Doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững

Tại Việt Nam, phát triển bền vững được xem là xu hướng mới mẻ và năm 2012 mới được đẩy mạnh thông qua các giải thưởng, cuộc thi báo cáo thường niên của các doanh nghiệp niêm yết.

Quang cảnh hội thảo.

Ngày 15/11, tại TP Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (Hose) đã tổ chức hội thảo Báo cáo bền vững doanh nghiệp và vai trò của khu vực tư nhân trong hiện thực các mục tiêu bền vững nhằm đánh giá và chia sẻ những kinh nghiệm và doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện trong thực tiễn.

Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Hose cho biết, Chính phủ Việt Nam đang áp dụng 17 mục tiêu phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế từ nay đến 2030. Cụ thể là xóa nghèo, xóa đói, sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc, giáo dục chất lượng, bình đẳng giới, nước sạch và vệ sinh, năng lượng sạch và giá cả hợp lý, tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững, công nghiệp – sáng tạo và hạ tầng, giảm bất bình đẳng, thành phố và cộng đồng bền vững, tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm, hành động bảo vệ khí hậu, cuộc sống dưới nước, cuộc sống trên mặt đất, hòa bình – công lý và thể chế vững mạnh, quan hệ đối tác toàn cầu.

Với 17 mục tiêu phát triển bền vững trên, trong các giải thưởng báo cáo thường niên của các doanh nghiệp niêm yết từng năm, Hose đã yêu cầu các doanh nghiệp làm báo cáo gắn với mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nhờ vậy, năm 2015, Hose trở thành đối tác sáng kiến phát triển bền vững toàn cầu vì đã tích cực trong việc triển khai các hoạt động một cách thực tế trên thị trường chứng khoán, như giải thưởng doanh nghiệp niêm yết (khuyến khích các doanh nghiệp báo cáo phát triển bền vững).

Đánh giá về giải thưởng báo cáo phát triển bền vững năm 2018, ông Nguyễn Viết Thịnh, Trưởng ban Nhóm chấm giải thưởng báo cáo phát triển bền vững, Tổng giám đốc VIOD, Phó Chủ tịch UB Hội viên ACCA Việt Nam cho biết số lượng doanh nghiệp niêm yết tham gia có tăng cả về số lẫn chất lượng, Nhất là số báo cáo phát triển bền vững độc lập gia tăng lên 11 doanh nghiệp, trong khi năm ngoái chỉ 6 doanh nghiệp. Đáng chú ý, các doanh nghiệp có báo cáo thuộc top 10 và 20 phần lớn đều áp dụng các tiêu chuẩn công bố thông tin cao hơn hơn so với quy định.

Một xu hướng mới năm nay là việc gắn kết các hoạt động phát triển bền vững của công ty, doanh nghiệp với các mục tiêu về phát triển bền vững Liên hợp quốc (SDG) cũng tăng; tính tin cậy của các báo cáo thông qua cơ chế quản trị nội bộ cũng như bảo đảm từ bên ngoài cũng tăng. Không chỉ thế, các “gương mặt cũ” tham gia Báo cáo thường niên và luôn duy trì chất lượng báo cáo tốt qua các năm chiếm khoảng 70%. Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã có ý thức rất rõ về mục tiêu phát triển bền vững.

Bàn thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 17 mục tiêu phát triển bền vững không chỉ được thực hiện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà Chính phủ còn lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều giai đoạn qua và những giai đoạn tới đây.

Hải Yên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-ngay-cang-quan-tam-den-phat-trien-ben-vung-20181115122016670.htm