Doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

Cho vay hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa là một trong những lĩnh vực được ưu tiên nguồn vốn đầu tư tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.

Đồ họa thể hiện dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tổ chức tín dụng trong tỉnh từ cuối năm 2017 đến cuối tháng 4-2020 - Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai. (Đồ họa: Hải Quân)

Đồ họa thể hiện dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tổ chức tín dụng trong tỉnh từ cuối năm 2017 đến cuối tháng 4-2020 - Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai. (Đồ họa: Hải Quân)

Bên cạnh đó, để hỗ trợ các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, vào tháng 3 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng NHNN Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Dù triển khai nhiều chương trình hỗ trợ vay vốn, nhưng trên thực tế nhiều DN nhỏ và vừa vẫn chưa dễ tiếp cận được những nguồn vốn vay ưu đãi này bởi các ràng buộc về mặt thủ tục, quy trình thẩm định cho vay giữa các ngân hàng với DN…

* Nhiều DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mong muốn được hỗ trợ

Theo Chỉ thị 02/CT-NHNN năm 2020 của NHNN Việt Nam, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; thường xuyên theo dõi, đánh giá diễn biến và tác động của dịch Covid-19 đối với khả năng tăng trưởng tín dụng toàn ngành để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng đối với các tổ chức tín dụng nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn tiếp tục vay mới khôi phục sản xuất; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Trong thời gian tới, NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, có thời hạn cho vay phù hợp…

Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai rà soát, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất vay vốn… cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo thống kê của NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến giữa tháng 4 vừa qua, đã có 127 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của các tổ chức tín dụng trên địa bàn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay với số tiền hơn 496 tỷ đồng.

Trên thực tế, nhiều DN nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ này. Ông Trịnh Xuân Toàn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trịnh Phong Giang (H.Cẩm Mỹ) cho biết, công ty chuyên sản xuất và xuất khẩu hạt điều, khoảng 80% sản phẩm của công ty xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ sau Tết đến nay, công ty gần như phải tạm ngừng sản xuất. Công ty cũng đã nộp đơn xin được hỗ trợ, giảm lãi suất vay nguồn vốn ngắn hạn khoảng 10 tỷ đồng. Hiện công ty vẫn đang vay vốn với lãi suất thông thường khoảng 10,5%/năm.

Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc điều hành một công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ ở TP.Biên Hòa cho hay, dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới tình hình hoạt động, doanh thu của DN. Công ty phải chấp nhận bù lỗ các khoản chi phí liên quan để duy trì hoạt động. Công ty cũng làm đơn đề nghị được giảm lãi suất nhưng hiện vẫn chưa được hỗ trợ. Công ty mong muốn được vay vốn với lãi suất thấp hơn thay vì vẫn đang phải trả theo lãi suất thông thường mà công ty đang vay khoảng 11,5%/năm.

Tương tự, ông Trương Công Vững, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tre Xanh Nam Cát Tiên (H.Tân Phú) chia sẻ, là một công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch, phục vụ lưu trú cho biết, do dịch Covid-19, từ tháng 2-2020 đến nay, công ty gần như không có doanh thu. Hiện công ty vẫn đang trả các khoản vay ngân hàng theo lãi suất thông thường khoảng 10%/năm. Công ty mong muốn các ngân hàng xem xét, hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.

* Không dễ tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp

Theo NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, trong những tháng vừa qua, các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh đã tiến hành cập nhật, điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên theo quy định mới của NHNN Việt Nam để hỗ trợ DN, nhất là các DN nhỏ và vừa.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực chế biến nông sản mong muốn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Trong ảnh: Công nhân sơ chế ca cao tại một công ty chế biến nông sản ở H.Định Quán. Ảnh: L.Phương

Tính đến cuối tháng 4-2020, dư nợ cho vay đối với DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh hơn 44,6 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 2% so với cuối năm 2019 và chiếm tỉ trọng khoảng 20% so với tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trong tỉnh.

Trên thực tế, nhiều DN vẫn đang gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này. Theo một số chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến việc các DN nhỏ và vừa khó tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi là do: thiếu tài sản thế chấp, hiệu quả kinh doanh chưa cao, báo cáo tài chính không được lập một cách đúng chuẩn… Ngoài ra, nhiều DN còn thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, các phương án kinh doanh khả thi.

Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) cho biết, công ty vẫn đang vay vốn tại các ngân hàng với lãi suất 8-8,5%/năm. Công ty mong muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhưng còn “vướng” nhiều thủ tục, tiêu chí cho vay của ngân hàng.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Huynh, Giám đốc Công ty TNHH Tam Long Hưng Phát (TP.Biên Hòa) chia sẻ, công ty thường xuyên có nhu cầu về vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, việc vay với lãi suất ưu đãi còn gặp khó khăn. Các khoản vay tín chấp, ưu đãi thường được thẩm định dựa trên chiến lược, phương án kinh doanh… Điều này không dễ thực hiện đối với các DN nhỏ.

* Cần tiếng nói chung giữa ngân hàng và DN

Đại diện nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho biết, để vay vốn với lãi suất ưu đãi, các DN nhỏ và vừa cần đảm bảo các điều kiện thẩm định về báo cáo tài chính, hoạt động lĩnh vực ngành nghề, báo cáo thuế đầy đủ; cũng như một số tiêu chí riêng về việc mở rộng, duy trì hay hạn chế cho vay đối với lĩnh vực sản xuất của ngân hàng...

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai nhận định, để các DN nhỏ và vừa nói chung và trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nói riêng được hưởng mức ưu đãi thực sự như quy định thì vẫn còn tùy thuộc vào các thỏa thuận, điều kiện riêng đối với ngân hàng. Ngoài ra, khi đã đáp ứng đủ hồ sơ để vay vốn thế chấp thì nhiều DN cũng phải chờ đợi các thủ tục, trình tự để giải ngân nguồn vốn vay khá lâu. Điều này làm ảnh hưởng đến cơ hội, kế hoạch kinh doanh của DN.

Nhiều công ty chế biến hạt điều xuất khẩu gặp khó khăn bởi tác động từ dịch Covid-19. Ảnh: B.Nguyên

Hiện nay, nhiều ngân hàng vẫn thẩm định, đánh giá phần lớn các khoản vay bằng tài sản thế chấp, chứ chưa chú trọng nhiều vào việc thẩm định dựa trên hiệu quả từ phương án kinh doanh. Điều này sẽ giúp các ngân hàng hạn chế được nhiều rủi ro, trong khi các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, sẽ không dễ tiếp cận nguồn vốn do không đủ các điều kiện vay vốn thế chấp.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai chia sẻ, nhiều DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa mong muốn được vay vốn ưu đãi để mở rộng mặt bằng sản xuất, phát triển kinh doanh nhưng vẫn không dễ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này bởi những ràng buộc về mặt thủ tục, các thỏa thuận, quy trình thẩm định cho vay giữa các ngân hàng với DN. Khó khăn lớn nhất của các DN nhỏ là năng lực tài chính hạn chế, phần lớn chưa có chiến lược kinh doanh mang tính dài hơi, chưa có báo cáo tài chính hoàn chỉnh do chưa có bộ máy tham mưu đủ tốt. Do đó, khi muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thường khó đáp ứng những tiêu chí của các ngân hàng. Bên cạnh đó, ngay cả đối với các khoản vay thế chấp bằng tài sản, trên thực tế thủ tục thanh lý tài sản thế chấp của DN nhỏ và vừa nếu bị phá sản cũng còn nhiều quy định ràng buộc, cũng như có tỷ lệ rủi ro cao. Điều này cũng gây ra trở ngại cho cả DN và ngân hàng trong quá trình tiếp cận nguồn vốn vay.

Lam Phương

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202005/doanh-nghiep-nho-kho-tiep-can-nguon-von-vay-uu-dai-3005513/