Doanh nghiệp nhà nước tiếp cận công nghệ 4.0

Đổi mới sáng tạo là một quá trình thử thách, doanh nghiệp nhà nước có chấp nhận cuộc chơi, chấp nhận rủi ro?

Toàn cảnh hội thảo "Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp nhà nước trong công nghiệp 4.0: thực trạng và kiến nghị chính sách". Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Toàn cảnh hội thảo "Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp nhà nước trong công nghiệp 4.0: thực trạng và kiến nghị chính sách". Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 5/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo: "Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp nhà nước trong công nghiệp 4.0: Thực trạng và kiến nghị chính sách", nhằm tập trung đánh giá toàn diện về vai trò, sứ mệnh và chuẩn bị của doanh nghiệp nhà nước trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đề xuất mục tiêu và định hướng giải pháp cho giai đoạn tới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu cho biết, qua kết quả khảo sát, phỏng vấn, đánh giá, CIEM mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia về cách tiếp cận, phản ánh vấn đề đã đúng và đầy đủ chính xác các vấn đề đang diễn ra hay chưa? Do vậy, cần có sự trao đổi và bình luận theo nhiều góc độ, tiếp cận khác nhau.

Ông Trịnh Đức Chiều, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho biết, báo cáo đã đưa ra những mô hình của các nước đang ứng dụng và triển khai theo 2 cách tiếp cận về đổi mới sáng tạo: Đổi mới sáng tạo do nhà nước dẫn dắt và đổi mới sáng tạo theo mô hình hệ sinh thái. Bên cạnh đó, là cách đặt vấn đề cách tiếp cận công nghệ 4.0 cho doanh nghiệp nhà nước Việt Nam.

Bởi, quá trình đổi mới sáng tạo là một quá trình thử thách đúng - sai, các doanh nghiệp chủ động và dám chấp nhận rủi ro. Vì vậy, cũng đặt ra nhiều vấn đề cho doanh nghiệp nhà nước, như doanh nghiệp nhà nước có chấp nhận cuộc chơi, chấp nhận rủi ro, thua lỗ? Năng lực đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp nhà nước Việt Nam? Có cơ chế đầu tư, chính sách thúc đẩy đổi mới, sáng tạo?

Theo ông Chiều, trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ mở ra nhiều cơ hội đối với doanh nghiệp nhà nước như tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước: năng suất, cải thiện quản trị. Các ngành doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động, hưởng lợi lớn nhờ công nghệ; Tập đoàn, Tổng công ty quy mô lớn có lợi thế dẫn dắt thị trường; cải thiện quản lý của chủ sở hữu và thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội thì vẫn còn nhiều thách thức như: hiện, doanh nghiệp nhà nước Việt Nam có năng lực công nghệ, kỹ thuật cao hơn mức trung bình nhưng thấp hơn so với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn trên thế giới. Quản trị tại doanh nghiệp nhà nước Việt Nam chưa hiện đại, thiếu lao động trình độ cao, phù hợp với công nghệ mới. Đặc biệt, là thách thức trong chuyển đổi đa phần là doanh nghiệp nhà nước dưa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, vị trí độc quyền.

Về thực trạng chính sách đối với doanh nghiệp nhà nước trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đại diện CIEM cho rằng, Chính phủ Việt Nam ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2019. Theo đó, thứ hạng đổi mới sáng tạo được cải thiện nhưng thể chế chưa theo kịp. Xếp hạng chất lượng thể chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo còn thấp, chậm thay đổi, thậm chí thụt lùi. Lý giải nguyên nhân này, Báo cáo của CIEM cho rằng, vốn đầu tư thực sự dành cho nghiên cứu và phát triển không tăng nhiều và ở mức thấp ( 0,3-0,4% GDP), các mục tiêu đổi mới sáng tạo thiên về số lượng hơn là chất lượng.

Theo ông Phan Đức Hiếu, ngoài những thuận lợi về chính sách đối với doanh nghiệp nhà nước trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì vẫn còn nhiều bất cấp cập chính sách; trong đó, thiếu văn bản pháp lý, chính sách, chiến lược khoa học công nghệ đặt ra mục tiêu cụ thể, định lượng cho doanh nghiệp nhà nước.

“Ràng buộc cứng duy nhất đối với doanh nghiệp nhà nước là lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ bằng việc trích 3 - 10% của thu nhập tính thuế. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự được coi là một đối tượng quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chính sách chung về khoa học và công nghệ, đối tượng của doanh nghiệp nhà nước”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ngoài ra, hiện chưa có quy định, chính sách ràng buộc, hợp tác, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước – doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Thiếu cơ chế tài chính phù hợp để thực hiện đầu tư, phát triển; thiếu các giải pháp cụ thể để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo hướng thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ.

Theo khảo sát, đánh giá của báo cáo, đa số doanh nghiệp mới bắt đầu quá trình số hóa nhưng quan tâm và kỳ vọng cao về triển vọng 5 năm tới; trong đó, Viettel tuyên bố theo đuổi mục tiêu kiến tạo xã hội số. Cam kết với Chính phủ trở thành đơn vị tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Viettel sẽ dành 1.000 tỷ đồng cho quỹ đầu tư mạo hiểm để hợp tác với các công ty công nghệ, chung tay cùng Chính phủ kiến tạo xã hội số.

Cùng với đó, EVN cũng đang phấn đấu trở thành doanh nghiệp số trên nền tảng ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trở thành tập đoàn hàng đầu khu vực.

Tuy nhiên, CIEM cũng đã chỉ ra 6 thách thức trong quá trình số hóa: đó là sự hạn chế khả năng số hóa, cá nhân hóa các sản phẩm dịch vụ; chưa có cách tiếp cận hệ thống để biến dữ liệu thành giá trị; thiếu khả năng đặt giá linh hoạt theo khách hàng; thiếu trầm trọng các tài năng về IT, nguồn lực để thúc đẩy công nghiệp 4.0 hạn chế; thiếu hợp tác với bên ngoài.

Góp ý cho báo cáo, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia đã chỉ ra điểm hạn chế của nghiên cứu như đặc thù doanh nghiệp nhà nước liên quan quản trị bên trong, quyết định khả năng tương lai ứng dụng đến đâu chưa được chỉ rõ.

Ông Lê Hải Đăng, Trưởng ban Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, đến nay các mảng ứng dụng công nghệ 4.0 phân bổ tất cả các mảng hoạt động, ví dụ như blockchain trong thu tiền, trí tuệ nhân tạo trong tính toán tổn thất…

“Từ nhu cầu nội tại, nên EVN đã có những nghiên cứu trước đó để đáp ứng nhu cầu thực tế. Trong quá trình thực hiện, điều quan trọng nhất là cần có cơ chế thu hút người giỏi trong IT, nếu cơ chế tiền lương không thu hút được thì sẽ dẫn tới tình trạng chảy máu chất xám, bên ngoài có đãi ngộ hơn thì doanh nghiệp nhà nước khó đưa ra những cái đủ hấp dẫn tài chính cho người tài”, ông Lê Hải Đăng cho biết.

Do vậy, CIEM khuyến nghị 6 giải pháp chính để doanh nghiệp nhà nước phát triển công nghệ 4.0. Cụ thể, cần định vị rõ ràng vai trò, mục tiêu của doanh nghiệp nhà nước trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tái cơ cấu, cổ phần hóa mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước cả những ngành, lĩnh vực ưu tiên trong công nghệ; hiện đại hóa, số hóa quản trị, giám sát của chủ sở hữu nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước cải thiện khả năng vận hành số hóa; tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh và các giải pháp bổ trợ khác./.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-tiep-can-cong-nghe-4-0/139242.html