Doanh nghiệp miền sông nước làm ăn hiệu quả hơn trong năm nay

Trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) làm ăn hiệu quả và dự báo dự báo triển vọng này sẽ kéo dài đến cuối năm 2018, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ.

Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn trong năm 2018. Trong ảnh là sản phẩm gạo của một doanh nghiệp được giới thiệu. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội thảo “Kinh tế ĐBSCL 6 tháng đầu năm 2018: cơ hội từ CPTPP và sự nổi lên của thị trường Trung Quốc” được tổ chức hôm nay, 25-7, ở thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ cho biết khảo sát nhanh được tiến hành trên 62 doanh nghiệp hội viên của đơn vị này. Trong đó, doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nông nghiệp, chế biến thủy sản chiếm 42%; thương mại dịch vụ chiếm 13%; xây dựng, bất động sản 10% và các lĩnh khác chiếm 35%.

Còn nếu phân theo quy mô vốn của doanh nghiệp, thì nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 100 tỉ đồng chiếm 45,2%; từ 100 đến 500 tỉ chiếm 36%; trên 500 tỉ chiếm 6,4% và còn lại là các doanh nghiệp được hạch toán theo mô hình công ty mẹ-con.

Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp, bức tranh kinh tế và những hoạt động của họ tích cực hơn trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, có 87,1% doanh nghiệp được khảo sát cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của họ ổn định và tốt hơn; 12,9% doanh nghiệp đánh giá hoạt động kinh doanh xấu đi.

Ông cho biết doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh tốt hơn nhờ có chuẩn bị trước về giải pháp, chiến lược; tập trung vào chất lượng sản phẩm, sản xuất hàng chất lượng cao; đồng thời, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng có tác động tích cực.

Riêng nhóm doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh xấu đi, nguyên nhân là do biến động nguyên liệu, nhất là với một số doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến, phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài để bổ sung; các doanh nghiệp trong nhóm ngành thủy sản cũng khó khăn về đầu ra do thị trường Liên minh châu Âu (EU) kiểm soát kỹ tiêu chuẩn chất lượng, dựng rào cản kỹ thuật…

Về doanh thu và lợi nhuận, đa số doanh nghiệp có doanh thu hoạt động tốt. Cụ thể, 33% doanh nghiệp đạt tăng trưởng doanh thu 25-50%; 26% doanh nghiệp đạt doanh thu tăng trưởng từ 50-75% và 22% doanh nghiệp đạt từ 75-100%.

Trong khi đó, về lợi nhuận, có 22,5% doanh nghiệp đạt lợi nhuận từ 25- 50%; 25% đạt lợi nhuận từ 50-75%; 19% đạt lợi nhuận từ 75-100%.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp đạt lợi nhuận dưới 25% vẫn chiếm tỷ lệ lớn, tới 26%. “Điều này cho thấy các sản phẩm ở khu vực ĐBSCL có tỷ lệ giá trị gia tăng vẫn chưa cao”, ông Lam nhấn mạnh.

Về dự báo tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp cũng tỏ ra khá lạc quan. Cụ thể, số doanh nghiệp dự báo tình hình kinh doanh xấu hơn giảm xuống chỉ còn 9,7% (so với 12,9% của 6 tháng đầu năm), trong khi số doanh nghiệp dự báo ổn định và tốt lên đến 90,3%.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy có đến 19,4% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng cuối năm; 80,6% giữ hoạt động kinh doanh bình thường và không có doanh nghiệp nào thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Bức tranh này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh tại ĐBSCL rất ổn định và có khả năng mở rộng tốt hơn”, ông Lam nhấn mạnh.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275901/doanh-nghiep-mien-song-nuoc-lam-an-hieu-qua-hon-trong-nam-nay.html