Doanh nghiệp nhỏ, nên đi ngách nhỏ

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, lựa chọn thị trường ngách là để doanh nghiệp (DN) phát huy thế mạnh việc am hiểu khách hàng và thị trường. Tuy nhiên, thị trường ngách cũng gặp không ít khó khăn bởi trong một khía cạnh nào đó, đây cũng là thị trường mới.

Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, hiện thị trường Việt Nam có khoảng 800 siêu thị, 150 trung tâm mua sắm, 9.000 chợ truyền thống; khoảng 2,2 triệu nhà bán lẻ đang hoạt động. Trong đó, có rất nhiều các chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị mini có tiềm năng phát triển bởi thủ tục đăng ký kinh doanh đơn giản, vốn đầu tư không cao, khả năng thu hồi vốn nhanh…qua đó, nâng cao giá trị thị trường trong nước.

Thị trường ngách giải pháp cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn.

Cụ thể, nếu như năm 2010, giá trị thị trường đạt 88 tỷ USD thì đến năm 2017 là 130 tỷ USD. Theo dự báo của Tổng cục thống kê đến năm 2020, giá trị thị trường ước đạt vào khoảng 179 tỷ USD. Điều này cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng và đang trở thành một trong những thị trường tại châu Á hấp dẫn các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài.

Trước sức ép từ DN nước ngoài, theo ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ, song song với sự phát triển của mô hình bán lẻ hiện đại, thì một trong những cơ hội làm nên thành công bền vững cho những DN nhỏ và vừa Việt Nam là việc tạo ra thị trường ngách. Nếu các đại gia có đủ tiền của để thực hiện cuộc chiến dội bom truyền thông để giành lấy trái tim khách hàng, thì các DN nhỏ tạo ra ngách thị trường vừa đủ để phục vụ.

Đồng tình với ý kiến trên, hầu hết các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong môi trường cạnh tranh gay gắt hiện nay, việc tạo ra một thị trường mới có thể sẽ phù hợp hơn với các DN Việt. Trong thị trường rộng lớn có hàng vạn đối thủ cạnh tranh đang giành giật nhau, và hầu như họ không có nhiều điểm khác biệt mà chỉ xoay quanh những định vị thông thường.... Bởi thế, DN Việt Nam có thể chọn những “khúc sông nhỏ”, để tạo ra những giá trị nhỏ nhưng khác biệt, từ đó chúng ta có thể khuấy động được cảm xúc khách hàng và gây sự chú ý.

Các DN nhỏ và vừa của Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt hơn nếu nhắm đến một phân khúc thị trường nhỏ vì chúng ta đang ở quy mô nhỏ. Nghĩa là, chúng ta phải tranh thủ được lợi thế của mình, đó là tập trung nguồn lực cho mục tiêu. Bởi ở quy mô nhỏ, DN sẽ có thể nắm bắt chi tiết hơn nhu cầu khách hàng. Đấy là những điều mà đôi lúc những công ty lớn không thể làm được.

Đề cập đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hà, giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật cho rằng, để phát hiện ra con đường phát triển mới, DN phải quan sát, phân tích rất kỹ nhu cầu thực của khách hàng. Rất nhiều ngách ý tưởng được tạo ra nhưng không tạo ra được ngách thị trường, bởi vì ý tưởng hay chưa hẳn đã có thị trường. Khi khách hàng đã cùng đi trên con đường phát triển mới, họ cùng đi qua các trục thời gian, theo hướng từ hiện tại đến tương lai.

Quay trở lại với thị trường bán lẻ Việt Nam có thể thấy, không phải đến bây giờ các DN Việt mới tìm con đường ngách để đi, trước đó có nhiều DN đã tiên phong và không ít thương hiệu đã chấp nhận thất bại. Đơn cử với thương hiệu cà phê Trung Nguyên cũng vậy, vào năm 2010, hãng cà phê hàng đầu Việt Nam này đã từng tìm con đường ngách cho sản phẩm mới là cà phê hòa tan dành cho giới nữ có tên Passiona. Sản phẩm ra đời dựa trên việc khảo sát sở thích uống cà phê của phụ nữ…

Tuy nhiên, sau một thời gian xuất hiện, Passiona vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Chưa đề cập đến nguyên nhân thất bại của sản phẩm này, thế nhưng chúng ta có thể thấy rằng, sự khó khăn mà thị trường ngách mang lại cho các DN cũng không phải nhỏ nếu chúng ta không có sự chuẩn bị kỹ càng.

Để có bước chuẩn bị tốt nhất, cũng như tạo ra được lợi thế cạnh tranh với các DN lớn khi lựa chọn con đường ngách, các chuyên gia kinh tế cho rằng, DN vừa và nhỏ của Việt Nam cần phải hết sức thận trọng trong việc đánh giá đặc điểm nhu cầu của thị trường. Trong đó, cần phải xem xét kỹ những điều mà doanh nghiệp đang hình dung về thị trường ngách có thực sự đúng đắn chưa? Điều này liên quan đến việc đánh giá tiềm năng của thị trường, cách tiếp cận của doanh nghiệp đối với khách hàng mục tiêu.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/doanh-nghiep-nho-nen-di-ngach-nho-82039.html