Doanh nghiệp mong muốn kéo dài thời gian giãn, hoãn nợ

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã nêu định hướng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản nợ hiện có với yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải sớm sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Thực tế, đây cũng là mong muốn của các DN ngay sau một thời gian ít lâu văn bản này được ban hành và thực thi.

Ngân hàng cũng cần đảm bảo an toàn khi thực hiện cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho DN. Ảnh: ST

Ngân hàng cũng cần đảm bảo an toàn khi thực hiện cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho DN. Ảnh: ST

Đề nghị kéo dài hơn 12 tháng

Từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh, tuy nhiên, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn ở mức thấp so với nhiều năm qua. Với sức “công phá” của đại dịch Covid-19, không chỉ ngân hàng phải phân tích kỹ lưỡng về tình hình kinh tế, sức khỏe DN để đưa ra chính sách tín dụng phù hợp mà ngay bản thân DN cũng phải cân nhắc rất nhiều mới “dám” đi vay.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) qua quá trình tiếp xúc với nhiều DN về vấn đề này cho hay, bản thân chủ DN còn suy nghĩ nhiều hơn ngân hàng. Họ luôn tính toán phải đầu tư vào đâu, khi nào đi vay, vay bao nhiêu tiền. Vì thế, khi có sự kết hợp của hai bên sẽ bảo đảm hiệu quả cho vay tốt hơn. Đại diện lãnh đạo MB cũng cho rằng, giải pháp giãn, hoãn nợ theo Thông tư 01 thời gian qua rất hiệu quả, nhiều khách hàng của MB đã được giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ đã bắt đầu trả được nợ từ quý 2 và quý 3/2020, mà không cần chờ tới năm sau.

Tuy nhiên, với các DN, việc thi hành và các chính sách tại Thông tư 01 vẫn còn không ít băn khoăn, nên rất mong chờ vào kế hoạch sửa đổi mà các cơ quan quản lý đã thông báo. Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Việt Thắng Jeans nhận định, nhiều dự báo cho thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài trong 6-12 tháng, nghĩa là có thể hết năm sau DN mới phục hồi trở lại, trong khi Thông tư 01 quy định chỉ giãn nợ trong 12 tháng. Do đó, vị này kiến nghị ngân hàng cần kéo dài thời gian giãn, hoãn nợ cho DN không vượt quá 24 tháng, tạo điều kiện cho các ngân hàng và DN cơ cấu nợ.

Đồng quan điểm, theo đại diện Công ty TNHH Hoàng Hà (DN chuyên về dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu), trong những tháng còn lại của năm 2020, DN đang đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa còn tồn đọng, nhằm thu hồi vốn và trả nợ ngân hàng. Hơn nữa, để giảm thiểu chi phí tài chính, công ty sẽ tập trung vào giải quyết hàng tồn kho, cân đối dòng tiền sẵn có cho các kế hoạch sắp tới, nên sẽ không đi vay mới với mức lãi suất khoảng 9%/năm như hiện nay là khá cao. Vì thế, Hoàng Hà mong muốn ngân hàng kéo dài thời gian giãn nợ, giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu.

Một DN sản xuất, xuất khẩu nông sản cho phóng viên biết, doanh số của doanh nghiệp giảm đi vài chục phần trăm do trước đây xuất đi nhiều ở thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... nay hầu như DN không xuất khẩu được hàng, tình hình buôn bán trong nước cũng rất chậm. Vì thế, nếu không được giảm lãi suất, giãn nợ thì DN có thể dẫn tới phá sản. Tuy nhiên, Thông tư sửa đổi nên quy định cụ thể về mức giảm lãi suất, bởi quy định hiện nay là mức giảm lãi suất phụ thuộc vào chính sách của các ngân hàng thương mại, nên vẫn khá cao với không ít DN.

Mong Thông tư sửa đổi sớm được ban hành

Mặc dù còn nhiều ý kiến, nhưng không thể phủ nhận sự hiệu quả khi Thông tư 01 được thực thi từ giữa tháng 3/2020. Theo NHNN, đến 14/9/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng; đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310 nghìn khách hàng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, số lượng DN đã khôi phục được sản xuất, kinh doanh làm ăn có lãi để trả nợ ngân hàng so với con số DN đã vay và đang có nhu cầu vay là rất ít. Vì thế, để nhân rộng hiệu quả của việc hỗ trợ, các chuyên và DN đều mong muốn Thông tư sửa đổi sẽ sớm được ban hành, trong đó lưu ý sửa đổi này phải theo hướng mở rộng đối tượng, hỗ trợ và gia hạn thời gian hoãn, giãn nợ, cân nhắc thời điểm chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến… Một chuyên gia kinh tế đã cho rằng, ngoài việc tăng thời hạn hỗ trợ DN, Thông tư 01 cần hỗ trợ thêm cho các ngân hàng, ví dụ như NHNN có thể đẩy mạnh cho vay tái cấp vốn, giúp giảm chi phí đầu vào cho hệ thống ngân hàng, từ đó tăng tiềm lực để xử lý nợ xấu và cho vay nhiều hơn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát, NHNN cho biết NHNN được giao và đang phối hợp với các bộ ngành trong đó có Bộ Tài chính để hoàn thiện các hành lang pháp lý, định hướng sửa Thông tư 01. Tuy nhiên, vị này cũng lưu ý rằng, ngân hàng cũng là một DN, nên khi thực hiện giãn, miễn, giảm lãi phí... cho DN thì cũng phải tính đến áp lực tài chính để đảm bảo hoạt động. Vì thế, NHNN nghiên cứu để sửa Thông tư 01 còn giúp đảm bảo an toàn cho các ngân hàng.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/doanh-nghiep-mong-muon-keo-dai-thoi-gian-gian-hoan-no-135098-135098.html