Doanh nghiệp Nhà nước giảm mạnh về số lượng nhưng chưa thay đổi về chất

Dù số lượng doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giảm mạnh, từ hơn 12.000 DN khi cao điểm nhất đến nay chỉ còn 718 DN, nhưng lượng vốn hóa lại rất thấp, mới chỉ đạt 2%. Điều này đồng nghĩa với việc chủ trương cổ phần hóa DNNN mới chỉ đạt về lượng, chưa thay đổi về chất.

Đây là vấn đề trọng yếu đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh trong Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016 – 2020.

Hiện còn 718 DNNN, hoạt động trên 19 lĩnh vực

Sự có mặt của hầu hết lãnh đạo Chính phủ, từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại bàn chủ tọa đã cho thấy mức độ quan tâm của lãnh đạo Nhà nước đối với vấn đề này.

Tại Hội nghị, ông Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng ban Thường trực Ban đổi mới DNNN cho biết: Sau 15 năm sắp xếp, DNNN đã giảm mạnh về số lượng, đặt biệt là những DN có quy mô nhỏ, DN kém hiệu quả, DN ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ.

Năm 2001, Nhà nước có khoảng 6000 DNNN, đến năm 2011 chỉ còn 1.369 DNNN, và đến hết tháng 10 năm 2016 chỉ còn 718 DNNN. Nếu thời điểm năm 2001, DNNN dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực thì đến nay chỉ còn tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực; đại đa số có quy mô vừa và lớn.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, mặc dù số lượng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong khu vực DN (khoảng 0,67%), nhưng DNNN vẫn nộp ngân sách đáng kể, đóng góp lớn nhất vào GDP (28,8% so với DN ngoài nhà nước là 11,8% và DN FDI là 17,9%). Tất nhiên, ở chiều ngược lại, DNNN cũng chiếm một lượng vốn lớn trong nền kinh tế: Tổng vốn chủ sở hữu tại DNNN hiện là 1,234 triệu tỷ đồng; Tổng tài sản là 3,105 triệu tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng lượng tài sản khổng lồ DNNN nắm giữ chưa phát huy hết được hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu góp ý thẳng thắn để CPH DNNN có hiệu quả

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu góp ý thẳng thắn để CPH DNNN có hiệu quả

Giai đoạn 2011 – 2015, thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN đã cơ bản không phát sinh các DN kinh doanh thu lỗ lớn, các dự án không hiệu quả, gây hậu quả nghiêm trọng như Vinashin (2010), giấy Phương Nam (2003), xơ sợi Đình Vũ (2007), các dự án nhiên liệu sinh học (2007), Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (2005)... Phần lớn DNNN sản xuất, kinh doanh có lãi, nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty có lợi nhuận trước thuế cao trên 2000 tỷ đồng như Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) 42.893 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) 45.046 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực (EVN) 4.595 tỷ đồng, SCIC là 8.584 tỷ đồng.

Một số DN có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao như Mobifone 53%, Hapro 44%, Viettel 40%... Một số DN nộp ngân sách cao bao gồm PVN 125.789 tỷ đồng, Viettel 24.808 tỷ đồng, EVN 15.012 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều DNNN hoạt động thua lỗ, đều là những cái tên “nổi tiếng” như Tổng Công ty hàng hải Việt Nam lỗ hơn 3.346 tỷ đồng; Tổng Công ty lương thực miền Nam lỗ gần 1.063 tỷ đồng, Tổng Công ty 15 – Bộ Quốc phòng lỗ hơn 718 tỷ đồng.

“Có những DN xác định giá trị chênh nhau đến 10.000 tỷ đồng”

Việc CPH được nhận định đã mang lại nhiều tác động tích cực: Các DN đã CPH hầu hết làm ăn có hiệu quả. Bộ Tài chính tổng hợp kết quả hoạt động của 350 DN sau CPH năm 2015 cho thấy so với trước khi CPH, lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp NS tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.

Sự ra đời của các công ty CPH tiếp tục làm tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường tài chính phát triển. Thông qua CPH, Nhà nước cũng có thêm nguồn thu cho đầu tư phát triển: Giai đoạn 2011 – 2015, CPH, thoái vốn NN đã thu về cho Nhà nước gần 78.000 tỷ đồng; DN có điều kiện để huy động các nguồn lực đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, ngươi lao động được quan tâm đảm bảo quyền lợi, việc làm; Nhà đầu tư có thêm cơ hội đầu tư vào DNNN, qua đó phân bổ hợp lý và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực Nhà nước theo cơ chế thị trường.

Dù đã xác định nhiều tác động tích cực, thì hiện việc CPH DNNN vẫn còn ách tắc, thể hiện ở lượng vốn Nhà nước nắm giữ vẫn chiếm đến 98% như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. “Nguyên nhân vì sao vốn hóa thấp như vậy? Đề nghị các đồng chí góp ý và trả lời thẳng thắn: Giải pháp nào để có thể thoái vốn và CPH DNNN trong thời gian tới một cách tốt nhất: đảm bảo lợi ích NN được tốt nhất, huy động được vốn xã hội tốt nhất?” – Thủ tướng đề nghị. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Vấn đề cốt lõi hiện nay là xác định lĩnh vực nào, DN nào Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn và cổ phần chi phối. “Quyết định phân loại DNNN đang ở trên tay tôi, tôi chưa ký. Vẫn còn nhiều vấn đề băn khoăn như các DN thủy nông Nhà nước có nên giữ 100% vốn không; Các Tổng Công ty lương thực bao giờ có thể CPH và Nhà nước cần nắm bao nhiêu %?”.

“Thứ hai cơ chế chính sách về CPH ban hành giai đoạn 2011- 2015 còn phù hợp không? Nhiều ý kiến cho rằng có nhiều chính sách không còn phù hợp nữa, vậy thì các đồng chí kiến nghị cụ thể đó là chính sách nào? Vấn đề nào mới đặt ra khi CPH DNNN có quy mô lớn? Ví dụ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, tư vấn xác định giá trị DN. Đồng chí Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa gọi điện báo, có DN sau khi xác định lại giá trị chênh nhau đến 10.000 tỷ đồng, có thực tế như vậy, nên cần nhấn mạnh việc xác định giá trị DN; vấn đề xử lý giá trị đất đai...”. Thủ tướng cũng nhấn mạnh “Đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ trong CPH, làm sao không thất thoát tài sản Nhà nước là câu hỏi lớn đặt ra đối với tất cả các nước Xã hội Chủ nghĩa trước đây trong quá tình CPH, cũng như đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay”.

Vũ Hân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thoi-su/doanh-nghiep-nha-nuoc-giam-manh-ve-so-luong-nhung-chua-thay-doi-ve-chat-420016/