Doanh nghiệp Mỹ đua nhau vay tiền trong thập kỷ lãi suất siêu thấp vừa qua

Đáng lo là tỷ lệ cấp tín dụng cho các đối tượng không đạt chuẩn đang tăng chóng mặt.

Ảnh: LiveMint

Nếu thoạt nhìn qua, người ta dễ có cảm giác rằng quả bom nợ 9 nghìn tỷ USD chuẩn bị phát nổ, khối nợ doanh nghiệp ngày một tăng chóng mặt khi điều kiện cho vay trở nên dễ dãi và giới đầu tư luôn khao khát sản phẩm đầu tư kiểu này.

Trên phố Wall, người ta vẫn tin rằng vấn đề có thể giải quyết được, ít nhất trong vòng khoảng 2 năm tới.

Thị trường tài chính đang cần đến vô cùng nhiều giải pháp. Thị trường chứng khoán đi xuống, chênh lệch lợi suất tín dụng tăng lên, người ta không khỏi lo ngại việc lãi suất các khoản nợ tăng cao sẽ gây sức ép lên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Hiện tại, giới chuyên gia đang dự báo về hai kịch bản: kịch bản tốt khi mà doanh nghiệp có thể giải quyết được vấn đề nợ nần của họ nếu kinh tế bình ổn và lãi suất được kiềm chế; kịch bản khác là khi kinh tế suy giảm mạnh, lãi suất không ngừng tăng lên và vì vậy doanh nghiệp không thể đảo nợ được nữa.

Hiện cũng đang có những lo ngại về xu thế trái phiếu của nhiều công ty đang thuộc nhóm đầu tư nhưng sau đó mất đi vị thế của mình rồi trở thành rác, rủi ro vỡ nợ vì thế tăng cao hơn. Ngoài ra cũng có cả kịch bản Mỹ vẫn tiếp tục vượt trội so với phần còn lại của thế giới, các vấn đề của nợ doanh nghiệp chỉ giới hạ trong nhóm doanh nghiệp nước ngoài và một số công ty đặc thù vốn không có khả năng ảnh hưởng đến hệ thống.

Trong thập kỷ qua, các doanh nghiệp đã không ngừng tận dụng lợi thế lãi suất thấp để phát triển công việc kinh doanh.

Tổng nợ doanh nghiệp tăng từ gần 4,9 nghìn tỷ USD vào năm 2007 khi thời kỳ Đại Suy thoái chuẩn bị bắt đầu lên đến mức 9,1 nghìn tỷ USD vào giữa năm 2018, mức tăng đạt 86%. Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tăng trưởng tốt.

Fitch Ratings dự báo tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu của năm 2019 sẽ thấp nhất tính từ năm 2013, tỷ lệ các khoản vay thấp nhất tính từ năm 2011. Chính vì vậy, rủi ro hệ thống chưa cao.

Chuyên gia kinh tế toàn cầu tại Capital Economics, ông Simon Macadam, chỉ ra các khoản vay được phát hành cho đối tượng vốn đã nợ nần khá nhiều từ trước, tiềm ẩn rủi ro không hề nhỏ. Trong thư gửi khách hàng, ông nhấn mạnh: “Đáng lo nhất là khi tiêu chuẩn cho vay giảm đi. Tại Mỹ, tỷ lệ các khoản vay cấp mà không đòi hỏi gì về điều kiện tài chính của bên đi vay đang tăng lên nhanh chóng từ 25% lên 80% ở hiện tại”.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/doanh-nghiep-my-dua-nhau-vay-tien-trong-thap-ky-lai-suat-sieu-thap-vua-qua-3481489.html