Doanh nghiệp làm tốt, hải quan sẽ... ưu tiên

Giới chuyên môn đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính về việc phân loại mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp để trên cơ sở đó, cơ quan hải quan áp dụng chính sách ưu tiên về kiểm tra, thông quan hàng hóa

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp (DN) trong quản lý hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), quá cảnh hàng hóa để lấy ý kiến. Các quy định tại dự thảo hướng đến việc phân loại mức độ tuân thủ pháp luật của DN để có những chính sách ưu tiên phù hợp.

4 cấp độ tuân thủ

Theo Bộ Tài chính, cơ quan hải quan sẽ đánh giá phân loại tuân thủ pháp luật của DN hoạt động xuất nhập khẩu theo 4 mức độ gồm: Mức 1 (mức độ cao), mức 2 (trung bình), mức 3 (thấp), mức 4 (không tuân thủ pháp luật về hải quan).

Việc đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của DN được dựa trên các tiêu chí, như số lần bị xử phạt hành chính về vi phạm trong lĩnh vực hải quan, thuế; nợ tiền thuế, chậm tiền thuế; DN hoạt động không đúng địa chỉ đăng ký. Đáng chú ý, DN hoặc chủ DN từng bị xử lý hình sự về các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, trốn thuế hay không cũng được đưa vào làm tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ tuân thủ. Ngoài ra, nhiều tiêu chí khác cũng được Bộ Tài chính đưa ra căn cứ trên hoạt động thực tiễn của DN.

Theo dự thảo, sau khi đánh giá từng mức độ tuân thủ nêu trên, trên cơ sở đó, cơ quan hải quan áp dụng các chính sách ưu tiên phù hợp. Cụ thể, DN tuân thủ mức 1 được cơ quan hải quan tạo thuận lợi, giảm hình thức, mức độ kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan đối với hoạt động XNK. DN còn được giảm tỉ lệ kiểm tra trực tiếp hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa trong thực hiện thủ tục hải quan...

Đối với mức độ 2, bên cạnh việc được tạo thuận lợi, giảm kiểm tra, giám sát hải quan như mức độ 1, DN và cả đối tác mua bán hàng hóa khi thực hiện hoạt động XNK tại chỗ cũng được thực hiện giao nhận hàng hóa trước, khai báo hải quan sau.

Ngược lại, cơ quan hải quan sẽ siết chặt kiểm tra, giám sát, kiểm tra sau thông quan đối với hoạt động XNK của DN ở mức độ 4. Cụ thể hơn là tăng cường kiểm tra trực tiếp hồ sơ, kiểm tra sau thông quan đối với các dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm trong hoạt động XNK. Bộ Tài chính giao Cục Quản lý rủi ro làm đầu mối, chủ trì phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức thu thập, xử lý thông tin, áp dụng tiêu chí để đánh giá sự tuân thủ của DN.

Doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt sẽ được hưởng nhiều ưu tiên về thủ tục hải quan

Đánh giá phải công bằng, minh bạch

Luật sư Bùi Anh Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đánh giá cao việc dự thảo thông tư đưa ra quy định 4 tiêu chí tuân thủ pháp luật như nêu trên. Tuy nhiên, theo ông, cần nâng cao tính trung thực của thông tin khi cơ quan quản lý thu thập để đánh giá. Các tiêu chí để đánh giá ngoài việc DN tự cung cấp, các cơ quan như thuế, hải quan, công an… cũng cần có mối liên hệ chặt chẽ để thu thập đầy đủ, phục vụ công tác đánh giá mức độ tuân thủ.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), cũng cho rằng việc đưa ra mức độ tuân thủ pháp luật của DN là cần thiết. Nhất là dựa trên kết quả đánh giá, cơ quan quản lý sẽ có những chính sách miễn giảm kiểm tra chuyên ngành cho những DN tuân thủ tốt, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của DN.

Ông Tùng cho biết theo Nghị định 74 của Chính phủ (về thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quy định đối với hàng hóa nhập khẩu do cùng DN nhập khẩu), sau 3 lần nhập khẩu liên tiếp có kết quả đánh giá tuân thủ sẽ được cơ quan kiểm tra có văn bản xác nhận miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng trong thời hạn 2 năm. "Những phương án nêu trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN, cải thiện môi trường kinh doanh và bản thân DN cũng sẽ tự thúc đẩy mức độ tuân thủ pháp luật của mình" - ông Tùng nhận xét.

Dù vậy, giới chuyên môn cũng bày tỏ băn khoăn về quy định mới. Theo ông Phạm Đình Vũ, Chánh Văn phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên thực tế, nhiều DN thường than vãn về việc họ tuân thủ pháp luật tốt nhưng không nhận được ưu tiên gì từ phía cơ quan quản lý trong hoạt động XNK theo quy định của pháp luật hiện hành. Do vậy, ông Vũ cho rằng việc đánh giá phải công bằng, minh bạch. Ông lưu ý việc ưu tiên trong hoạt động XNK chỉ nên áp dụng với những mặt hàng không tác động đến an toàn xã hội, sức khỏe người dân, an ninh quốc gia.

Chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long bày tỏ đồng tình và cho rằng việc thu thập thông tin các tiêu chí phải bảo đảm trung thực để đánh giá chính xác mức độ tuân thủ pháp luật của DN. Đặc biệt, cần loại bỏ sự "ưu ái" thiếu căn cứ, tạo kẽ hở cho DN lợi dụng.

Bài và ảnh: Minh Chiến

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/doanh-nghiep-lam-tot-hai-quan-se-uu-tien-20181019231835012.htm