Doanh nghiệp nên quan tâm, tạo sản phẩm khác biệt

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kinh doanh doanh nghiệp hiện nay, hàng hóa của Trung Quốc với giá rẻ đang tràn ngập các thị trường trên thế giới, gây lo ngại cho các doanh nghiệp bán lẻ ở Việt Nam cũng như các nước khác như Hoa Kỳ và Châu Âu.

Nguyên nhân là do sản lượng sản xuất dư thừa ở Trung Quốc, trong khi sức mua của người dân giảm sút sau đại dịch Covid-19. Và mặc dù hàng Trung Quốc có giá rẻ, nhưng chất lượng đang có những bước tiến rõ rệt và không thể coi là kém chất lượng. Bởi vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đang lo ngại về sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc trên thị trường trong nước.

Thực tế, những thương hiệu bán lẻ lớn như Amazon ở Hoa Kỳ cũng đang gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Để ứng phó, Amazon đã phải mở ra một công ty bán hàng giá rẻ để cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tìm kiếm các giải pháp để tồn tại và phát triển trong bối cảnh này.

Nói về chiến lược để đưa doanh nghiệp vững bước vươn lên trong nền kinh tế xanh, kinh tế số, hướng đến sự phát triển bền vững cũng như những định hướng nâng tầm lên những giá trị lớn hơn trong đời sống kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho biết, lâu nay Vinamit coi trọng việc nghiên cứu sâu về trồng trọt để có nguyên liệu tốt, từ đó tạo ra các sản phẩm hữu cơ tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Tới đây, Vinamit sẽ thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển, tập hợp các nhà khoa học để nghiên cứu, phát triển các giống cây trồng mới, chữa bệnh cho cây trồng, nhằm cung cấp nguyên liệu tốt cho chế biến. Đây sẽ là những sản phẩm có ý nghĩa “chữa lành” mang lại lợi ích tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. “Đây là chiến lược lâu dài, hướng tới việc cải thiện văn hóa, đời sống và nâng cao chất lượng cuộc sống mà Vinamit đề ra”, ông Viên khẳng định.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Thiện, Chủ tịch Công ty TNHH Cỏ May Sa Đéc (Đồng Tháp) cho biết, thay vì bán hàng, công ty sẽ hợp tác với các đối tác để cùng chia sẻ lợi ích và tránh rủi ro theo một cách hoàn toàn mới. Tại Cỏ May chúng tôi hiện nay sẽ không có phần thương mại truyền thống như bán hàng, mà sẽ hợp tác toàn diện với các đối tác. Có nghĩa là trong quá trình hợp tác, công ty sẽ hỗ trợ các đối tác về con giống, giá cá và các rủi ro khác để đảm bảo họ ổn định trong sản xuất. Công ty hiện nay duy trì một “quỹ bình ổn” để hỗ trợ kịp thời cho các đối tác sản xuất.

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp đã đạt tiêu chuẩn OCOP, có mã vạch, có tem truy xuất nguồn gốc… đầy đủ uy tín để đẩy sản phẩm lên kệ hàng. Nhưng ngoài việc sản phẩm đã có mặt tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm lớn, siêu thị, như Annam Gourmet, lên sàn thương mại điện tử Shopee, Foodmap, bán trên kênh Tiktok… doanh nghiệp vẫn phải trực tiếp tham gia các buổi livestream với KOL để đưa thông tin tới từng ngóc ngách thị trường.

Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực duy trì và cải thiện chất lượng sản phẩm, vì dù giá rẻ, khách hàng vẫn coi trọng chất lượng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm cách giảm chi phí quản lý, nguyên liệu và logistics.

“Bên cạnh đó, cần tận dụng lợi thế địa phương, tập trung vào sản phẩm địa phương, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, thực phẩm, vì đây là lĩnh vực mà hàng Trung Quốc khó có thể cạnh tranh. Cùng với đó là không ngừng sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm để tạo ra sự khác biệt”, bà Hạnh khẳng định.

Minh Lâm

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-nen-quan-tam-tao-san-pham-khac-biet-160475.html