Doanh nghiệp kiện quyền sở hữu trí tuệ tăng đột biến

Trong 9 tháng năm 2019, số đơn khiếu kiện của doanh nghiệp về vi phạm thương hiệu tăng 1,5 lần so với năm 2018.

Hiện cả nước có khoảng 715.000 doanh nghiệp đang hoạt động, mỗi năm có thêm 100.000 doanh nghiệp thành lập mới. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhỏ và vừa, mới chỉ có 1088 đơn nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam đăng ký nhãn hiệu qua hệ thống quốc tế.

99% các vụ vi phạm thương hiệu được xử lý hành chính, xử phạt nộp tiền vào ngân sách. Rất ít vụ việc được xử lý hình sự hoặc phải ra tòa xử lý.

99% các vụ vi phạm thương hiệu được xử lý hành chính, xử phạt nộp tiền vào ngân sách. Rất ít vụ việc được xử lý hình sự hoặc phải ra tòa xử lý.

Theo Luật sư Trần Hữu Trà, doanh nghiệp Việt Nam thiếu thông tin kiến thức về nhãn hiệu, chưa thực sự quan tâm đến việc xác lập quyền đối với nhãn hiệu, thiếu kinh nghiệm trong việc xác lập thực thi quyền đăng ký nhãn hiệu.

"Nhiều doanh nghiệp cho rằng, sau khi mình đăng ký xong là mình được độc quyền được khai thác. Nhưng sử dụng như thế nào là một vấn đề khác. Bản quyền có thời hạn bảo hộ: sáng chế là 20 năm, kiểu dáng công nghiệp là 15 năm. Tuy nhiên, đối với nhãn hiệu nó là tài sản có thể kéo dài đi cùng với cả doanh nghiệp, hết 10 năm đầu nếu doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng thì phải gia hạn, lúc đấy qui trình rất đơn giản", Luật sư Trần Hữu Trà nêu rõ.

Tiến sỹ Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, tình trạng thương hiệu của Việt Nam bị xâm phạm diễn ra rất phức tạp.

Đơn cử một số thương hiệu như Petrolimex, Việt Tiến, Vina Giày… bị vi phạm bởi các tổ chức, cá nhân trong nước. Các thương hiệu như Vinataba, nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên… bị vi phạm bởi các doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, nhiều dạng hành vi hàng giả, hàng nhái tương tự gây nhầm lẫn tên thương mại, tên miền, cạnh tranh không lành mạnh cũng xảy ra phổ biến. Trong 9 tháng năm 2019, số đơn khiếu kiện của doanh nghiệp về vi phạm thương hiệu tăng 1,5 lần so với năm 2018.

Theo bà Nguyễn Như Quỳnh, các nước trên thế giới, khi bị vi phạm thì chủ thể được quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án xử phạt và bồi thường. Trong khi đó, tại Việt Nam có đến 99% các vụ vi phạm thương hiệu được xử lý hành chính, xử phạt nộp tiền vào ngân sách. Rất ít vụ việc được xử lý hình sự hoặc phải ra tòa xử lý. Mức xử phạt hành chính quá nhẹ, trong khi lợi nhuận mang lại lớn, doanh nghiệp sẵn sàng tái phạm sau khi bị xử lý.

Bà Nguyễn Như Quỳnh đề xuất một số giải pháp khắc phục tình trạng vi phạm thương hiệu, trong đó cần tăng cường vai trò của Tòa án trong việc xét xử các vụ việc về sở hữu trí tuệ.

"Gần đây, qua khảo sát vi phạm về sở hữu trí tuệ có nguồn gốc từ Trung Quốc rất nhiều. Và những vi phạm xuyên quốc gia bao giờ cũng là vướng mắc cho cơ quan thực thi của Việt Nam trong quá trình bảo vệ. Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, cho các doanh nghiệp, một trong những nội dung rất quan trọng là đẩy hệ thống tư pháp lên, làm thế nào các cơ quan Tòa án nâng cao năng lực lên, xử lý các vi phạm như tranh chấp về sở hữu trí tuệ, đảm bảo quyền lợi cho chủ thể được bồi thường thiệt hại", bà Quỳnh nêu ý kiến./.

Đình Thiệu-Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-kien-quyen-so-huu-tri-tue-tang-dot-bien-960958.vov