Doanh nghiệp Nhật chuyển hướng đầu tư tại Việt Nam

Đã có sự dịch chuyển rõ rệt dòng tiền Nhật Bản đổ về Việt Nam trong thời gian gần đây với sự gia tăng nhanh đầu tư mới ở lĩnh vực thương mại và dịch vụ.

Ông Trần Nguyên Trung - Phó giám đốc Công ty TNHH I-GLOCAL

I-GLOCAL hiện là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn đầu tư – kinh doanh cho các doanh nghiệp Nhật Bản, khi 99% khách hàng của họ đến từ Nhật Bản, tương đương với 800 doanh nghiệp và 40% trong đó đã lên sàn tại Việt Nam.

Theo vị Phó Giám đốc này, trong vài năm gần đây, số lượng đầu tư mới của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam đã dịch chuyển từ mảng sản xuất sang thương mại và dịch vụ. Ngoài ra, theo thời gian, sự hài lòng của giới đầu tư Nhật với thị trường Việt Nam đã được cải thiện, khi họ hiểu rằng ‘không thể có một thị trường vừa rất chỉn chu lại rất tiềm năng’.

Ông đánh giá như thế nào về quá trình đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong 30 năm qua?

Ông Trần Nguyên Trung: Theo tôi, làn sóng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam có thể chia thành 3 giai đoạn chính: giai đoạn đầu tiên là vào những năm 90 – giai đoạn này chủ yếu là hình thức liên doanh, giai đoạn hai là vào những năm 2005 – 2010 sau khi Việt Nam vừa gia nhập WTO – tăng trưởng lớn ở cả mảng sản xuất lẫn dịch vụ và chủ yếu dưới hình thức 100% vốn Nhật, giai đoạn ba là những năm 2010 – 2015 với nhiều dự án lớn - đa dạng trong nhiều lĩnh vực.

Trong 3 năm trở lại đây, tình hình đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại so với giai đoạn ba, nhưng vẫn tăng trưởng khá đều. Hiện nay, các đầu tư mới với quy mô lớn không nhiều, nhưng lại có khá nhiều công ty Nhật Bản đã đầu tư và hoạt động ổn định tại Việt Nam chuyển sang giai đoạn mở rộng đầu tư.

Ông có nhận xét gì về cơ cấu quy mô và ngành nghề của các công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam?

Ông Trần Nguyên Trung: Theo cơ cấu hơn 800 khách hàng Nhật của Tập đoàn chúng tôi, có khoảng 30% là các công ty niêm yết tại Nhật Bản, khoảng 50% các công ty quy mô vừa (bao gồm cả các công ty không niêm yết nhưng dẫn đầu các ngành nhỏ), còn lại khoảng 20% là các công ty nhỏ và cá thể.

Về cơ cấu ngành ngành nghề: 50% doanh nghiệp là các công ty sản xuất, còn lại là công ty trong ngành dịch vụ, thương mại và IT. Hiện nay, số lượng các công ty sản xuất đang tăng chậm và các công ty thuộc mảng dịch vụ và thương mại tăng nhanh hơn.

Tôi cho rằng, cơ cấu này cũng khá gần giống với cơ cấu của các nhà đầu tư Nhật tại Việt Nam nói chung.

Và đây cũng có thể là xu hướng đầu tư chung trong trong vài năm tới, do nhiều công ty sản xuất lớn của Nhật Bản (cũng như các nhà đối tác của họ) đã đầu tư vào Việt Nam ở giai đoạn trước, trong khi thị trường tiêu dùng trực tiếp tại Việt Nam đang rất hấp dẫn với các công ty dịch vụ và thương mại nước ngoài.

Thời gian gần đây đã có rất nhiều công ty bất động sản và thực phẩm Nhật Bản đã gia nhập thị trường Việt, điều này nói lên điều gì thưa ông?

Ông Trần Nguyên Trung: Đúng vậy! Trong các năm trước, sở dĩ các công ty bất động sản Nhật Bản không quá hăng hái tham gia thị trường Việt là do lo ngại rủi ro vì tính pháp lý về vấn đề đất đai của chúng ta chưa rõ ràng và tính minh bạch trong các dự án chưa cao. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, “gió đã đổi chiều”, khi nhiều đối tác Nhật Bản đã chủ động và quyết định đầu tư, nhờ tính minh bạch trong giao dịch và khung pháp lý tại thị trường bất động sản Việt đã rõ ràng hơn, đồng thời tiềm năng thị trường Việt được đánh giá cao hơn trước đây.

Dù thế, thực tế, nhiều công ty bất động sản Nhật vẫn chọn hình thức liên kết hoặc liên doanh với các công ty Việt Nam để cùng phát triển dự án thay vì đứng ra tự làm chủ đầu tư.

Theo trao đổi của tôi với nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, nguyên do người Nhật chuộng liên minh hơn là tự làm vì bất động sản chủ yếu bán cho người Việt Nam chứ không phải cho người nước ngoài, nên ngoài vấn đề kỹ thuật thì sự am hiểu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng địa phương, kênh phân phối và cả những xử lý thủ tục hành chính liên quan trong quá trình xây dựng… cũng quan trọng không kém.

Thế nên, thời gian đầu đầu tư, họ vẫn muốn làm cùng các đối tác Việt Nam để tiếp cận thực tế thị trường một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.

Về ngành thực phẩm, chủ yếu có 2 mảng chính là sản xuất thực phẩm và nhà hàng. Hiện tại, không có quá nhiều dự án đầu tư mới về sản xuất thực phẩm, vì nhiều doanh nghiệp trong mảng này đã đầu tư vào Việt Nam vài năm trước và đang trong quá trình mở rộng xâm nhập sâu thị trường. Ngược lại, trong 2 đến 3 năm gần đây, các dự án kinh doanh nhà hàng - ẩm thực Nhật đang tăng khá mạnh, cả về lượng lẫn về chất.

Lý do cho sự tăng trưởng này, theo tôi, một phần do quy định liên quan đến điều kiện cơ sở vật chất về kinh doanh nhà hàng đối với doanh nghiệp FDI trong cam kết WTO của Việt Nam từ sau năm 2015 đã hết hiệu lực, chính điều đó đã tạo nhiều thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, mức sống tại các đô thị lớn như TP. HCM – Hà Nội ngày càng cao và nhiều người trong đó rất chuộng ẩm thực Nhật.

Trong khoảng 5 đến 10 năm tới, chắc chắn Việt Nam sẽ là một thị trường tuyệt vời với các doanh nghiệp thực phẩm của Nhật, bởi 2 lý do: Việt Nam có gần 100 triệu dân, trong đó tỷ lệ dân số trẻ cao và nhu cầu tiêu dùng lớn; khi mức sống tăng cao hơn nữa, lượng dân số Việt Nam có khả năng tài chính tốt để tiêu dùng thực phẩm Nhật sẽ tăng theo.

Ông Trần Nguyên Trung - Phó Giám đốc Công ty TNHH I-GLOCAL

Theo Jetro, có 2 nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Nhật Bản mang tiền đầu tư ra nước ngoài, đầu tiên là do thị trường Nhật sắp bão hòa trong nhiều mảng; thứ hai là có những công ty chưa lớn, nhưng do lo xa, họ vẫn mang tiền đi đầu tư, bởi nếu có thất bại họ vẫn còn thị trường trong nước. Vậy, đó có phải cũng là những nguyên do khiến khách hàng của ông quyết định sang Việt Nam đầu tư?

Ông Trần Nguyên Trung: Nguyên do khiến khách hàngNhật tìm đến chúng tôi và Việt Nam cũng tương tự như vậy. Nhiều tập đoàn Nhật đầu tư ra nước ngoài trong khi ở Nhật họ đang phát triển tốt và có nguồn lực tài chính dư thừa, đây như một cách họ chuẩn bị để duy trì mức tăng trưởng ổn định trong 5 đến 10 năm tới cho toàn tập đoàn, lúc thị trường nội địa Nhật Bản dần bão hòa và họ có thể gặp khó khăn.

Rất nhiều khách hàng của tôi chọn lúc còn tiềm lực tốt tại thị trường Nhật, chứ không đợi đến lúc bị “trói tay” ở đó rồi mới đi và chúng tôi hay khuyên các nhà đầu tư: nếu đã quyết định đến Việt Nam thì nên đến càng sớm càng tốt để giành lợi thế chiếm lĩnh thị trường sớm.

Tuy nhiên, cũng có không ít công ty Nhật, chủ yếu là các công ty nhỏ và vừa, vẫn có cách suy nghĩ khá đơn giản khi xem xét đầu tư vào Việt Nam, ví dụ: họ thấy các công ty cùng ngành xuất ngoại nên cũng muốn đi theo, mà không xem xét tính khả thi của quyết định đó dựa trên tiềm lực thực tế của mình tại Nhật.

Với những trường hợp này, khi tư vấn, chúng tôi cũng trao đổi rất thẳng thắn rằng: họ chưa nên đến Việt Nam vì kinh nghiệm thực tế của chúng tôi cho thấy xác suất thất bại sẽ rất cao.

Như ông nói, người Nhật vô cùng thận trọng, nhưng theo thời gian, có nhiều người đi trước, hệ thống luật pháp Việt Nam cũng đã rõ ràng và minh bạch hơn, vậy quá trình – thời gian điều nghiên thị trường Việt Nam của người Nhật có giảm đi hay không?

Ông Trần Nguyên Trung: Theo tôi cảm nhận, quá trình nghiên cứu thị trường Việt Nam của người Nhật đã được rút ngắn hơn khá nhiều so với trước đây, nhưng thật ra họ vẫn rất thận trọng khi xem xét thị trường hay khi ra các quyết định, đúng với văn hóa của người Nhật bấy lâu.

Nhiều khách hàng của chúng tôi, khi nghiên cứu đầu tư ra nước ngoài, ngoài Việt Nam, họ cũng tìm hiểu thị trường nhiều nước khác trong khu vực châu Á và Đông Nam Á. Với doanh nghiệp Nhật, việc cân nhắc để tiến hành đầu tư tại một quốc gia đôi khi mất từ 2 đến 3 năm là chuyện rất bình thường.

Trước đây, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn chuộng hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài để dễ quản lý, nhưng bây giờ, họ cũng khá thoáng và linh hoạt hơn trong chuyện đầu tư như có thể tìm mua lại các công ty Việt Nam, ví dụ như trong lĩnh vực bất động sản, dịch vụ, xây dựng, bán lẻ… nhằm đẩy nhanh quá trình xâm nhập thị trường.

Theo đó, khi thực hiện các thương vụ M&A, công ty Nhật còn thận trọng hơn mức bình thường, ngay cả khi biết đối tác có rất nhiều tiềm năng họ cũng nghiên cứu và soát xét tới tận “chân tơ kẻ tóc”. Đây cũng là một trong những yếu tố làm nhiều thương vụ M&A giữa công ty Việt và Nhật Bản không thành công, dù quá trình đàm phán đã đi đến các bước cuối cùng, nếu đối tác Việt Nam không chuẩn bị kỹ càng.

Còn về tác động của công nghiệp 4.0 và công nghệ robot thì sao thưa ông, trong tương lai gần, liệu các công ty sản xuất của Nhật Bản có rút về nước khi đã tự động hóa toàn bộ bằng máy móc – robot?

Ông Trần Nguyên Trung: Nếu điều đó xảy ra, có thể phải trong tương lai 20 đến 30 năm nữa, chứ theo tôi, trong 5 đến 10 năm tới, khả năng đó không lớn.

Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam không chỉ vì giá nhân công rẻ mà còn do sự phát triển của chính thị trường tiêu dùng tại Việt Nam. Các dây chuyền sản xuất của họ tại Việt Nam cũng đã đạt mức tự động hóa khá cao và không có quá nhiều công ty Nhật phụ thuộc vào lực lượng lao động quá lớn tại Việt Nam, nên tôi nghĩ, xác suất doanh nghiệp rút vốn đầu tư về Nhật vì lý do công nghệ trong tương lai gần sẽ không nhiều.

Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam rất tiềm năng và phát triển nhanh nên việc sản xuất tại chính Việt Nam để cung cấp cho thị trường nội địa, cũng như các ưu đãi về đầu tư là các yếu tố mà các nhà đầu tư Nhật Bản luôn ưu tiên xem xét.

Thời gian qua, mức độ hài lòng về môi trường đầu tư tại Việt Nam của người Nhật có tăng lên nhiều không, thưa ông?

Ông Trần Nguyên Trung: So với thời gian cách đây khoảng 10 năm, khi tôi mới quay lại Việt Nam làm việc, thì môi trường đầu tư của Việt Nam đã ổn định và được cải thiện hơn khá nhiều. Ngoài ra, luật và chính sách cũng minh bạch hơn, cách hành xử của các cơ quan nhà nước cũng đã tương đối chuẩn mực, nên nhiều nhà đầu tư Nhật Bản cảm thấy hài lòng cũng như an tâm hơn.

Mặt khác, chúng tôi hay nói với các nhà đầu tư Nhật Bản rằng, chính bởi thị trường và môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa thật sự hoàn hảo, cho nên trong đó mới có nhiều tiềm năng, bởi nếu đã quá chỉn chu rồi thì cũng không quá khác thị trường Nhật Bản bây giờ. Cho nên, bạn không thể đòi hỏi một thị trường vừa rất chỉn chu lại rất tiềm năng.

Muốn xâm nhập thị trường đang phát triển với tiềm năng lớn thì bạn phải chấp thuận rủi ro hay sự chưa chuẩn mực! Và nếu cảm thấy tiềm năng phát triển ở thị trường Việt Nam có thể bù đắp sự không hài lòng trong thủ tục kinh doanh thì bạn hãy quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, trên cương vị là một trong những người kết nối nguồn đầu tư Nhật vào Việt Nam, tôi luôn đề xuất với các cơ quan chức năng cần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực thủ tục hành chính.

Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Như

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/doanh-nghiep-nhat-chuyen-huong-dau-tu-tai-viet-nam-1543845079522.htm