Doanh nghiệp ngành giấy với 'bài toán' nguyên liệu

Dù sản xuất của ngành giấy dự kiến đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt trên 1 tỷ USD vào năm 2018 nhưng nhiều doanh nghiệp giấy vẫn đang loay hoay trong 'bài toán' thiếu nguyên liệu sản xuất.

Chỉ thu gom 40% nguyên liệu trong nước

Theo số liệu Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam ước tính sơ bộ, 70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu, trong đó chỉ gần 40% được thu gom trong nước trước khi đưa vào phân loại và xử lý, còn lại phải nhập khẩu. Trong khi đó, theo dự báo, nhu cầu giấy của Việt Nam trong thời gian tới có mức tăng trưởng 8-10%/năm, trong đó nhu cầu giấy bao bì tăng khoảng 15%/năm. Điều này do xu hướng sử dụng giấy bao bì để thay thế cho các loại bao bì đang tăng cao.

Theo dự kiến, sản xuất của ngành giấy sẽ đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên có một thực tế, hiện nay, nguồn cung giấy phế liệu trong nước không thể đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn nhằm phục vụ cho sản xuất trong nước. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất, hằng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gần 2 triệu tấn giấy.

Lý giải vấn đề này, tại Hội thảo Giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam, ông Phan Chí Dũng - nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nhẹ (Bộ Công Thương) cho rằng: "70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu. Trong đó chỉ gần 40% thu gom trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Đối với các doanh nghiệp tái chế giấy chuyên nghiệp, có năng lực tái chế tốt như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, họ rất cần nguồn nguyên liệu giấy và rõ ràng nhập khẩu là một giải pháp bắt buộc trong bối cảnh trong nước không đủ nguyên liệu sản xuất”.

Hội thảo Giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam

Còn theo ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến, ngành giấy Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng nhanh, không phải ở thời điểm này mà đã tăng trưởng từ cách đây mấy năm, sự tăng trưởng này sẽ còn kéo dài 10-15 năm nữa. Đến năm 2025, riêng ngành giấy bao bì, nhu cầu sẽ là trên 10 triệu tấn và khả năng sản xuất của Việt Nam cũng đạt trên 10 triệu. Do đó, nhu cầu về giấy thu hồi đối với ngành giấy Việt Nam trong những năm tới sẽ rất lớn và sẽ phát triển rất nhanh. Theo số liệu của Hiệp hội, đến 2025, Việt Nam có thể phải nhập khẩu 9 triệu tấn giấy thu hồi, đây không phải là con số nhỏ.

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Do nhu cầu sản xuất, nên việc sử dụng phế liệu làm nguyên liệu cho ngành giấy là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc sử dụng phế liệu hay bất cứ nguồn nguyên liệu nào khác, nhập khẩu hay thu mua trong nước để sản xuất đêùtiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không có biện pháp quản lý tốt. Thậm chí, nhiều người quan ngại việc nhập khẩu phế liệu có thể biến Việt Nam trở thành bãi rác.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm từ nhiều quốc gia phát triển, ông Hoàng Trung Sơn khẳng định, ở những nước như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc... tái chế giấy phế liệu đã và đang trở thành xu hướng, thậm chí còn là ngành công nghiệp xanh góp phần bảo vệ môi trường. Hoạt động tái chế giấy trở thành hoạt động kinh doanh từ khâu thu gom tại nguồn phát sinh đến khâu xử lý và tiêu hủy cuối cùng, nên tạo ra nhiều giá trị kinh tế. Do vậy, không nên coi giấy thu hồi là phế liệu mà là nguồn nguyên liệu cho ngành sản xuất. Đồng thời, muốn gia tăng hiệu quả trong hoạt động sản xuất giấy và thu gom, xử lý, tái chế giấy phế liệu cần tăng cường hậu kiểm tại các nhà máy sản xuất như cách làm của các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Ấn Độ... đang thực hiện.

Doanh nghiệp ngành giấy vẫn thiếu nguyên liệu sản xuất.

Trao đổi thêm về vấn đề pháp lý để ngành giấy phát triển, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, Việt Nam cần tham khảo chính sách quản lý nhập khẩu giấy phế liệu của các nước khác, đối chiếu với tình hình phát triển kinh tế và nhu cầu tại Việt Nam để đưa ra được chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc các cơ quan Nhà nước có liên quan tham vấn các doanh nghiệp để có quan điểm khách quan hơn nhằm dần hình thành và hoàn thiện khung khổ pháp lý này là hoàn toàn cần thiết.

Cùng với đó nhiều doanh nghiệp ngành giấy kiến nghị cần sớm xây dựng quy phạm pháp luật hướng tới mục tiêu tạo điều kiện cho ngành giấy phát triển. Bên cạnh đó, cần tính toán cân đối với sự phát triển kinh tế trong thời điểm hiện tại của Việt Nam để đưa ra định hướng chính sách phù hợp, đặc biệt là cân nhắc lộ trình áp dụng chính sách. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý phế liệu tránh trường hợp một số doanh nghiệp lợi dụng những kẽ hở trong quản lý nhập khẩu phế liệu cho sản xuất để nhập “rác” vào Việt Nam, gây ô nhiễm môi trường.

Đông Nghi

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/doanh-nghiep-nganh-giay-voi-bai-toan-nguyen-lieu-3814.html