Doanh nghiệp nên lựa trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp

Doanh nghiệp (DN) nên chủ động làm việc với đội ngũ tư vấn pháp lý giỏi, nắm vững pháp luật quốc tế, lựa chọn các trung tâm trong tại thương mại tại Việt Nam khi có tranh chấp xảy ra. DN nên sử dụng phương thức hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp vì điều đó giúp các bên vừa giải quyết tranh chấp phát sinh, vừa có thể duy trì quan hệ đối tác.

Số vụ tranh chấp ngày càng tăng

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Hội trọng tài thương mại TP. Hồ Chí Minh, dịch bệnh xảy ra kéo theo hàng loạt khó khăn cho DN cũng như người lao động. Các vụ tranh chấp thương mại liên quan đến một số lĩnh vực như lao động, đầu tư, xây dựng, du lịch... cũng nhiều hơn.

 DN nên giải quyết tranh chấp phát sinh ngoài tòa để có thể duy trì quan hệ đối tác (Ảnh minh họa)

DN nên giải quyết tranh chấp phát sinh ngoài tòa để có thể duy trì quan hệ đối tác (Ảnh minh họa)

Đánh giá của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng cho thấy, trong những năm gần đây, các vụ tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của DN được giải quyết tại VIAC đang ngày càng gia tăng. Chỉ riêng trong giai đoạn 2011- 2019, VIAC đã giải quyết 1.259 vụ tranh chấp, tăng 336% so với giai đoạn 2003 - 2010.

Lĩnh vực tranh chấp nhiều nhất trong thời gian qua cũng đang có sự dịch chuyển nhất định. Nếu như trong giai đoạn đầu hoạt động của VIAC, gần như 100% tranh chấp được xử lý đều là các hợp đồng mua bán hàng hóa, trong đó 90% tranh chấp có yếu tố nước ngoài, thì nay tranh chấp mua bán hàng hóa đã giảm đi chỉ còn khoảng 40%. Tuy nhiên, thay vào đó, tranh chấp thương mại gia tăng ở một số lĩnh vực khác như xây dựng, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng. Các tranh chấp được xử lý tại VIAC diễn ra giữa các đối tác, DN đến từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và 53/63 tỉnh thành. Những quốc gia có đầu tư tại Việt Nam lớn nhất cũng là những nơi có nhiều vụ tranh chấp thương mại nhất.

Bên cạnh đó, VIAC cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp, đảm bảo tiêu chí linh hoạt và thuận tiện của trọng tài như việc tổ chức các phiên họp qua hình thức trực tuyến, teleconference, video conference, giúp các bên tranh chấp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại khi giải quyết tranh chấp tại trọng tài. Chất lượng giải quyết tranh chấp ngày càng được cải thiện. Các trọng tài viên được tập huấn và trao đổi kinh nghiệm giải quyết tranh chấp. Quy trình giải quyết tranh chấp ngày càng được cải tiến và hoàn thiện, thời gian giải quyết tranh chấp được rút ngắn.

Doanh nghiệp nên chọn phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa

Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đến nay qua 10 năm áp dụng Luật Trọng tài thương mại (TTTM) cho thấy Luật đã góp phần thúc đẩy hoạt động trọng tài phát triển và hoạt động trọng tài ngày càng được cộng đồng quan tâm nhất là DN. Số vụ tranh chấp giải quyết tại trọng tài cũng có sự gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, thực tế áp dụng luật TTTM đến nay đã bộc lộ một số hạn chế cần được tiếp tục hoàn thiện, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập vào hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) với tiêu chuẩn cao.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả của hoạt động TTTM khi giải quyết các tranh chấp phát sinh trong kinh doanh, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là cộng đồng DN. Phát triển thị trường dịch vụ trọng tài, kết hợp vai trò giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Nâng cao năng lực của trọng tài viên về kỹ năng giải quyết tranh chấp. Đẩy mạnh sự giám sát đối với việc hủy quyết định trọng tài, công nhận và thi hành phán quyết trọng tài...

Trong bối cảnh thực thi các cam kết hội nhập sâu rộng cần chú trọng hoạt động đào tạo về hòa giải và cấp chứng chỉ. Thành lập Viện hòa giải quốc tế Việt Nam nhằm chuẩn hóa các hoạt động đào tạo về hòa giải tại Việt Nam, hợp tác liên thông với các tổ chức quốc tế về đào tạo hòa giải nhằm cung cấp một hạ tầng cơ sở chung, liên thông với quốc tế.

Về phía DN cần chủ động cập nhật những kiến thức pháp lý cần thiết khi giải quyết các tranh chấp phát sinh trong kinh doanh. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, DN cần theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện hợp đồng và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo cam kết trong hợp đồng… Khi có tranh chấp phát sinh cần thực hiện các phương thức giải quyết tranh chấp, bất đồng theo đúng quy định trong hợp đồng.

Theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, khi có tranh chấp, DN nên sử dụng phương thức hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp vì điều đó giúp các bên vừa giải quyết tranh chấp phát sinh, vừa có thể duy trì quan hệ đối tác.

Ngọc Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-nen-lua-trong-tai-thuong-mai-de-giai-quyet-tranh-chap-147071.html