Doanh nghiệp là động lực phát triển nông nghiệp

Cùng với phát huy vai trò của các hợp tác xã kiểu mới, chỉ có thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp mới khắc phục được tình trạng canh tác nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu. Khi hiệu quả sản xuất được nâng lên, chính nông dân là những người được hưởng lợi, có thể làm giàu trên mảnh ruộng của mình.

Những sáng kiến cho quốc gia

Là một người con quê hương An Giang, từng gắn bó nhiều năm với An Giang trước khi ra Trung ương làm việc, TS Nguyễn Văn Giàu (Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) cho rằng, gần 45 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, An Giang đã đóng góp nhiều sáng kiến đổi mới, đột phá cho quốc gia. An Giang là tỉnh tiên phong thực hiện những sáng kiến này trước khi nhân rộng ra cả nước.

“Đóng góp tích cực của An Giang đã chuyển đổi Tứ giác Long Xuyên từ một vùng rủi ro, đói kém trở thành vùng đất trù phú, là “vựa lúa” đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. An Giang cũng tiên phong chuyển đổi lúa mùa nổi 1 vụ, năng suất thấp sang lúa thần nông ngắn ngày, canh tác 2 vụ/năm với năng suất cao.

Trong thời kỳ đầu đổi mới (1986), với quyết tâm của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hơn lúc đó, An Giang là một trong những tỉnh thực hiện chuyển từ kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế hộ sớm nhất. Tỉnh cũng tiên phong cho hộ nông dân vay vốn trực tiếp để phát triển sản xuất. An Giang được biết đến là hạt nhân phát triển nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, basa, loài cá da trơn giúp thúc đẩy kinh tế ĐBSCL phát triển. Với vai trò tiên phong của Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang (nay là Tập đoàn Lộc Trời), An Giang là tỉnh đầu tiên thực hiện thành công “Cánh đồng lớn”, mô hình hiện nay đã được nhân rộng cả nước” - TS Nguyễn Văn Giàu đánh giá.

Việc doanh nghiệp đầu tư nhà máy điện mặt trời giúp phát huy hiệu quả khai thác giá trị vùng núi Tri Tôn, Tịnh Biên

Có thể thấy, những sáng kiến, đột phá của An Giang đã góp phần phát huy hiệu quả lợi thế nông nghiệp, 1 trong 2 lĩnh vực (cùng với du lịch) hiện nay vẫn được tỉnh xác định là mũi nhọn phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những bất cập tất yếu về vị trí địa lý (logicstics yếu, thiếu và kém phát triển; giao thông thủy, bộ còn chậm; nền đất yếu nên chi phí đầu tư hạ tầng cao), tư duy ăn sâu của kinh tế hộ (sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chạy theo lợi ích trước mắt) cùng với những suy nghĩ có lúc chủ quan, tự mãn đã kéo kinh tế An Giang phát triển chậm hơn nhiều địa phương khác.

“Những cảnh tiếp cận sau dĩ nhiên sẽ có cách làm hoàn thiện hơn, đi bước ngắn hơn nhưng kết quả đạt cao hơn. Tuy nhiên, với truyền thống năng động, sáng tạo cùng quyết tâm của Đảng bộ tỉnh An Giang, tôi tin tỉnh sẽ lại tìm ra đột phá phát triển” - TS Nguyễn Văn Giàu kỳ vọng.

Phát huy vai trò doanh nghiệp

Cùng với hệ thống các cầu bắc ngang sông Tiền, sông Hậu đưa vào khai thác, sắp tới đây, khi tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ hoàn thành, giao thông kết nối về An Giang sẽ được rút ngắn. TS Nguyễn Văn Giàu cho biết, dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã được đưa vào quy hoạch, cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng) chuẩn bị đầu tư, sẽ giúp An Giang nâng cao hiệu quả giao thông thủy, bộ và tạo điều kiện thuận lợi thu hút thêm nhiều DN đến đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Ví dụ như ở vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên, lâu nay hiệu quả khai thác chưa cao. Khi tỉnh thực hiện quy hoạch và thu hút DN đầu tư các nhà máy điện năng lượng mặt trời quy mô lớn, lợi thế được phát huy rất rõ. Những nhà máy này chẳng những tạo ra giá trị kinh tế lớn mà còn tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập người dân địa phương, tạo cơ hội cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển” - TS Nguyễn Văn Giàu phân tích.

Đồng quan điểm về vai trò của DN trong nông nghiệp, TS Hồ Việt Hiệp (nguyên Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy) cho rằng, hơn 30 năm qua, sở dĩ nông nghiệp phát triển chậm do thiếu chính sách quan tâm phù hợp. “Hiện nay, cơ hội đang đến khi Trung ương cũng xác định 2 mũi nhọn phát triển kinh tế là nông nghiệp và du lịch. Khi có cơ chế chính sách đúng đắn cho nông nghiệp, lĩnh vực này sẽ tạo ra động lực phát triển kinh tế mới” - TS Hồ Việt Hiệp đánh giá.

TS Hiệp cho rằng, trong tăng trưởng nông nghiệp, cần chú ý đến yếu tố bền vững, lâu dài, tránh chạy theo tư duy nhiệm kỳ. “Ví dụ như khi chuyển vùng đất lúa kém hiệu quả sang trồng xoài và các loại cây ăn trái khác, cũng phải vài năm sau mới cho thu hoạch. Như vậy, trong thời gian chuyển đổi, chưa thể có tăng trưởng ngay được. Khi DN đầu tư vào những dự án nông nghiệp lớn, phải mất nhiều năm mới phát huy hiệu quả. Trong tái cơ cấu nông nghiệp, không thể có tăng trưởng nhanh, tạo đột biến liền. Có thể khi thực hiện chuyển đổi, GDP sẽ chững lại nhưng sẽ tạo đà cho tăng trưởng bên trong cho nhiệm kỳ sau” - TS Hiệp nhấn mạnh.

Ông Hiệp khẳng định, muốn chuyển đổi cơ cấu, đổi mới tăng trưởng phải lấy DN làm động lực. “Chỉ có DN nhảy vào thì mới phát triển được chuỗi giá trị nông nghiệp theo chiều sâu. Để tăng hiệu quả sản xuất, DN sẽ mạnh dạn đầu tư giống mới, công nghệ hiện đại. Trong cải cách thủ tục hành chính, phải coi môi trường cho DN là ưu tiên hàng đầu. Cần có cơ chế, đề án khai thông quỹ đất để thu hút DN đầu tư. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cần nâng cao chất lượng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính theo hướng phục vụ DN” - TS Hiệp đề xuất.

“An Giang từng thành công với đổi mới nông nghiệp lần 1 (chuyển từ kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế hộ theo chính sách người cày có ruộng). Tuy nhiên, để thực hiện cách mạng nông nghiệp lần 2 (sản xuất lớn, quy mô, hiện đại, theo chuỗi giá trị) là khó hơn bởi cần cả động lực bên ngoài và bên trong. Về động lực bên ngoài, một mình An Giang không làm được mà cần có chủ trương thống nhất từ Trung ương. Về động lực bên trong, người dân chưa sẵn sàng thay đổi vì quan tâm đến lợi ích trước mắt, trực tiếp, trong khi lợi ích lâu dài chưa rõ ràng. Dù vậy, tỉnh sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế, nắm bắt thời cơ đổi mới để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững” - Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/doanh-nghiep-la-dong-luc-phat-trien-nong-nghiep-a263728.html