Doanh nghiệp muốn nhanh là phải 'đi ngầm': Thật không?

'Nói là cắt giảm nhưng không có gì mới. Các điều kiện cắt giảm còn ở đâu đâu, không sát thực tế, không thiết thực với doanh nghiệp'.

Tại Hội thảo tổng kết năm năm thực hiện các Nghị quyết 19 và giới thiệu Nghị quyết 02 của Chính phủ sáng 22/1, doanh nghiệp cho rằng việc cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh (ĐKKD), thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn rất chậm và chưa đồng bộ.

Đặc biệt, Thông tư 21 của Bộ Công thương quy định về hợp quy hợp chuẩn còn nhiêu khê, làm khó doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, tốn kém hơn gấp 3 lần so với quy định cũ.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, ngay từ khi soạn thảo Bộ Công thương đã nhận thấy Thông tư 21 là vô lý nhưng bộ này đề nghị xin tự bỏ.

"Nếu Bộ Công thương không bỏ mà vẫn đang thực hiện thì Bộ Công Thương đã không giữ lời hứa. Chúng tôi đã quá tin họ”, ông Cung nói.

Chia sẻ thêm với Đất Việt, ông Phùng Văn Minh - Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Giang cũng cho rằng, sự chuyển biến chậm trễ trong thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh (ĐKKD), thủ tục kiểm tra chuyên ngành là thực tế.

Cắt giảm điều kiện, thủ tục kinh doanh còn chưa thực chất. Ảnh minh họa

Ông Minh cho biết, Nghị quyết 19 đã có từ 3 năm nay, còn Nghị quyết 02 của Chính phủ cũng đã được triển khai từ năm năm qua nhưng tới nay doanh nghiệp vẫn không nhận thấy sự thay đổi nào đáng ghi nhận.

"Nói là cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng tôi thấy không có gì mới, các điều kiện cắt giảm còn ở đâu đâu, không sát thực tế, không thiết thực với doanh nghiệp. Có những điều kiện kinh doanh nói là cắt nhưng thực chất lại cắt chỗ nọ rồi gộp vào chỗ kia, có cái lại biến tướng, cái cần cắt thì không cắt.

Gần như không thấy có sự thay đổi nào trong việc thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, cấp phép đầu tư xây dựng. Doanh nghiệp không biết phải đi qua bao nhiêu bước, bao nhiêu cơ quan, phải gặp hết ông này, bà kia, rồi khi xuống tới địa phương thì lại bị gây khó dễ về thủ tục, giấy tờ... rất bức xúc.

Trong khi, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn phức tạp, rườm rà, doanh nghiệp rất bức xúc. Tôi lấy ví dụ, Thủ tướng có chỉ đạo thanh tra chỉ thực hiện một năm 1 lần nhưng thực tế hiện nay một năm doanh nghiệp vẫn phải đón tới vài đoàn thành tra của đủ các bộ, ngành, cơ quan. Mỗi lần như vậy doanh nghiệp lại mất thời gian đón tiếp và đương nhiên không thể không có "phong bì" để cho xong", ông Minh nói.

Về thủ tục hoàn thuế, ông Phùng Văn Minh cũng cho biết, các doanh nghiệp than phiền quà nhiều vì giờ đã thực hiện hải quan điện tử nhưng vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải nộp hồ sơ giấy, cán bộ hướng dẫn không tới nơi khiến doanh nghiệp phải chạy đi chạy lại mất nhiều thời gian, doanh nghiệp còn tốn "phí" nhiều hơn".

Vẫn theo ông Minh, doanh nghiệp hiện phải mất rất nhiều các loại chi phí không chính thức trong quá trình giải quyết các thủ tục kinh doanh. Chuyện này gần như xảy ra phổ biến và có ở hầu hết các khâu, mỗi khâu đoạn là một mức khác nhau.

"Đây gần như là luật, doanh nghiệp muốn nhanh là phải "đi ngầm"", ông Minh nói.

Trên nóng dưới lạnh

Vì tiếp xúc và được nghe nhiều phản ánh của doanh nghiệp, ông Phùng Văn Minh mong muốn việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được thực hiện nghiêm túc, triệt để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Ông Minh cho biết, tồn tại các thủ tục rườm rà, phức tạp không những gây khó khăn cho doanh nghiệp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp mà còn là điều kiện, là môi trường nảy nở tiêu cực, tham nhũng.

Tuy nhiên, như đã thấy, dù đã có chỉ đạo song việc thực hiện còn kiểu "trên nóng dưới lạnh".

"Bên trên chỉ đạo nhưng địa phương còn chưa muốn làm. Cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ thì thờ ơ, vô cảm, chưa vì doanh nghiệp, chưa vì dân để phục vụ", ông Minh kể.

Theo đó, ông Minh mong muốn lãnh đạo các bộ ngành trung ương tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt, minh bạch các thủ tục kinh doanh, giải quyết các nhu cầu đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trao đổi thêm, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM chỉ rõ hai vấn đề. Thứ nhất, trong chỉ đạo thực hiện cắt giảm các điều kiện kinh doanh, ông Hưng đánh giá cao tính đi đầu của Bộ Công thương khi quyết định bỏ tới 70% các điều kiện kinh doanh trong khi các bộ khác chỉ bỏ 50%.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng thừa nhận, về thực chất vẫn còn nhiều các điều kiện nói là cắt nhưng đã được gộp lại, điều chỉnh lại hoặc chuyển đổi thành nội dung khác.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa đạt: Vẫn còn "ảo thuật"?

Ông Hưng cho biết, sự vướng mắc trên còn có liên quan tới các bộ ngành khác, nhiều thủ tục, giấy phép con của các bộ ngành khác nhau mà một mình Bộ Công thương không làm được. Mặc dù vậy, ông Hưng cũng nhấn mạnh, việc cắt giảm sẽ phải tiếp tục thực hiện nếu không Việt Nam sẽ khó có thể hội nhập trong điều kiện mở hiện nay.

Vấn đề thứ hai về thủ tục hành chính, cụ thể là việc thực hiện các thủ tục hải quan kiểu nửa điện tử, nửa giấy tờ theo ông Hưng là có.

Ông Hưng cho rằng, cần phải giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp với các cán bộ hải quan, cơ quan ngành thuế để tránh tiêu cực, nhũng nhiễu.

"Chỉ cần có sự tiếp xúc giữa con người với con người là sẽ có thêm điều kiện để xin - cho, vòi vĩnh, tiêu cực. Việc này phải được thực hiện triệt để", ông Hưng kiến nghị.

Lam Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/doanh-nghiep-muon-nhanh-la-phai-di-ngam-that-khong-3373431/