'Doanh nghiệp muốn làm ăn toàn cầu nhưng muốn chính sách riêng thì rất khó'

'Tổng cục thuế sẽ rà soát báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét nhưng trên tinh thần phải bình đẳng giữa các DN có giao dịch liên kết. Chúng tôi sẽ rà soát cụ thể để đảm bảo hỗ trợ DN, giúp DN tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, các doanh nghiệp muốn làm ăn toàn cầu nhưng muốn chính sách riêng thì rất khó', ông Cao Anh Tuấn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định.

DN cho rằng, Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (Ảnh TL)

Gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp?

Tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018 diễn ra ngày 27/11, đại diện các doanh nghiệp (DN) cho rằng, Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo bà Vũ Thị Ngọc Anh, trưởng bộ phận quản lý thuế của một doanh nghiệp, mục tiêu của Nghị định 20 là chống thất thu thuế ở Việt Nam do tác động của chuyển giá giữa các quốc gia nhưng trên thực tế Nghị định 20, đặc biệt là khoản 3 điều 8 của Nghị định lại có ảnh hưởng nhiều đến DN trong nước, đặc biệt là các tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty mẹ con.

“Trong thời gian đầu, các dự án không thể vay vốn ngân hàng được mà phải qua công ty mẹ là tập đoàn nên chi phí lãi vay của tập đoàn tương đối lớn. Việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% gây ảnh hưởng đến DN bởi rất nhiều chi phí lãi vay không được trừ cho mục đích thuế”, bà Ngọc Anh nói.

Bà Vũ Thị Ngọc Anh kiến nghị: “Chúng tôi đề xuất tạm thời chưa áp dụng những quy định của Nghị định 20 và cần sớm sửa Nghị định 20 phù hợp với tình hình hoạt động của các DN tại Việt Nam, bởi quy định đó ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của DN”.

Cũng phản ánh Nghị định 20 gây khó, Đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng, Nghị định 20 không phù hợp, tạo sự bất bình đẳng giữa các DN. Theo đại diện này, Công ty chứng khoán Vietcombank chỉ phát sinh giao dịch liên kết trong hoạt động đi thuê văn phòng với công ty mẹ (là Vietcombank), do đó, hoạt động chuyển giá hoàn toàn không thể có với bên phát sinh liên kết nhưng DN vẫn phải chịu khống chế lãi vay ở mức 20%.

Việc rà soát bước đầu có khoảng 10% DN đang vượt mức khống chế trong Nghị định 20 (Ảnh TL)

Chưa có kiến nghị nào của DN FDI

Trả lời những thắc mắc của các DN, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Nghị định 20 thực hiện trên cơ sở khuyến nghị của các nước OECD và các nước G20 yêu cầu phải tập trung trong việc chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu. Ban hành nghị định 20 là điều kiện tiên quyết để Việt Nam gia nhập diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Ông Tuấn cũng cho hay, hiện tất cả các DN FDI hoạt động ở VN chưa có DN nào có kiến nghị về vấn đề này mà mới chỉ có một số DN trong nước gặp vướng mắc. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, trong hơn 600.000 DN đang hoạt động thì có hơn 4.000 DN kê khai giao dịch liên kết. Việc rà soát bước đầu có khoảng 10% DN đang vượt mức khống chế trong Nghị định 20.

“Tổng cục thuế sẽ rà soát báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét nhưng trên tinh thần phải bình đẳng giữa các DN có giao dịch liên kết. Chúng tôi sẽ rà soát cụ thể để đảm bảo hỗ trợ DN, giúp DN tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, các doanh nghiệp muốn làm ăn toàn cầu nhưng muốn chính sách riêng thì rất khó”, ông Cao Anh Tuấn khẳng định.

Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), việc đưa tỷ lệ khống chế 20% trong mức lãi vay chênh lệch là hoàn toàn hợp lý. Điều đó là phù hợp với thông lệ quốc tế. Thậm chí có quốc gia đưa mức này lên tới 25% - 30%. Tuy nhiên, bà Cúc cho rằng, chính sách thuế cần phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cũng cần phải phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam.

Đức Minh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/doanh-nghiep-muon-lam-an-toan-cau-nhung-muon-chinh-sach-rieng-thi-rat-kho-49741