Doanh nghiệp may mặc tăng năng lực sản xuất khẩu trang

Có lợi thế về nguồn nguyên liệu trong nước, dây chuyền, nhân công, nhiều DN ngành may mặc trên địa bàn tỉnh đã chuyển hướng sản xuất khẩu trang, phục vụ người tiêu dùng trong mùa dịch COVID-19.

Công nhân Công ty CP May Vũng Tàu sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn tại xưởng.

Công nhân Công ty CP May Vũng Tàu sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn tại xưởng.

CƠ CẤU SẢN PHẨM, CHUỖI CUNG ỨNG

Những ngày đầu tháng 4, tại Công ty CP May Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu), các dây chuyền từ khâu cắt mẫu, may, đóng gói, kiểm hàng vận hành liên tục. Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May Vũng Tàu cho biết, trước đây, mặt hàng chính của công ty là quần áo thời trang xuất khẩu. Tuy nhiên, từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3, dịch COVID-19 bùng phát mạnh khiến nguồn nguyên liệu chính là vải nhập từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn. Trong khi đó, các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, một số nước châu Âu, Australia cũng bị ngưng lại. Để tạo việc làm cho người lao động và góp sức cùng địa phương trong việc phòng, chống dịch, công ty chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. Với dây chuyền hiện có cùng nguồn nguyên liệu trong nước, mỗi ngày công ty có thể sản xuất được từ 10.000-20.000 cái. Khẩu trang vải kháng khuẩn gồm lớp ngoài kháng nước, lớp trong kháng khuẩn và có thể tái sử dụng sau khi giặt khoảng 30 lần.

Hiện nay, mỗi ngày DN nhận được rất nhiều cuộc điện thoại đặt hàng từ các khách hàng trong tỉnh. Nhiều DN như Công ty Dịch vụ cơ khí hàng hải - PTSC, Công ty CP sản xuất dịch vụ thương mại Thuận Huệ, Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa, Công ty TNHH Hwa Seung Vina - Chi nhánh Vũng Tàu… đã đặt hàng với số lượng lớn để phát cho công nhân. Ngoài khẩu trang vải kháng khuẩn, công ty cũng đưa vào sản xuất mặt hàng quần áo bảo hộ y tế bằng vải không dệt có thể kháng nước. Công ty đã sản xuất thử vài trăm bộ để giới thiệu, nếu có nhu cầu có thể sản xuất được ngay. “Mặc dù sản xuất khẩu trang vải không mang lại nhiều lợi nhuận nhưng cũng đã giúp DN phần nào giải quyết được khó khăn trong việc duy trì việc làm cho người lao động trong tình hình các DN may mặc đang khó cả về đầu vào và đầu ra của sản xuất do ảnh hưởng dịch COVID-19. Đặc biệt, việc tham gia vào sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn đã góp phần rất quan trọng vào việc đáp ứng nhu cầu chống dịch của người dân trong tình hình khan hiếm khẩu trang y tế như hiện nay. Công ty sẽ tiếp tục duy trì sản xuất khẩu trang đến khi khống chế hoàn toàn được dịch COVID-19”, ông Quý cho biết.

Còn tại Công ty TNHH Hikosen Cara (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) những ngày này, ngoài các mặt hàng như quần áo người lớn, trẻ em, túi xách, thú nhồi bông, áo và khăn len, các sản phẩm trang trí phòng ngủ, dụng cụ bếp... công ty cũng tăng cường sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. Ông Nguyễn Phước Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Hikosen Cara cho biết, từ trước đến nay, các sản phẩm của công ty phần lớn xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… số còn lại tiêu thụ tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, từ khi có dịch COVID-19, việc tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường nước ngoài cũng như nội địa chững lại. “Với nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, trong quá trình sản xuất, khẩu trang sẽ được xử lý bằng hóa chất kháng khuẩn và có thể giặt để tái sử dụng. Hiện nay, mỗi tuần công ty có thể sản xuất được 5.000 khẩu trang để cung ứng ra thị trường”, ông Nguyễn Phước Lộc nói.

NHIỀU DN THAM GIA

Việc chủ động sản xuất vải kháng khuẩn để sản xuất khẩu trang ngoài việc giúp giảm áp lực cho thị trường, còn giúp các DN giảm bớt khó khăn về xuất khẩu, bù đắp được một phần doanh thu. Hiện ngành công thương đã tổng hợp nhu cầu của các địa phương, gửi Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đồng thời cung cấp thông tin của các DN dệt may (sản xuất khẩu trang vải) cho các địa phương phân phối để kết nối cung ứng mặt hàng khẩu trang phục vụ nhu cầu của người dân.

Thông tin từ Sở Công thương cũng cho biết, mặc dù BR-VT chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm COVID-19, nhưng trước tình hình khan hiếm khẩu trang y tế diễn ra trên địa bàn, Sở đã làm việc với một số DN may mặc để chuẩn bị nguồn khẩu trang vải kháng khuẩn. Trong kế hoạch, Sở huy động 17 DN dệt, may mặc để may khẩu trang vải diệt khuẩn và 3 DN sản xuất và cung ứng vải, sợi… Theo đó, Sở yêu cầu các DN điều chỉnh, bổ sung các phương án chuyển đổi phương thức sản xuất - kinh doanh theo kế hoạch khi có lệnh và chuyển một phần hoạt động sản xuất, kinh doanh vào tình trạng khẩn cấp, ưu tiên sản xuất các mặt hàng đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch. Hiện Sở Công thương cũng đã có văn bản giới thiệu năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm của loại khẩu trang vải kháng khuẩn của Công ty CP May Vũng Tàu đến các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh để giúp người dân an tâm phòng chống và chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202004/doanh-nghiep-may-mac-tang-nang-luc-san-xuat-khau-trang-896409/