Doanh nghiệp muốn tổ chức làm thêm phải tham khảo ý kiến người lao động

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang nhận được rất nhiều ý kiến, đặc biệt trong đó là quy định giảm thời gian làm việc trong tuần từ 48 giờ xuống còn 44 giờ/tuần. Phía doanh nghiệp đưa ra rất nhiều lý do để phản đối quy định này. Trong khi đó, người lao động rất mong muốn được giảm số giờ làm việc trong tuần để có thời gian tái tạo sức lao động, chăm sóc con cái.

Xung quanh vấn đề này, PV đã có trao đổi với PGS- TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn.

PV: Nhiều năm nghiên cứu về công nhân, người lao động, ông đánh giá thế nào về thời gian làm việc của công nhân hiện nay?

PGS- TS Vũ Quang Thọ: Người ta thường nói “phải làm việc và được nghỉ ngơi” chứ không ai nói ngược lại là “phải nghỉ ngơi và được làm việc”, cho nên đã là con người thì ai cũng muốn được nghỉ sau khoảng thời gian lao động vừa đủ. Đặc biệt là với công nhân, người lao động do họ đã cung ứng quá nhiều thời gian làm việc.

Số giờ làm thêm của công nhân lao động Việt Nam đã lên tới khoảng trên 500 giờ/năm, đang vượt quá dự thảo của Bộ luật Lao động sửa đổi (từ 300 lên 400 giờ/năm). Hiện một số công nhân, thậm chí một số người làm công đoàn cơ sở dưới doanh nghiệp còn coi việc được làm thêm để tạo thêm tiền lương và công ăn việc làm cho công nhân lao động và coi đây là một lợi ích.

Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) cũng như tôi là không đồng ý việc làm thêm quá nhiều. Chúng tôi muốn, doanh nghiệp tổ chức làm thêm thì phải ký hợp đồng chính thức và phải tham khảo ý kiến của người lao động. Một vấn đề quan trọng nữa là phải được lũy tiến về tiền lương, nhất là tiền lương làm thêm giờ.

PV: Trong dự thảo Bộ luật Lao động sử đổi cũng đưa vấn đề doanh nghiệp trả lương theo giờ làm thêm lũy tiến tối thiểu 150%; 200%; 300% đơn giá tùy theo ngày làm thêm rồi, thưa ông?

PGS- TS Vũ Quang Thọ: Đúng là có đưa vào rồi nhưng phía doanh nghiệp đang phản đối vấn đề này. Doanh nghiệp không đồng ý với phương án đưa ra bởi lũy tiến tiền lương làm thêm sẽ thiệt cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải thực hiện những đơn hàng đã ký rồi nhưng trong một thời gian ngắn phải hoàn thành. Do đó họ phải huy động công nhân tăng ca vì không muốn thuê thêm lao động.

Thuê thêm lao động là rất nhiều những thủ tục kèm theo, vì vậy họ muốn sử dụng đội ngũ lao động hiện có nhưng tăng thêm giờ làm việc. Cho nên có người được động viên làm việc đến 9 giờ, có người được động viên làm việc đến 10 giờ, thậm chí có người làm việc đến 15 giờ, gần như 1 ca làm việc nữa bên cạnh ca sản xuất chính thức.

Phía doanh nghiệp biện luận là họ cần những người làm việc có kinh nghiệm, không phải huấn luyện tay nghề nữa. Đơn giá lũy tiến thì họ không muốn mà chỉ muốn tăng lên chút ít thôi. Đương nhiên là vấn đề này ở góc độ bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì phía Tổng LĐLĐVN không thể đồng ý được.

PGS- TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn.

PGS- TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn.

PV: Với thực tế của công nhân hiện nay, thì giảm thời gian làm việc trong tuần ông có thấy hợp lý không thưa ông?

PGS- TS Vũ Quang Thọ: Tôi nghĩ về phía doanh nghiệp chắc chắn họ sẽ không muốn giảm giờ làm. Họ sẽ không muốn giảm thời gian làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, mặc dù nhiều nước họ đã làm từ rất lâu. Nếu đưa được vào luật thì đương nhiên cứ thế mà thực hiện. Nhưng nếu không đưa được vào luật, tôi nghĩ rằng phải xây dựng một quy chế thế nào đó để hai bên thương lượng với nhau.

Bên sử dụng lao động và bên đại diện cho người lao động (công đoàn) có thể thương lượng thống nhất là thời gian làm việc cụ thể trong tuần, để người sử dụng lao động bảo đảm được lợi ích của họ, đồng thời phía đại diện người lao động vẫn có thể bảo vệ được lợi ích cho người lao động của mình.

PV: Có một ý kiến tôi thấy rất đang suy nghĩ là người lao động hiện ít có thời gian để nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, chăm sóc con cái. Đặc biệt 10- 15 triệu công nhân hôm nay là vài chục triệu lao động trong tương lai, nếu con cái họ không được chăm sóc, dạy dỗ thì ảnh hưởng xã hội rất lớn. Ông nghĩ thế nào?

PGS- TS Vũ Quang Thọ: Chính xác là như thế. Phải quan tâm đến thế hệ con cái của công nhân lao động. Muốn người lao động yên tâm làm việc cống hiến cho doanh nghiệp thì phải chăm sóc cho con cái họ. Nếu những đứa trẻ sinh ra trong điều kiện thiếu dinh dưỡng, thiếu sự chăm sóc, suốt ngày chỉ xem ti vi, phim ảnh trên mạng Internet sẽ dẫn đến những hành vi bị lệch chuẩn. Giải quyết những vấn đề xã hội sau đó là câu chuyện không đơn giản. Do đó vấn đề con cái của công nhân chúng ta là điều cần phải xem xét nghiêm túc.

Có những công nhân làm việc từ sáng sớm, tăng ca đến 10 giờ đêm. Gần nửa đêm về đến nhà ăn vội bát cơm nhanh nhanh đi ngủ lấy sức để mai 6h sáng dậy sớm đi làm. Thời gian nào để lo cho con. Không chăm sóc được cho con cái họ thì làm sao có được đội ngũ nhân lực học hành tử tế để sau này trở thành những công nhân lành nghề, kỹ sư lành nghề. Thế cho nên, quan điểm của tôi là không thể đưa được vào luật thì phải tạo điều kiện để hai bên thương lượng cho hợp lý.

PV: Trong công văn Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đây gửi tới Cục An toàn Lao động đề nghị Bộ LĐ- TBXH giữ nguyên số giờ làm việc trong Bộ luật Lao động sửa đổi là 48 giờ/tuần như quy định hiện hành. Bởi, trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn sẽ làm gia tăng gánh nặng, gây tác động xấu tới doanh nghiệp và nền kinh tế. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp nước ngoài có thể rút khỏi Việt Nam và các doanh nghiệp khác đang dự kiến đầu tư vào Việt Nam. Ông nghĩ thế nào về điều này?

PGS- TS Vũ Quang Thọ: Đó chỉ là lời đe dọa. Qua rất nhiều lần họp hội đồng tiền lương Quốc gia những năm qua, phía doanh nghiệp đều đưa ra cảnh báo này. Rằng là tăng lương tối thiểu làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ rút khỏi Việt Nam. Thực tế cho thấy đã có doanh nghiệp nào rút đi chưa hay số lượng doanh nghiệp vào đầu tư vẫn tăng lên, họ vẫn liên tục tuyển công nhân vào làm việc.

Xin cảm ơn ông!

Phan Hoạt

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-muon-to-chuc-lam-them-phai-tham-khao-y-kien-nguoi-lao-dong-559930/