Doanh nghiệp Mỹ hối thúc chính quyền giảm lệnh cấm lên Huawei

Một loạt các công ty, tập đoàn chuyên sản xuất thiết bị vi xử lý tại Mỹ đang hối thúc chính quyền tổng thống Donald Trump giảm bớt lệnh trừng phạt lên hãng công nghệ Trung Quốc - Huawei.

Theo đó, yêu cầu trên được đưa ra thông qua đại diện là Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) để đưa ra tham vấn với chính quyền tổng thống Donald Trump liên quan đến những tác động mà lệnh trừng phạt đối với Huawei có thể gây ra. Những yêu cầu này ghi nhận có tên 2 tập đoàn hàng đầu của nước này là Qualcomm và Intel.

Doanh nghiệp Mỹ hối thúc chính quyền giảm lệnh cấm lên Huawei

Doanh nghiệp Mỹ hối thúc chính quyền giảm lệnh cấm lên Huawei

Theo lý giải được các hãng sản xuất chíp đưa ra, những thiết bị như điện thoại thông minh hay máy chủ của Huawei thực tế đều sử dụng các linh kiện, bộ phận công nghệ sẵn có. Điều này không thể gây ra mối nguy cơ về bảo mật như chính phủ Mỹ đang lo ngại giống như các thiết bị mạng của Huawei. Bởi vậy, những công nghệ không mang tới mối nguy hại về an ninh quốc gia thì không nên đưa vào lệnh cấm.

Trước khi lệnh trừng phạt được chính phủ Mỹ đưa ra đối với Huawei vào tháng 5 vừa qua. Intel được biết đến là nhà cung cấp chip lớn nhất cho các máy chủ của Huawei. Trong khi đó, Qualcomm cung cấp cho hãng công nghệ Trung Quốc các bộ xử lý và modem trên nhiều mẫu smartphone. Xilinx cung cấp chíp lập trình sử dụng trong thiết bị viễn thông và Broadcom cung cấp chip chuyển mạch, một linh kiện rất quan trọng.

Trước đó, Google cũng từng lên tiếng cảnh báo về lệnh cấm đối với Huawei có thể gây ra những tác động rất xấu tới an ninh quốc gia.

Theo lập luận của các thành viên cao cấp Google, vì không thể cập nhật hệ điều hành Android trên các sản phẩm của mình, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc có thể sẽ tự phát triển hệ điều hành riêng.

Theo đó, khi Huawei sử dụng phiên bản Android tùy biến từ dự án mã nguồn mở, nền tảng mới trên các điện thoại của Huawei sẽ mất các dịch vụ của Google như Google Play và công cụ Google Play Protect - vốn tự động quét phần mềm độc hại và các mối đe dọa bảo mật.

Đó là chưa kể tới các phần mềm độc hại bên trong thiết bị Huawei có khả năng lấy được những thông tin nhạy cảm này.

Một khi điện thoại Huawei bị nhiễm phần mềm độc hại, người dùng điện thoại Huawei ở Mỹ dễ bị lộ thông tin nhạy cảm.

B.C (t/h)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-nghe/doanh-nghiep-my-hoi-thuc-chinh-quyen-giam-lenh-cam-len-huawei-549499/