Doanh nghiệp nhà nước lo chảy máu chất xám

Hiện tượng chuyển dịch lao động có tay nghề cao hay còn gọi là chảy máu chất xám từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn. Cải thiện chính sách tiền lương được xem là giải pháp ngắn hạn cho vấn đề này.

Mới đây, đại diện Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2018, mức lương bình quân thực tế của phi công hãng này đạt hơn 130 triệu đồng/người/tháng, tăng 9% so với năm 2017, bằng khoảng 75% phi công nước ngoài. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp mới sẵn sàng bỏ ra khoản trả cao hơn để thu hút nguồn nhân lực của hãng. Đây là một thách thức rất lớn trong bối cảnh nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không đang rất thiếu.

Ông Nguyễn Nhật – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Mới đây chúng tôi nhận được đơn phản ánh của VNA về việc phi công của hãng chuyển sang đơn vị khác. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại nhưng đấy cũng là vấn đề cơ chế thị trường mà không cơ quan nhà nước nào có thể can thiệp được.

Tiền lương không chỉ có chức năng khuyến khích, động viên người lao động làm việc tích cực, có trách nhiệm, có chất lượng mà còn còn có chức năng điều tiết quan hệ cung – cầu về lao động trong nền kinh tế thị trường. Từ năm 1986, khi Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường song các quy định về tiền lương vẫn chưa có nhiều thay đổi. Đặc biệt với khu vực doanh nghiệp Nhà nước dù phần lớn đã cổ phần hóa, song cơ chế lương bổng vẫn bị trói buộc nhiều bởi các quy định của Nhà nước.

Ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam:

Trong bộ luật lao động cũng như các bộ luật chuyên ngành. Căn cứ vào những ngành nghề cụ thể để có quy định hợp lý đảm bảo cho các DN cạnh tranh bình đẳng trong MT nhưng các nguồn lực thì cần có sự đảm bảo ổn định lâu dài. Đối với VNA là công ty cổ phần mặc dù bản chất là hoạt động theo quy định của tổng cty nhà nước. Cho đến nay Bộ Lao động ủng hộ xây dựng cơ chế riêng, tổng quỹ lương vẫn có khoảng khống chế thì ngay cả có năng lực tài chính cũng ko linh hoạt được.

Một khảo sát mới đây cho thấy, xu hướng dịch chuyển nguồn nhân lực từ doanh nghiệp nhà nước sang khu vực tư nhân đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới hơn 50%. Các chuyên gia cho rằng, đây là quy luật tất yếu của thị trường lao động trong kinh tế thị trường. Cải thiện về lương chỉ là giải pháp ngắn hạn để khu vực nhà nước giữ chân lao động.

PGS.TS Trần Kim Chung – Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương: Tiền lương là vấn đề mà không có văn bản nào có thể giải quyết được bởi đây là vấn đề thị trường. Và đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn.

Các chuyên gia cho rằng, lương tuy quan trọng nhưng không phải yếu tố duy nhất dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám trong doanh nghiệp nhà nước. Đãi ngộ tốt không chỉ có lương cao mà phải có một môi trường làm việc ổn định, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, trân trọng ý kiến của người lao động. Có như vậy mới giữ chân được người tài và giúp họ phát huy được khả năng của mình, cống hiến tốt nhất cho doanh nghiệp./.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-lo-chay-mau-chat-xam