Doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì 'ngồi trên lửa'

Nếu áp dụng biện pháp tái xuất lô lúa mì nhiễm cỏ kế đồng, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại nặng

Tại hội thảo "Khó khăn của doanh nghiệp (DN) Việt khi nhập khẩu lúa mì" do Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM (FFA) tổ chức chiều 8-10, các DN trong ngành mong muốn cơ quan quản lý nhập khẩu đưa ra lộ trình dài hơn hoặc bỏ quy định buộc tái xuất lô lúa mì nhiễm cỏ kế đồng (Cirsium Arvense).

Do thay đổi nguồn nhập

Theo tìm hiểu của phóng viên, cỏ kế đồng là đối tượng kiểm dịch thực vật nhóm I, nhóm sinh vật gây hại có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật và sản phẩm thực vật, chưa có trên lãnh thổ của Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã phát hiện 1,2 triệu tấn lúa mì nhập khẩu từ Nga, Mỹ và Canada nhiễm cỏ kế đồng, chiếm khoảng 30% tổng lượng nhập khẩu lúa mì. Trước tình trạng số lô vi phạm tăng cao, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi cảnh báo đến các nước xuất khẩu và thông báo đến DN, yêu cầu khắc phục nhưng tình hình không cải thiện.

"Cục Bảo vệ thực vật đang báo cáo đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tạm ngừng nhập khẩu lúa mì từ các nước có nhiễm cỏ kế đồng để bảo vệ sản xuất trong nước. Khi phát hiện lô hàng vi phạm từ Việt Nam, các nước cũng áp dụng biện pháp tương tự để bảo vệ sản xuất trong nước" - lãnh đạo đơn vị này thông tin.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 3,98 triệu tấn lúa mì, trị giá 952 triệu USD, tăng 7,7% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Ba thị trường nhập khẩu lúa mì là Nga, Úc và Canada với thị phần lần lượt là 52,9%, 25,3% và 8,5%.

Thống kê này cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gia tăng vi phạm là do DN thay đổi nguồn nhập. Thị trường truyền thống là Úc, đáp ứng quy định lại giảm mạnh sản lượng (giảm 50%)

Ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang Agro chuyên nhập khẩu lúa mì, giải thích là do Úc hạn hán, mất mùa nên giá lúa mì tăng cao. "Nga đang tăng sản lượng lúa mì, Việt Nam lại được hưởng thuế 0% nên DN chuyển đổi thị trường. Tuy nhiên, tập quán của nhiều nước xuất khẩu lúa mì là thu hoạch bằng máy, chuyển vào kho, ra cảng mà không qua công đoạn vào nhà máy để sàng lọc như đối với lúa gạo Việt Nam nên còn lẫn cỏ. Khi về đến Việt Nam, DN có thể lọc cỏ và thực hiện tiêu hủy dưới sự giám sát của cơ quan chức năng để không phát tán ra môi trường" - ông Khánh nói.

Lúa mì nhập khẩu được xay xát làm bột mì dùng trong chế biến các loại thực phẩm quen thuộc của nguời dân. Ảnh: TẤN THẠNH

Có cẩn trọng quá?

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA, nếu đề xuất của Cục Bảo vệ thực vật được áp dụng sẽ gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ cho ngành chế biến lương thực thực phẩm mà cả xã hội. Bà Chi thông tin các DN nhập khẩu lúa mì nhận được thông báo từ ngày 1-11, nếu lô hàng bị phát hiện có chứa cỏ kế đồng sẽ bị buộc tái xuất trong khi trước đó vẫn được nhập nhưng bị giám sát chặt chẽ.

Bà Chi cho biết Việt Nam đã nhập khẩu lúa mì từ các thị trường chính là Mỹ, Canada, Úc, Nga… về xay xát phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu hàng chục năm qua. DN chỉ có thể chuyển sang mua hàng ở thị trường khác nếu nhà bán hàng ở những thị trường truyền thống không đáp ứng được yêu cầu loại bỏ cỏ trong sản phẩm. Mỹ là nơi cung cấp nguồn lúa mì chất lượng tốt, giá cạnh tranh. Nếu chuyển sang mua hàng từ nguồn khác có thể gặp rủi ro do không bảo đảm chất lượng và đội giá. "Các nước lân cận chúng ta như Thái Lan, Indonesia, Myanmar… cũng đang nhập lúa mì từ các thị trường này nhưng chính phủ họ không có quy định cấm nhập sản phẩm lẫn cỏ" - bà Chi thông tin thêm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, lý giải nguồn gốc của quy định này theo Cục Bảo vệ thực vật, là cỏ kế đồng khi phát tán ra môi trường sẽ gây hại tương tự như ốc bươu vàng. Tuy nhiên, bà Phong Lan đặt vấn đề cơ quan quản lý nông nghiệp có cần quá cẩn trọng như vậy không bởi nhập khẩu lúa mì đã diễn ra trong nhiều năm, nếu phát tán ra môi trường và gây hại thì đã xảy ra từ lâu chứ không đợi đến bây giờ.

TS Trần Duy Khanh, chuyên gia phản biện chính sách, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo doanh nhân APEC, nêu quan điểm "không quản được thì cấm" cho thấy năng lực quản lý còn yếu kém. Theo TS Khanh, Việt Nam không sản xuất được lúa mì nên phải nhập khẩu. Hiện 25% lượng nhập khẩu dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, còn lại dùng trong chế biến thực phẩm.

Do đó, TS Khanh kiến nghị ngành nông nghiệp chỉ nên cấm nhập lúa mì lẫn cỏ đối với những lô hàng nhập về làm giống, không cấm đối với sản phẩm nhập về chế biến. "Việc cấm nhập không chỉ ảnh hưởng đến DN nhập khẩu lúa mì mà còn tác động đến toàn xã hội. Đoàn chuyên gia từ Nga cũng sẽ sang Việt Nam làm việc về vấn đề này" - ông Khanh cho biết.

THANH NHÂN - NGỌC ÁNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/doanh-nghiep-nhap-khau-lua-mi-ngoi-tren-lua-20181008230956103.htm