Doanh nghiệp ngành hóa mỹ phẩm: 'Bắt tay' để tồn tại

Ngành hóa mỹ phẩm Việt Nam đang ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài 'nhảy vào' thông qua M&A khiến cho cuộc chơi trong ngành này đang nghiêng về doanh nghiệp ngoại.

Theo báo cáo từ Nielsen, ngành hóa mỹ phẩm Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm, với doanh thu mang về hàng năm khoảng 15 nghìn tỷ đồng. Như vậy dư địa thị trường là rất lớn so với chi tiêu của người Việt Nam cho mỹ phẩm, mới chỉ bằng 1/5 so với mức người tiêu dùng của Thái Lan.

Doanh nghiệp ngoại đang lấn lướt

Ngành hóa mỹ phẩm Việt Nam đang nằm trong tay doanh nghiệp ngoại

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt đang đứng ngoài cuộc chơi này khi có đến 90 – 95% thị phần mỹ phẩm ở Việt Nam đang do các công ty ngoại nắm giữ, trong đó phải kể đến các thương hiệu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu.

Mới đây nhất phải kể đến câu chuyện “thầm lặng” của một bên là công ty Ngữ Á Châu, chủ thương hiệu Kanac – một trong những công ty hàng đầu trong ngành mỹ phẩm hóa chất tóc ở Việt Nam và một bên là Takara Belmont, tập đoàn công nghiệp làm đẹp nổi tiếng ở Nhật. Thương vụ sáp nhập này trị giá 900 triệu JPY, tương đương khoảng 181 tỷ đồng để đầu tư và sở hữu 97% vốn tại Công ty Ngữ Á Châu. Như vậy có thể thấy, doanh nghiệp này gần như bị “bán đứt” về tay nhà đầu tư Nhật Bản.

Việc Tập đoàn Takara Belmont thâu tóm Công ty Ngữ Á Châu được cho là bước ngắn nhất giúp doanh nghiệp đến từ Nhật Bản này nhanh chóng bước chân vào ngành hóa mỹ phẩm tóc của Việt Nam. Bởi Công ty Ngữ Á Châu đã xây dựng được mạng lưới phân phối với khoảng 60 đại lý và bán hàng trên toàn quốc, tiếp cận được khoảng 35 nghìn salon tóc.

Vì vậy, trước khi bán “đứa con” này, ông Nguyễn Văn Ngữ - đại diện Công ty Ngữ Á Châu đã từng đắn đo. Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế ngành nghề, ông Ngữ hiểu, đây là cuộc chơi khốc liệt và Công ty Ngữ Á Châu có thể bị đánh bại bất cứ lúc nào, từ các đối thủ ngoại đang ngày càng hoạt động mạnh trong lĩnh vực này.

Bắt tay thay đối đầu

Minh chứng cho điều này, phải kể đến ICP đã bán lại cho Marico dù đã trải qua chặng đường phát triển mạnh mẽ với thương hiệu X-Men. Hay những công ty mỹ phẩm của Việt Nam, như Lan Hảo với thương hiệu Thorakao, Mỹ phẩm Sài Gòn với nước hoa Miss Sài Gòn dù quyết trụ lại thị trường nhưng rất chật vật tìm chỗ đứng. Chẳng hạn, sản phẩm Thorakao đang sống dựa vào thị trường nông thôn với lợi thế giá rẻ.

Ngoài ra, hãng này còn tìm thị trường ngách riêng bằng cách tập trung vào sản phẩm từ thiên nhiên cây cỏ như lô hội, sả, nghệ, bưởi, bồ kết... Hay những tên tuổi mới gia nhập thị trường mỹ phẩm sau này như Sao Thái Dương với thương hiệu Thái Dương, Tây Thi; Hoa Thiên Phú với thương hiệu Sắc Ngọc Khang cũng chủ yếu sản xuất các hóa mỹ phẩm hữu cơ để tránh đối đầu trực diện với các đối thủ ngoại.

Ông Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Phát triển Kinh doanh Tập đoàn Phú Thái cho biết: “Kinh nghiệm của chúng tôi là tránh sự đối đầu, thay vì đối đầu chúng tôi sẽ bắt tay với những doanh nghiệp quốc tế trong hàng đầu trong lĩnh vực này. Như vậy, khi các doanh nghiệp bắt tay hợp tác sẽ tận dụng được những lợi thế và sức mạnh của nhau để cũng phát triển”.

Như vậy, trong câu chuyện của Công ty Ngữ Á Châu, thì đây là lựa chọn hợp lý để hai bên cùng có lợi khi những doanh nghiệp Việt đang “vấp” phải những khó khăn về công nghệ và tạo ra được sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận.

Ngọc Hà

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/doanh-nghiep-nganh-hoa-my-pham-bat-tay-de-ton-tai-126490.html