Doanh nghiệp Mỹ và cái giá phải trả vì chính sách về Iran của Trump

Những doanh nghiệp lớn của Mỹ đang tính cách rút khỏi Iran trước khi Tổng thống Donald Trump ban hành lệnh trừng phạt.

Quyết định rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran tháng trước cộng với việc tái ban hành lệnh trừng phạt lên ngành công nghiệp dầu mỏ của quốc gia này cho thấy doanh nghiệp Mỹ sẽ rất tức giận với chính quyền nếu họ buộc phải dừng hoạt động ở Iran.

Thỏa thuận hạt nhân mang tính lịch sử giữa chính quyền Obama và Iran năm 2015 đã tạo điều kiện cho nhiều công ty Mỹ như General Electric, Honeywell, Dover... bán trang thiết bị trị giá hàng chục triệu USD cho ngành công nghiệp đang già cỗi của Iran. Thông qua điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, các công ty Mỹ được cấp phép hoạt động tại Iran với hình thức công ty có chi nhánh nước ngoài.

Chẳng hạn như GE đã tạo ra được 25 triệu USD doanh thu khi hoạt động tại Iran từ năm 2016 giữa công ty mẹ và chi nhánh Baker Hughes. Khoản doanh thu đó đã bao gồm các hợp đồng bôi trơn nhằm bán máy móc thiết bị cho các nhà máy lọc dầu và khí gas của Iran.

Thế nhưng những giao dịch này sẽ chỉ là dĩ vãng sau ngày 4/11 tới, là thời điểm lệnh tái trừng phạt Iran dự kiến có hiệu lực.

Tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ đã ra thông báo hướng dẫn những bên đã tham gia vào những thỏa thuận làm ăn với Iran phải “thực hiện các bước cần thiết để chấm dứt các hoạt động kinh doanh nói trên” để “tránh bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt hoặc bị rủi ro pháp lý của luật pháp Mỹ".

Một người thạo tin đã cho CNN Money biết GE dự định chấm dứt hoạt động tại Iran trước ngày 4/11. Gần đây họ cũng đã đóng cửa văn phòng chỉ có 3 người tại Tehran.

“Chúng tôi đang điều chỉnh hoạt động kinh doanh tại Iran cho phù hợp với thay đổi mới của luật pháp Mỹ", trích một thông báo của GE.

GE hiện có 2 nhánh hoạt động tại Iran: GE Power và Baker Hughes. GE Power đang chật vật với hoạt động chế tạo thiết bị cho nhà máy. Baker Hughes gần đây mới sáp nhập với nhánh kinh doanh dầu và khí gas của GE.

GE cũng đã đặt 10 đơn hàng sản xuất thiết bị trong quý 1 để hỗ trợ nhà máy gas ở Iran. Ngoài ra, GE Power cũng đồng ý bán các loại rơ-le bảo vệ cho một nhà máy lọc dầu Iran cũng như máy ép và thiết bị khác cho một công ty hóa dầu địa phương.

“Các hoạt động của GE tới hiện tại đều bị giới hạn và tuân thủ theo luật liên bang”, đại diện công ty cho hay.

Honeywell, nhà sản xuất thiết bị cảm biến nhiệt, động cơ máy bay và hàng chục sản phẩm khác, cũng có dấu hiệu sẽ sớm rút khỏi Iran.

Theo một thông báo của Honeywell, họ vẫn sẽ tiếp tục hoạt động trong phạm vi luật pháp Mỹ và quốc tế.

Doanh thu năm ngoái của Honeywell đạt khoảng 58 triệu USD từ hoạt động dịch vụ và sản xuất tại Iran, cụ thể là trong ngành hóa dầu, khí gas và dầu mỏ.

Boeing cũng là một hãng hứng chịu hậu quả của lệnh trừng phạt Iran. Ông lớn trong ngành sản xuất máy bay dự kiến cũng mất hàng tỷ USD doanh thu trong thương vụ bán 110 máy bay cho Iran Air và Iran Aseman Airlines. Đại diện phía công ty này chưa có bình luận.

Dover, công ty chuyên sản xuất máy bơm nước, máy nén và các loại máy khác, cho biết họ dự kiến số tiền thu được từ việc bán thiết bị cho Iran vào khoảng 14 triệu USD.

Trong một thông cáo, Dover cho biết các chi nhánh nước ngoài của họ đang bán sản phẩm ở Iran thông qua các hợp đồng miễn trừ mà chính quyền Trump đã thông báo kế hoạch rút lại. “Để tuân thủ nghiêm túc chương trình trừng phạt của Mỹ, những chi nhánh nước ngoài này sẽ ngừng sản xuất hoặc kinh doanh tại Iran ngay khi có quyết định thu hồi”, theo báo cáo của Dover.

Chubb, một trong những tập đoàn bảo hiểm lớn nhất, không chính thức hiện diện ở Iran nhưng họ lại đang cung cấp bảo hiểm cho vài khách hàng trong lĩnh vực hàng hải từng vận chuyển dầu và các loại sản phẩm khác tới Iran. Chubb cho biết họ cũng sẽ đảm bảo việc tuân thủ với lệnh trừng phạt lên Iran.

Tiểu Long/ Theo CNN Money

Nguồn NDH: http://ndh.vn/doanh-nghiep-my-va-cai-gia-phai-tra-vi-chinh-sach-ve-iran-cua-trump-20180611084151475p145c151.news