Doanh nghiệp nhỏ và vừa bị đối xử không công bằng

Ngày 19-10, Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo về Dự thảo Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải tạo ra khuôn khổ và động lực cạnh tranh cho khu vực DNNVV bằng việc ban hành Luật hỗ trợ DNNVV.

Các DNNVV khó khăn trong tiếp cận mặt bằng sản xuất. Ảnh minh họa: Internet.

Tín dụng: Không phải là bên xin, bên cho

Theo Bộ KH&Đ, Luật hỗ trợ DNNVV sẽ hỗ trợ cho DNNVV trên nhiều phương diện, bao gồm: gia nhập và rút khỏi thị trường, hỗ trợ tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ.

Đối với nội dung hỗ trợ gia nhập, rút khỏi thị trường, Bộ KH&ĐT cho biết: dự thảo Luật quy định việc tạo môi trường, điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách để DNNVV gia nhập, rút khỏi thị trường; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh về quy mô gây bất lợi hoặc thiệt hại cho DNNVV trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh và trong hoạt động sản xuất kinh doanh và có hành vi phân biệt đối xử, sách nhiễu, gây khó khăn cho DNNVV.

Đối với việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng, Dự thảo Luật quy định các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn thông qua thiết kế điều kiện, quy trình, thủ tục cho vay đơn giản, phù hợp với với đặc điểm, quy mô DN, đa dạng hóa các hình thức cấp tín dụng phù hợp với nhu cầu của DNNVV. Tuy nhiên, để không vi phạm các nguyên tắc thị trường, trong từng thời kỳ và tùy theo điều kiện ngân sách, Chính phủ để hỗ trợ các ngân hàng cho vay DNNVV theo định hướng ưu tiên phát triển của Nhà nước thông qua cấp bù lãi suất và thực hiện các hình thức hỗ trợ khác từ NSNN.

Trao đổi về vấn đề tín dụng cho DNNVV, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài cho rằng, trên thực tế đã có đủ quy định về tín dụng cho DNNVV nhưng các DN nhỏ và siêu nhỏ không thể tiếp cận được các nguồn tín dụng này. Nợ xấu của nền kinh tế, của các tổ chức tín dụng chủ yếu tập trung ở các DNNN lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân, còn DN nhỏ và siêu nhỏ không có nhiều nợ xấu.

Ông Nguyễn mại cũng cho biết thêm: một công ty tài chính quốc tế đã từng kiến nghị về việc không thể chỉ áp dụng thế chấp bằng BĐS đối với DNNVV, mà phải áp dụng phổ biến thế chấp bằng động sản như chứng từ thanh toán, hợp đồng mua bán, tài sản thuộc về sở hữu trí tuệ… Lý do là vì các DN này thường không có nhiều BĐS, hoặc có thì cũng đã thế chấp một lần để vay vốn, do đó nếu không chuyển thế chấp BĐS bằng thế chấp động sản thì sẽ không giải quyết được vấn đề. Hiện nay đã có một số ngân hàng thương mại Việt Nam đưa ra một số chương trình cho vay vốn không chỉ thế chấp bằng BĐS mà còn được thế chấp bằng động sản, vì thế cần đưa vào Luật này một quy định để đáp ứng được nhu cầu vay vốn của DNNVV cho phép DN được thế chấp bằng động sản.

Liên quan đến khó khăn của DNNVV trong tiếp cận tín dụng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết: “Vấn đề lãi suất cho vay đối với những đối tượng được đặt ra trong luật sẽ do Nhà nước cấp bù lãi suất, chúng tôi không lấy đi quyền lợi của ngân hàng, hai bên cần vươn tới với nhau vì quyền lợi của khác hàng và phải thấy đây là sự cộng sinh, chứ không phải là “bên cho bên xin”. Ngân hàng là số ít tổ chức được phép huy động vốn của cả xã hội để kinh doanh, vì thế cần phải có trách nhiệm cho vay trở lại thì mới có lãi. Muốn vậy phải nuôi dưỡng khách hàng bằng các gói tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ của từng đối tượng khác hàng”.

Mặt bằng sản xuất: khó khăn lớn nhất

Về hỗ trợ tài chính, thuế, dự thảo Luật quy định DNNVV được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho DN quy định tại pháp luật thuế TNDN, DN siêu nhỏ được áp dụng mức thuế suất thấp hơn DNNVV. Việc giảm thuế TNDN theo 3 cấp quy mô DN của Nhà nước được xem như là một khoản đầu tư để nuôi dưỡng nguồn thu, tăng mức độ tích lũy của DNNVV, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo Bộ KH&ĐT, kinh nghiệm quốc tế trong miễn, giảm thuế TNDN cho DNNVV cho thấy, nhiều quốc gia áp dụng thuế suất TNDN thấp hơn mức thông thường cho DNNVV.

Trước những khó khăn của DNNVV trong tiếp tiếp cận đất đai, nhằm tạo cơ chế cho DNNVV có điều kiện vào các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, dự thảo Luật đưa ra một số ưu đãi cụ thể, chủ yếu thông qua cơ chế về thuế, tiền thuê đất nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao dành quỹ đất cho DNNVV thuê.

Khẳng định DNNVV bị đối xử không công bằng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông chia sẻ: “Tôi đã từng dẫn một DN đổi mới sáng tạo xuống một địa phương được cho là mẫu mực về thu hút đầu tư của Việt Nam, tuy nhiên, một đồng chí lãnh đạo của địa phương này nói thẳng là khu công nghiệp này không dành cho DNNVV Việt Nam, chỉ dành cho DN Hàn Quốc”.

Bộ KH&ĐT cho biết, hiện nay, tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn nhất của DNNVV và đã tồn tại nhiều năm qua, nhưng đến nay chưa có biện pháp tháo gỡ hiệu quả. Theo thống kê, quỹ đất công nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao (tỷ lệ lấp đầy chiếm khoảng 50%) và các cụm công nghiệp (tỷ lệ lấp đầy chiếm khoảng trên 60%) vẫn còn nhiều, nhưng DNNVV vẫn khó tiếp cận đất công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp.

Lý do là các nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp thường nhắm vào các khách hàng lớn, cho thuê với diện tích đủ rộng để giảm chi phí quản lý, không muốn chia nhỏ diện tích cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của DNNVV. Mặt khác, chi phí giá thuê cao, thời hạn thanh toán không linh hoạt, không phù hợp với khả năng tài chính của DNNVV. Theo thống kê, cả nước hiện chưa có khu, cụm công nghiệp nào dành riêng cho các DNNVV. Hầu hết các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động dành chung cho các DN, trong đó phần lớn là DN lớn, doanh nghiệp FDI.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doanh-nghiep-nho-va-vua-bi-doi-xu-khong-cong-bang.aspx