Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá về Việt Nam: Điểm đầu tư hứa hẹn nhất năm 2020

Nhật Bản đã và đang là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Đặc biệt, đã có nhà đầu tư Nhật Bản 'bám rễ' vào nền kinh tế Việt Nam bằng hàng loạt dự án nhà máy quy mô lớn của các tên tuổi lớn như Toyota, Honda, Panasonic, Canon, FujiXerox, Sumitomo...

Năm 2019, khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng cho bức tranh kinh tế Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 38 tỷ USD và lần đầu tiên đạt mức giải ngân 20,4 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản đứng thứ 2 trong bảng tổng sắp các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, với số dự án đầu tư là 4.385, tổng vốn đăng ký 59.333,86 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã “bám rễ” vào nền kinh tế Việt Nam, phải kể đến các tên tuổi lớn như Toyota, Honda, Panasonic, Canon, Sumitomo…

Vốn đầu tư Nhật Bản đang từng bước mở rộng với những dự án lớn

Vốn đầu tư Nhật Bản đang từng bước mở rộng với những dự án lớn

Không chỉ trong công nghiệp, các nhà đầu tư Nhật ngày càng “thâm nhập” vào các lĩnh vực khác như bán lẻ, tài chính - ngân hàng, thực phẩm… với các “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ như AEON, Uniqlo, hay việc Mizuho mua cổ phần của Vietcombank, Sumitomo Mitsui Banking nắm giữ cổ phần của Eximbank… Điều này càng chứng tỏ, vốn đầu tư Nhật Bản đang từng bước mở rộng và ngày càng hiện diện sâu, rộng ở nền kinh tế Việt Nam.

Theo kết quả từ cuộc thăm dò của Công ty NNA Nhật Bản, Việt Nam đã được các doanh nghiệp Nhật bình chọn là địa điểm đầu tư hứa hẹn nhất trong năm 2020 ở châu Á, vượt qua cả Ấn Độ và các quốc gia khác tại Đông Nam Á.

Năm 2020, Chính phủ Việt Nam quan tâm đến nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đổi mới mô hình đầu tư, kinh doanh với mục tiêu tăng 10 bậc về môi trường đầu tư, kinh doanh. Vì vậy, cùng với việc tham gia xây dựng Chiến lược phát triển trong 10 năm tới, Chính phủ đang trình Quốc hội sửa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó khẳng định lại các quan điểm lớn, đó là: Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác; Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp...

Tại Hội thảo diễn đàn kinh tế, du lịch, lao động Nhật Bản - Việt Nam gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam không chỉ muốn Nhật Bản là nhà đầu tư hàng đầu mà còn là nhà đầu tư tốt nhất tại Việt Nam. Ở bình diện rộng hơn, Việt Nam là thành viên của Tiểu vùng sông Mekong đã thống nhất hợp tác với Nhật Bản ở 3 kết nối: Hạ tầng giao thông, năng lượng; hạ tầng mềm về thể chế, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và kết nối con người gắn với kết nối số. Đây cũng chính là 3 trọng tâm kết nối trong thời gian tới giữa hai nước.

Theo báo cáo của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam có lãi là 66%; 64% doanh nghiệp trả lời có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Tuệ Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-nhat-ban-danh-gia-ve-viet-nam-diem-dau-tu-hua-hen-nhat-nam-2020-132076.html