'Doanh nghiệp muốn xuất ngoại, lãnh đạo phải dấn thân, dám nghĩ dám làm'

Xuất ngoại là xu hướng không mới đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa đang tác động mạnh mẽ như hiện nay. Tuy nhiên, cần hiểu rằng đây không phải trào lưu, xuất ngoại là cuộc chơi nghiêm túc mà ở đó, những 'tay chơi' (dù lớn hay nhỏ) phải quyết liệt, hiểu luật, có khả năng nhìn nhận cơ hội và thách thức sẽ có lợi thế thành công.

Trong năm 2017, nền kinh tế Việt Nam tạo được điểm sáng ấn tượng với mức tăng trưởng 6,8%. Tốc độ phát triển kinh tế nổi bật này cho thấy thực tế cạnh tranh giành thị phần ngày càng sôi nổi của nhiều doanh nghiệp trên các lĩnh vực.

Trước bối cảnh đó, mở rộng thị trường sang nước ngoài được nhiều chủ doanh nghiệp Việt Nam đánh giá là hướng đi đầy kỳ vọng mang đến nhiều tiềm năng phát triển mới mẻ.

Bước vào một sân chơi ngoại, đâu là những cơ hội và thách thức dành riêng cho cộng đồng doanh nghiệp đến từ một quốc gia đang trên đà phát triển như Việt Nam? Câu trả lời đã được nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước chia sẻ tại hội thảo “Trở thành doanh nghiệp của khu vực và toàn cầu” do Hội doanh nhân trẻ TP. HCM (YBA) tổ chức vừa qua.

Đầu tư xa không bằng láng giềng gần

Theo nhận định của ông Elton See Tan, Chủ tịch hội đồng kinh tế Philippines - Hàn Quốc, Việt Nam nằm trong nhóm nước Đông Nam Á nên cơ hội đầu tiên khi xuất ngoại sẽ đến từ những lợi thế đặc thù của khu vực.

Đại diện từ Philippines – ông Elton See Tan thuyết trình tại hội thảo

Mặc dù hiện nay, thị trường thế giới đã mở rộng hơn với Việt Nam thông qua các hiệp định như VN-EAEU FTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á- Âu), gần đây là CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) hay sắp đến là EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU).

ASEAN - thị trường lớn thứ 4 thế giới về giá trị nhưng đứng top đầu về tốc độ phát triển, vẫn được khuyến khích là điểm đến không nên bỏ qua cho những lần xuất ngoại đầu tiên của doanh nghiệp Việt.

Trên thực tế, chỉ riêng hàng loạt các văn bản, thỏa thuận hỗ trợ cho Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á như ATIGA, AFAS, ACIA cũng đủ “trải hồng” con đường ngoại thương của các doanh nghiệp, đó là chưa tính các lợi thế về tương đồng văn hóa, tâm lý thị trường cũng như những điều kiện thuận lợi về mặt địa lý giúp tiết kiệm phần nào chi phí các dịch vụ logistics và vận chuyển hàng hóa.

Cơ hội lớn nhưng các doanh nghiệp cũng cần lưu ý chọn điểm khởi đầu một cách “khoa học”. Ông Derek Goh Bak Heng – Chủ tịch tập đoàn Serial System từ Singapore nói rõ hơn về luận điểm này: “Ưu đãi khi bước vào khu vực láng giềng là không nhỏ, song các bạn phải làm tốt ở quốc gia của mình cái đã, sau đó từng bước chọn những điểm đến có lợi thế nhất.

Lần mở rộng thị trường đầu tiên, tôi chọn Malaysia vì họ cũng có cộng đồng người Hoa lớn, rào cản về văn hóa, ngôn ngữ cũng như tâm lý tiêu dùng của cộng đồng này chúng tôi nắm rất rõ khi kinh doanh tại Singapore.

Kết quả là chỉ sau hai năm, công việc kinh doanh tại Malaysia thành công tốt đẹp, tạo đà phát triển sang Đài Loan, Hongkong và Trung Quốc”.

Đại diện đến từ Singapore – ông Derek Goh Bak Heng

Đối với các thị trường lớn ngoài Đông Nam Á, qua kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp mình, ông Damien Chua – CEO của JD Resources Ltd từ Maylaysia (đối tác tiếp thị của nhà sản cuất kẽm lớn thứ 2 thế giới Hindustan Zinc) cho rằng, để vượt qua cách biệt về nguồn lực và thương hiệu so với các doanh nghiệp nước ngoài tại nước sở tại, doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa) tại Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung nên quan tâm hơn đến vấn đề cạnh tranh về giá cũng như tìm các “ngách hở” tiềm năng của thị trường mà đánh vào để tạo thị phần riêng.

Buổi đầu đem mặt hàng gốm sứ sang Pháp, sản phẩm của ông Mai Hữu Tín (doanh nhân đại diện Việt Nam tại hội thảo) nhận ngay phản ứng thờ ơ của thị trường do tâm lý “sính nội”.

Nắm bắt được “ngách hở” này, ông thay đổi tư duy tiếp cận thị trường mà mở đầu là sát nhập với một thương hiệu bản địa để dọn đường cho sản phẩm của mình, sau đó từng bước định danh thương hiệu trên đất ngoại với các lợi thế về giá và chất lượng không thua kém. Chiến lược kinh doanh đã đánh trúng điểm và “những quả ngọt” là điều tất yếu.

Nắm “hải trận” để vượt biển thành công

Tham gia một thị trường lớn cũng được ví von như đánh một canh bạc bởi yếu tố đầu tư tài chính và tỉ lệ sát sao của việc thành bại, nhưng khác với chuyện đỏ đen, rủi ro trong đầu tư có thể được hạn chế nếu chủ doanh nghiệp nắm rõ các thách thức đặt ra.

Ngoài những vấn đề chung hiển nhiên phải xem xét như những con số khảo sát thị trường, các đối thủ cạnh tranh cũng như vấn đề khác biệt về ngôn ngữ, các yếu tố về hệ thống (quy chuẩn và pháp lý), phản ứng cộng đồng cùng những xu hướng kinh doanh mới được xem là yếu tố đảm bảo cho hoạt động lâu dài của doanh nghiệp tại thị trường nước ngoài.

Đơn cử như với một số thị trường lớn và khó tính như Nhật Bản, các quy định nghiêm ngặt về kiểm định chất lượng (về cả sản phẩm và các yếu tố liên đới như vận chuyển, bảo quản…) là rào cản quan trọng mà các doanh nghiệp thực phẩm cần đầu tư, chuẩn bị kỹ càng.

Nhiều thị trường khác thì lại đặt ra vấn đề về các bên trung gian trong dòng chảy hàng hóa, tuy gây nhiều bất tiện về quy trình và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng đây là điều không thể trách khỏi.

Lý do là vì để tạo sự lưu thông liền mạch cho sản phẩm cũng như đáp ứng các quy chuẩn chung của nhiều thị trường lớn, nhà cung cấp được yêu cầu phải có khả năng về kho bãi, dịch vụ vận chuyển và kênh phân phối chất lượng tại thị trường nước đó.

Thông qua các kênh trung gian, doanh nghiệp Việt sẽ giảm đi phần lớn chi phí đầu tư cho các dịch vụ liên quan, đồng thời tăng tính đảm bảo cho quá trình phân phối sản phẩm trên thị trường ngoại địa.

Đại diện đến từ Indonesia - ông Yugi Prayanto

Ở khía cạnh khác, các chuyên gia trong đó có ông Yugi Prayanto – Phó chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại Indonesia, khuyến khích các doanh nghiệp khi xuất ngoại nên quan tâm hơn đến vấn đề bản địa, cụ thể là chiến lược địa phương hóa (localize), mua bán - sát nhập (M&A) và đừng xem nhẹ vai trò của các hoạt động cộng đồng (CSR).

Bài học gần đây của Grab tại Đông Nam Á, “mối duyên” giữa ThaiBev và Sabeco là hai trong số nhiều câu chuyện thành công điển hình cho nội dung này.

Nhìn chung, khi đầu tư ở thị trường mới, cơ hội và thách thức sẽ rất nhiều, vấn đề chính yếu do vậy nằm ở năng lực quản trị của người lãnh đạo. Tận dụng những cơ hội nào, khắc phục các thách thức trọng tâm ra sao chính là khóa cho sự ổn định về sau.

Tuy nhiên, cũng như một cuộc chơi, đầu tư nước ngoài không dành cho kẻ thích sự an toàn, dù là “ông lớn” hay “nhỏ và vừa”, điều quan trọng hơn cả chính là sự dấn thân, dám nghĩ - dám làm của một người lãnh đạo doanh nghiệp theo tinh thần toàn cầu hóa.

Han Sovy

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ra-bien-lon-nho-nam-hai-tran-20180412092106651.htm