Doanh nghiệp mong cơ quan thuế không cố tình 'bỏ sót' khi kiểm tra

Đại diện giới doanh nghiệp bày tỏ mong muốn khâu thanh tra, kiểm tra nhanh chóng, gọn nhẹ, đặc biệt đã kiểm tra thì kiểm tra hết, không cố tình bỏ sót các vấn đề còn thiếu của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Đại diện giới doanh nghiệp bày tỏ mong muốn khâu thanh tra, kiểm tra nhanh chóng, gọn nhẹ, đặc biệt đã kiểm tra thì kiểm tra hết, không cố tình bỏ sót các vấn đề còn thiếu của doanh nghiệp để kỳ sau lại đưa ra.

Đây là một vài vấn đề được ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu lên tại Hội nghị đối thoại thuế, hải quan tổ chức sáng 27/11 tại Hà Nội.

Lo khả năng tuân thủ chính sách thuế

“Dù những thay đổi trong chính sách, pháp luật thuế trong thời gian gần đây đã theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhưng bản thân những thay đổi nhanh chóng cũng khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cập nhật thông tin để tuân thủ,” ông Khương mở đầu phần phát biểu của mình với đánh giá về những vướng mắc trong lĩnh vực thuế.

Theo ông, các thông tư hướng dẫn về thuế của Bộ Tài chính thường được ban hành chậm hơn so với thời hạn hiệu lực thi hành quy định tại các văn bản luật, nghị định làm cho các doanh nghiệp phải điều chỉnh hóa đơn, chứng từ làm mất thời gian và gây khó khăn trong thực hiện.

Ông cũng thẳng thắn, để áp dụng cho một tình huống cụ thể, doanh nghiệp phải tìm hiểu quá nhiều thông tư, nghị định mới biết những quy định về thuế hiện tại.

“Do quy định, hướng dẫn về các loại thuế còn dàn trải ở nhiều thông tư, nghị định của các năm khác nhau, khiến doanh nghiệp lúng túng trong việc áp dụng luật thuế,” ông nêu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Khương cũng không ngần ngại nêu ý kiến: Khá nhiều doanh nghiệp lo ngại khả năng tuân thủ chính sách, pháp luật thuế.

Theo ông, phần lớn hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đều là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, không có nhiều thời gian cũng như nguồn lực dành cho bộ phận kế toán làm việc chuyên sâu và bài bản. Trong khi ấy, theo ông, thực tế là các văn bản pháp luật về thuế ra liên tục, các doanh nghiệp hầu như không cập nhật kịp.

“Các quy định về thủ tục liên quan lại tương đối phức tạp, cũng không có danh sách cụ thể về các loại thông báo, báo cáo phải nộp hàng năm gây ra một số khó khăn,” ông nói. Từ đó, ông đề nghị các cơ quan cần đưa ra các quy định đơn giản thiết thực, dễ hiểu giúp doanh nghiệp áp dụng ổn định, cũng như có quy định chính xác, cập nhật thường xuyên những thông báo phải nộp để doanh nghiệp tuân thủ.

Tránh kiểm tra đi, kiểm tra lại

Đại diện VCCI cũng dẫn góp ý của doanh nghiệp cho rằng, một số chính sách liên quan chưa phù hợp, cụ thể là giá thuê đất tăng quá nhanh, gây ảnh hưởng lớn tới doanh thu và chi phí của doanh nghiệp.

Đặc biệt, ông Khương nhấn mạnh: “Tăng giá tiền thuê đất thì phải báo trước cho doanh nghiệp đằng này năm 2016 doanh nghiệp nhận được quyết định tăng giá tiền thuê đất nhưng lại bắt đầu tăng từ ba năm về trước.”

Riêng về khâu thanh kiểm tra, Phó Chủ tịch VCCI nêu mong muốn của doanh nghiệp về công tác này nên nhanh chóng, gọn nhẹ và đúng mục đích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hơn.

Ông dẫn thực tế, một số trường hợp, thanh kiểm tra thuế quá chậm, đến khi kiểm tra sau 5 năm thậm chí 10 năm sẽ bị tính phí nộp chậm theo ngày của chi phí không hợp lý.

“Do vậy, đề nghị giới hạn thời gian tính nộp chậm cho các khoản tiền thuế còn thiếu do sai sót không cố ý,” ông lên tiếng.

Đáng chú ý, vị đại diện VCCI đề nghị cơ quan thuế “đã kiểm tra thì kiểm tra hết,” không cố tình bỏ sót các vấn đề sai sót của doanh nghiệp để rồi kỳ sau lại đưa ra như là một cách tăng tình tiết tăng nặng.

“Cơ quan thuế đã kiểm tra toàn bộ thì kiểm tra hết, lần sau kiểm tra phải chấp nhận số liệu kiểm tra trước, tránh tình trạng kiểm tra đi kiểm tra lại làm mất thời gian tìm kiếm chứng từ, giải trình,…” Phó Chủ tịch VCCI nói.

Đi vào cụ thể hơn, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, một trong những vướng mắc hiện tại là khâu hoàn thuế giá trị gia tăng. Cụ thể, mặt hàng có nguồn gốc tài nguyên khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên khi xuất khẩu không được áp dụng thuế giá trị gia tăng 0%.

Câu hỏi được bà đặt ra là làm sao xác định tỷ lệ 51% như thế nào nhất là trong trường hợp doanh nghiệp mua lại ở một đơn vị sản xuất rồi mới xuất khẩu.

“Khi xuất khẩu đi họ không thể biết phân bổ chi phí như thế nào,” bà Cúc lên tiếng.

Điều này theo bà khiến nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc và giới doanh nghiệp đang mong nhận được câu trả lời từ phía cơ quan chức năng.

Trả lời cho vấn đề này, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, tinh thần của quy định là không khuyến khích việc xuất khẩu khoáng sản thô và khuyến khích chế biến sản xuất trong nước. Tuy nhiên, bà khẳng định “tinh thần là thế nhưng thực hiện phải thuận lợi, rõ ràng.”

Còn ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính thì thừa nhận, vấn đề vướng là cách xác định tỷ lệ 51%. Ông cũng cho biết, đây là nội dung đang được cơ quan chức năng xin ý kiến sửa đổi và nếu được Chính phủ thông qua, những thắc mắc của doanh nghiệp sẽ cơ bản được giải quyết./.

Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc nói về những khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện chính sách thuế.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-mong-co-quan-thue-khong-co-tinh-bo-sot-khi-kiem-tra/477144.vnp