Doanh nghiệp muốn đồng hành cùng Chính phủ tìm nguồn vaccine Covid-19

Các hiệp hội, doanh nghiệp đã đưa ra ý kiến liên quan đến nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine và vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng Chính phủ.

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước tham gia họp trực tuyến xoay quanh vấn đề xã hội hóa vaccine.

Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến Việt Nam mua 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, tổng kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương dự kiến bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức là 9.200 tỷ.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Uy, Giám đốc đăng kiểm và Ngoại vụ Abbot Việt Nam, cho rằng sau 9 đối tượng ưu tiên ở tuyến đầu của Bộ Y tế, cần xác định 3 mức độ ưu tiên tiêm vaccine tại Việt Nam theo quản lý rủi ro, cả về nguy cơ dịch bệnh và nguy cơ kinh tế theo các mức độ cao, trung bình, thấp.

Với nguy cơ mắc bệnh cao là các địa phương đang bùng phát dịch, với nguy cơ mắc bệnh trung bình là các địa phương có dịch nhưng đã được kiểm soát, hoặc mật độ dân cư cao. Và vùng nguy cơ mắc bệnh thấp là các địa phương còn lại.

Với nguy cơ kinh tế cao là các khu công nghiệp lớn, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng thiết yếu, vận tải, điện, nước, doanh nghiệp lớn. Với nguy cơ kinh tế trung bình là khu công nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp cỡ trung 100-500 nhân viên không trong khu công nghiệp. Và nguy cơ kinh tế thấp là các doanh nghiệp nhỏ lẻ, hộ gia đình.

 Đại diện VCCI nhìn nhận nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước để mua vaccine sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân. Ảnh: Thạch Thảo.

Đại diện VCCI nhìn nhận nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước để mua vaccine sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân. Ảnh: Thạch Thảo.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam bà Nguyễn Thị Hương thì đề xuất đưa doanh nghiệp vào đối tượng ưu tiên ngay sau lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đồng thời, đề nghị Chính phủ thống nhất quản lý tiêm theo thứ tự ưu tiên và cấp giấy chứng nhận tiêm vaccine thống nhất cả nước đế giúp các doanh nghiệp có thể giao thương dễ dàng.

Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), cho rằng thách thức hiện nay là phải bảo quản, lưu trữ lượng vaccine nhập về như thế nào? Vấn đề này Bộ Y tế cần phải làm rõ, bởi nếu cứ ào ạt đưa vaccine về thì lưu trữ, bảo quản cũng như khả năng đáp ứng tiêm chủng của lực lượng y tế ra sao?

Thứ hai, về khả năng tài chính, các doanh nghiệp tầm trung và lớn khả năng chủ động tài chính để mua vaccine tiêm miến phí cho người lao động là điều khả thi. Ngược lại, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng tài chính không đảm bảo, Nhà nước và Chính phủ cần cân nhắc làm sao để tiêm được cho người lao động một cách đồng bộ.

Thứ ba, vấn đề nếu đến tháng 7-8/2021, toàn lao động ngành dệt may chưa được tiêm vaccine sẽ là thách thức rất lớn cho mục tiêu bền vững của ngành.

Đáng chú ý, người đứng đầu Vitas cho rằng, ngành may hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp FDI có mối quan hệ và uy tín với chính phủ các nước châu Âu, châu Mỹ, có thể kết nối để giới thiệu việc nhập khẩu vaccine thuận lợi hơn.

Cũng tại buổi họp, ông Cao Hoàng Nam, Giám đốc đối ngoại và Truyền thông Pepsi Co, dẫn ra bài học từ mô hình chương trình “Hỗ trợ song hành vaccine” của Indonesia.

Cụ thể, Chính phủ cho phép doanh nghiệp đóng góp mua vaccine, với chi phí để tiêm cho người lao động và gia đình khoảng 1,6 triệu đồng. Chương trình do Phòng Thương mại Indonesia (KADIN) và các hiệp hội doanh nghiệp phố hợp cùng Bộ Y tế triển khai.

Tính đến ngày 22/5, đã có 22.000 doanh nghiệp tham gia chương trình này với hai mục tiêu chính: sẽ có khoảng 80-80 triệu người được tiêm chủng vào tháng 8-9/2021; đạt 2/3 dân số tiêm chủng vào 3/2022.

Về cách thức triển khai chương trình, Bộ Y tế chỉ định đầu mối là công ty và cơ sở y tế được ủy quyền để nhập khẩu và tiêm chủng. KADIN và các hiệp hội nộp danh sách tiêm cho Bộ Y tế, Bộ Y tế sẽ có cơ sở dữ liệu quốc gia để đưa người được đăng ký sang danh sách khác tránh việc trùng lặp. Cuối cùng, doanh nghiệp đăng ký mua và tiêm vaccine.

Indonesia cũng đề ra một số quy đinh khác như: chương trình này phải áp dụng các loại vaccine khác với chương trình của Chính phủ, các vaccine theo quy định là của được WHO, Bộ Y tế chấp thuận và chỉ định hệ thống bệnh viện tư nhân tham gia.

Văn Hưng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-muon-dong-hanh-cung-chinh-phu-tim-nguon-vaccine-covid-19-post1220890.html