Doanh nghiệp lo lắng thiếu đơn hàng

Kết quả khảo sát lần 3 của Ban Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách của Chính phủ) cho thấy, tác động của sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần hai đối với doanh nghiệp đặc biệt lớn.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sau đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 2. Ảnh: H.Anh.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sau đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 2. Ảnh: H.Anh.

Theo đó, có 20% doanh nghiệp trả lời là đã phải tạm dừng hoạt động; 76% doanh nghiệp cho biết hiện không cân đối được thu chi; 2% doanh nghiệp đã giải thể, chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Về các khó khăn lớn nhất doanh nghiệp phải đối mặt trong tình hình hiện nay và 6 tháng tới, 81% câu trả lời cho biết đó là không có khách hàng/đơn hàng/hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; 72% câu trả lời cho biết đó là việc đảm bảo tiền trả lương, đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp, Kinh phí công đoàn.

53% câu trả lời cho biết gặp khó khăn trong việc trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi. Vấn đề khó khăn thứ 4, 5 của các doanh nghiệp lần lượt là: Trả tiền điện nước và nhiên liệu đầu vào (chiếm 45%) và trả tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị (chiếm 42%).

Bên cạnh đó, một số hiệp hội còn đặc biệt chỉ ra khó khăn liên quan tới việc trả tiền thuê đất cho Nhà nước. So với năm 2019, tiền thuê đất năm 2020 tăng đột biến bởi một số điều chỉnh chính sách, cách thức tính toán giá thuê đất... dẫn tới các doanh nghiệp sử dụng quỹ đất lớn (như doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, nhà xưởng; các doanh nghiệp thuê đất để đầu tư nhà máy, cơ sở chế biến; hoặc các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, nhà hàng...) phải nộp tiền thuê đất tăng từ vài chục phần trăm tới mấy trăm phần trăm so với giá thuê 2019 trở về trước.

“Đây là vấn đề gây áp lực nghiêm trọng với doanh nghiệp bởi bối cảnh hiện nay, đơn hàng sụt giảm mạnh hoặc không có, nhiều ngành như du lịch thì hoạt động thậm chí đang “đóng băng”, báo cáo của Ban IV nhấn mạnh.

Hơn nữa, trong 8 tháng đầu năm 2020, theo tính toán của Văn phòng Ban IV, tỷ lệ doanh nghiệp “biến mất” (không đăng ký thay đổi địa chỉ hay tạm ngừng hoạt động nhưng cơ quan thuế không liên lạc được) là 4% số doanh nghiệp đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2019, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Điều này có thể là một dự báo cho thấy số lượng doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong các tháng tiếp theo của năm 2020 sẽ tăng mạnh bởi đợt bùng phát dịch lần 2 diễn ra ở thời điểm cận cuối tháng 7, đầu tháng 8. Đồng thời, nếu số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh này không cơ cấu lại được hoạt động sản xuất, kinh doanh và bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài thì dự báo số lượng doanh nghiệp chờ giải thể có thể tăng cao tương ứng vào các tháng cuối năm và đầu năm tới.

Bên cạnh đó, một vấn đề hết sức đáng lưu tâm là đã có sự suy giảm niềm tin của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội khi được hỏi ý kiến về hiệu quả của các chính sách đã ban hành cũng như hướng đề nghị các chính sách mới.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/doanh-nghiep-lo-lang-thieu-don-hang-134681.html