảm bảo, nhà quản lý cũng cần tạo điều kiện, hỗ trợ để DN có thể đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá hợp lý.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, để giúp các DN tham gia vào chuỗi cung ứng, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Saigon Co.op cũng thực hiện chương trình này trên toàn hệ thống với mạng lưới phân phối trải dài rộng khắp cả nước, qua thời gian dài đồng hành và phát triển cùng hàng Việt, đến nay tỷ lệ hàng Việt Nam tại Saigon Co.op chiếm trên 90% trong cơ cấu hàng hóa. Trong đó, ngành hàng thực phẩm đang kinh doanh gần 10.000 mặt hàng với tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 95%.

Xây dựng chuỗi cung ứng như thế nào cho phù hợp?

Nhiều nghiên cứu cho thấy, hành vi tiêu dùng của người Việt đang thay đổi, chuyển từ mua sắm ở chợ truyền thống đến siêu thị và các trung tâm thương mại. Bà Lê Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Central Group (chủ sở hữu hệ thống siêu thị Big C) cho biết, theo nghiên cứu của Central Group, các gia đình vào mua sắm trong siêu thị, trong các trung tâm mua sắm là để sum họp gia đình. Do đó, những kênh phân phối, cửa hàng bán lẻ hiện đại chính là kênh quảng cáo rất tốt cho các DNNVV.

Tuy nhiên, theo bà Linh, hầu hết các DN còn khá bỡ ngỡ trong việc hoàn thiện các khâu thủ tục để vào được các chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng chỉ tồn tại khi các bên tham gia cùng phối hợp chặt chẽ, liên kết để cùng phát triển. Khối DNNVV chiếm hơn 90%, là động lực phát triển của nền kinh tế nhưng điều quan trọng là các DN phải xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Bà Linh cũng cho biết, Central Group hiện có nhiều ưu đãi để hỗ trợ DNNVV tăng khả năng vào các kênh phân phối, cụ thể hệ thống Big C đã thiết lập bộ phận thu mua ở các địa phương để tiêu thụ sản phẩm ngay tại vùng đó. Tất cả sản phẩm có đủ các quy chuẩn theo quy định về chất lượng, giấy tờ, quy định xuất xứ sẽ dễ dàng vào được Big C.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hợp tác xã (HTX) tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam lại cho rằng, việc thu mua tại các đầu mối sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó, cần có một trung tâm mà ở đó tất cả các sản phẩm đều đã được kiểm soát bằng một tờ hóa đơn. Trung tâm này chịu hoàn toàn trách nhiệm sản phẩm đó có an toàn hay không, điều này sẽ giảm tối đa các thủ tục, chi phí cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Hóa đơn đó giống như một “chứng chỉ” chứng nhận độ an toàn của sản phẩm.

Trong khi tất cả các DN đang tìm cách đưa sản phẩm vào siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích thì bà Nguyễn Lan Hương, Giám đốc Hợp tác xã Phú Cường lại đưa ra một thông tin khá sốc khi cho biết, 80% dân số vẫn tiêu thụ hàng hóa ở chợ truyền thống, 70% dân số ở nông thôn. Tương lai thị phần chợ truyền thống sẽ giảm dần nhưng đây là thói quen đã ăn sâu vào tâm lý tiêu dùng của người Việt.

Do vậy, HTX Phú Cường đã xây dựng hệ thống “chợ Phú Cường” để kết nối các doanh nghiệp, HTX với nhau với phương châm hợp tác bổ sung đủ hàng bán buôn vào các chợ còn thiếu, cùng đưa những mặt hàng dư thừa từ chợ này sang chợ có nhu cầu tiêu thụ, từ đó giúp bà con tiểu thương trong mạng lưới “chợ Phú Cường” khơi thông tiêu thụ hàng hóa, hàng thương hiệu Việt Nam.

Bà Hương cũng cho rằng, muốn đẩy mạnh hơn Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thì Chính phủ, các bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương cần thiết xây dựng các chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trong nước, đặc biệt là chính sách hỗ trợ giá, cước vận chuyển đối với doanh nghiệp, HTX đầu tư xây dựng, quản lý kinh doanh khai thác chợ và luân chuyển hàng hóa giữa các chợ.

“Nếu có những chính sách hỗ trợ và xây dựng những cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt Nam trong hệ thống các chợ truyền thống thì không có thế lực nào có thể chen vào được. Và đây vẫn là kênh tiêu thụ hàng Việt hiệu quả nhất” - bà Hương khẳng định.

Nhật Thu – Phan Mơ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//chuyen-llam-an/doanh-nghiep-nho-va-vua-kho-thanh-cong-vi-thieu-lien-ket-359716.html