Doanh nghiệp mía đường tìm kiếm cơ hội trong khó khăn

Doanh nghiệp mía đường đang phải đối mặt với không ít những thách thức nhưng vẫn còn những cơ hội phía trước.

Niên vụ 2019 - 2020 là một năm khó khăn đối với ngành đường Việt Nam. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), gần 1/3 số nhà máy đường tại Việt Nam đã phải đóng cửa trong niên vụ 2019 - 2020. Doanh nghiệp mía đường đang phải đối mặt với không ít những thách thức nhưng vẫn còn những cơ hội phía trước.

Niên vụ 2019 - 2020 là một năm khó khăn đối với ngành đường Việt Nam. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN

Niên vụ 2019 - 2020 là một năm khó khăn đối với ngành đường Việt Nam. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN

*Nhiều thách thức trước thềm niên vụ mới

Ngày 5/5/2020, tất cả 28 nhà máy đường đã kết thúc vụ ép mía của niên vụ 2019 - 2020 với sản lượng lũy kế đạt 7,39 triệu tấn mía, giảm 39,4% so với cùng kỳ năm ngoái và luyện được 769.169 tấn đường mía các loại, giảm 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong 19 năm trở lại đây do diễn biến thời tiết không thuận lợi và áp lực cạnh tranh với đường và chất tạo ngọt nhập khẩu.

Tuy nhiên, nhờ hưởng lợi từ diễn biến tăng của giá đường trong nước trong niên vụ 2019 - 2020 (tăng 13,6%), một số doanh nghiệp mía đường niêm yết đã đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận.
Trong số đó, 2 doanh nghiệp có khả năng giữ vững năng lực cạnh tranh trong bối cảnh đường nhập khẩu giá rẻ tràn về Việt Nam là Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (mã SLS) và Công ty cổ phần Thành Thành Công (mã SBT) với mức tăng trưởng doanh thu đạt lần lượt 22,1% và 26,2%.

SLS có khả năng cạnh tranh về giá khi có giá thành sản xuất ở mức thấp, tiệm cận với đường sản xuất tại Thái Lan; SBT có khả năng cạnh tranh về sản phẩm khi sở hữu bộ sản phẩm đa dạng với nhiều phân khúc, bao gồm các sản phẩm đường cao cấp đem lại giá trị gia tăng cao.
Tuy nhiên, trong niên vụ 2020-2021, SLS đã giảm mục tiêu lợi nhuận với 816 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 26 tỷ đồng; giảm lần lượt 22% và 78% so với niên độ trước.
Công ty Mía đường Lam Sơn (mã LSS) tuy cũng sở hữu bộ sản phẩm đường đa dạng và tập khách hàng công nghiệp lớn nhưng để mất thị phần tại kênh tiêu dùng, doanh thu giảm nhẹ 2,5%. Nhờ giá đường trong nước tăng 13,6% trong niên vụ 2019-2020, lợi nhuận của doanh nghiệp đạt tăng trưởng khả quan, nhưng tỷ suất lợi nhuận vẫn ở mức rất thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Theo dự báo niên vụ 2020-2021 ngành mía đường vẫn phải tiếp tục đương đầu với khó khăn thách thức từ nhiều phía. Xu hướng phục hồi của giá đường đang bị đánh giá là thiếu bền vững khi mà giá dầu thô có nguy cơ sẽ quay đầu giảm trong thời gian tới khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đồng minh (OPEC+) chưa có sự đồng thuận cho kế hoạch cắt giảm sản lượng dài hạn. Mía là một trong những nguyên liệu sản xuất ethanol.

Ngoài ra, dịch bệnh COVID-19 chưa được kiểm soát với diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp tới nhu cầu tiêu thụ đường và giá đường.

Ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Sơn La cho biết, nhiều thách thức vẫn còn ở phía trước thềm niên vụ mới. Lượng tiêu thụ đường suy giảm cũng như việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều trở ngại do thực hiện giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch COVID-19 và áp lực cạnh tranh với đường nhập khẩu từ Thái Lan sau đợt hạn hán là những vấn đề cấp bách sẽ phải đối mặt trong niên vụ 2020- 2021.

Ngành đường trong nước đang mong chờ các bộ, cơ quan triển khai có hiệu quả nội dung Thông báo Kết luận số 88/TB-VPCP ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường.
Đặc biệt là mong chờ Bộ Công Thương áp dụng biện pháp phòng vệ phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế để bảo vệ sản xuất mía đường trong nước; áp dụng biện pháp chống phá giá đối với đường lỏng sirô ngô và các chất tạo ngọt khác; tăng cường chống buôn lậu đường, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm; tăng cường quản lý thị trường, chống gian lận thương mại

Trong nửa cuối năm 2020, tiêu thụ đường trong nước được kỳ vọng cải thiện. Ảnh:TTXVN

*Cơ hội trong khó khăn

Trong nửa cuối năm 2020, tiêu thụ đường trong nước được kỳ vọng cải thiện khi đại dịch đang được kiểm soát tốt và các doanh nghiệp thực phẩm - đồ uống bắt đầu sản xuất phục vụ cho các dịp lễ tết lớn (Trung Thu, Tết cổ truyền...). Tuy nhiên, VSSA nhận định giá đường trong nước có dấu hiệu giảm trong niên vụ 2020-2021 do tồn kho đường vẫn ở mức cao, đường nhập khẩu giá rẻ vẫn tiếp tục thâm nhập vào thị trường, đặc biệt khi Thái Lan được kỳ vọng sẽ khôi phục sản xuất trong niên vụ 2020 - 2021.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) đánh giá, các doanh nghiệp trong nước đang có cơ hội lớn đối với thị trường Trung Quốc trong ngắn hạn và thị trường EU trong dài hạn.
Cụ thể, dưới tác động của dịch COVID-19 và lũ lụt, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu đường nhằm dự trữ lương thực thiết yếu; trong đó có đường từ Việt Nam. Đây là cơ hội lớn trong ngắn hạn cho các doanh nghiệp đường Việt Nam có khả năng xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp đường tại miền Bắc, có vị trí địa lý gần với biên giới Trung Quốc.

Còn trong dài hạn, thị trường EU sẽ đem lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp có bộ sản phẩm đường và sau đường đa dạng, đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng.
Các chuyên gia của FPTS dẫn chứng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đem lại cơ hội xuất khẩu cho ngành đường Việt Nam. Hiệp định EVFTA quy định hạn ngạch xuất khẩu 20.000 tấn đường các loại và 400 tấn đường đặc biệt từ Việt Nam sang EU sẽ được miễn thuế. Thuế xuất khẩu ngoài hạn ngạch vẫn được tính với thuế suất 339 EUR/tấn đối với đường thô và 419 EUR/tấn đối với đường luyện.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng đường nhập khẩu của EU trong niên vụ 2020-2021 ước đạt 2,1 triệu tấn (-8,7%), tương ứng với khoảng 11,3% sản lượng đường tiêu thụ trong khu vực. Để đạt được lợi thế cạnh tranh tại thị trường này, các sản phẩm nông sản (bao gồm mặt hàng đường) cần đảm bảo được các yêu cầu cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, do mức tiêu thụ đường bình quân đầu người tại EU đã ở mức cao (35 kg/người/năm, cao hơn mức trung bình thế giới 22,6 kg/người/năm), nhu cầu sử dụng đường của thị trường này đang hướng đến các sản phẩm cao cấp như đường organic, đường ăn kiêng, đường có bổ sung thêm dưỡng chất... Đây là những sản phẩm có giá bán cao, tỷ suất lợi nhuận đạt từ 35-40%.

Trong những năm gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương luôn quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi theo quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế để ngành mía đường phát triển.

Nhằm “Tìm giải pháp cho ngành mía đường trong tình hình mới”, Chính phủ đã ra Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2020 về việc triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động theo dõi, kịp thời đề xuất việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế; hình thành cơ sở dữ liệu đồng bộ, chính xác về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất trên cơ sở thông tin do các cơ quan chức năng cung cấp để sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tư vấn, chuẩn bị hồ sơ phòng vệ thương mại./.

Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-mia-duong-tim-kiem-co-hoi-trong-kho-khan/171600.html