Doanh nghiệp không thể 'há miệng chờ sung'

Doanh nghiệp muốn sở hữu nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng ngay công việc; nhà trường muốn được doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị đào tạo và sinh viên ra trường có việc làm. Thế nhưng thực tế hiện nay, giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn chưa có tiếng nói chung nên mối liên kết rất lỏng lẻo.

Đây là thực tế được đề cập rất rõ nét tại Hội nghị người sử dụng lao động năm 2018 hợp tác doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo và tuyển dụng, do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TBXH) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 21- 11.

Đánh giá về thị trường lao động thời gian tới, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, thách thức sẽ rất lớn nếu công tác đào tạo nghề hiện nay không có những sự thay đổi phù hợp. Theo ông Lộc, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi rất nhiều thứ trong tương lai, đặc biệt là cơ hội việc làm cho người lao động.

Dưới tác động của cách mạng 4.0 trong tương lai sẽ có tới 70% công việc chúng ta đang làm sẽ mất đi. Vì thế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng phải thường xuyên thay đổi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động.

“Tôi cho rằng hệ thống GDNN cần phải gọn gàng hơn và thời gian đào tạo được rút ngắn. Hiện nay, các nước đào tạo đại học chỉ có 3 năm, trong khi Việt Nam chúng ta thời gian đào tạo từ 4 đến 5 năm, thậm chí có những ngành nghề còn cần nhiều thời gian hơn và hệ cao đẳng cũng mất 3 năm. Nếu chúng ta đào tạo 4 - 5 năm, khi người học ra trường thì nghề đào tạo đã thay đổi. Vì thế, cần rút ngắn thời gian đào tạo và kết hợp đào tạo nghề theo hình thức trực tuyến, giữa xưởng và trường”, ông Lộc nêu quan điểm.

Bộ LĐ-TBXH đã ban hành Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH "Quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo", đẩy mạnh hợp tác trong chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng, đáp ứng nhu cầu xã hội giữa các trường cao đẳng, trung cấp và doanh nghiệp. Theo quy định, nhà trường và doanh nghiệp có thể liên kết tổ chức đào tạo. Trong đó, doanh nghiệp đảm nhận 40% chương trình đào tạo.

Với quy định này, các trường sẽ tập trung đào tạo các học phần cơ bản, các modul thực hành cơ bản, còn lại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đào tạo các modul kỹ năng nghề tại doanh nghiệp cho sinh viên. Đánh giá về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc cũng khẳng định, doanh nghiệp là động lực chính thúc đẩy hoạt động GDNN. Doanh nghiệp đầu tư vào GDNN còn nhà nước với vai trò hỗ trợ.

“Doanh nghiệp không thể “đại lãn chờ sung”, chờ các trường đào tạo xong rồi tuyển dụng nhưng lại kêu đào tạo không đáp ứng yêu cầu. Doanh nghiệp cần định hướng nhu cầu nghề nghiệp, công việc và cùng nhà trường tham gia soạn thảo chương trình, giáo trình đào tạo nghề. Các kỹ sư, công nhân giỏi, nhà quản lý giỏi tham gia vào giảng dạy ở nhà trường, tiếp nhận thực tập sinh…”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Doanh nghiệp thờ ơ, nhà trường chưa nhiệt huyết trong việc liên kết đào tạo nghề.

Cũng đánh giá tầm quan trọng của doanh nghiệp trong việc liên kết đào tạo nghề, TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TBXH) khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong nâng cao chất lượng đào tạo nghề là quan trọng và cũng đã được Bộ LĐ-TBXH cũng như các cơ sở đào tạo nghề quan tâm từ nhiều năm qua.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Hồng Minh cũng thừa nhận một thực tế hiện nay là doanh nghiệp chưa thực sự “mặn mà” với việc liên kết trong đào tạo nghề. Không chỉ riêng doanh nghiệp mà ngay chính bản thân các nhà trường cũng chưa nhiệt huyết.

“Thực hiện Luật GDNN, chúng tôi triển khai nhiều hoạt động đào tạo gắn kết doanh nghiệp nhưng vẫn chưa chặt chẽ, doanh nghiệp chưa thấy quyền lợi của mình khi tham gia đào tạo. Trong khi đó, các trường chưa thực sự lăn lộn, mời doanh nghiệp tham gia vào hoạt động của nhà trường. Cho nên người học ra trường vẫn bị doanh nghiệp đánh giá chưa đáp ứng được yêu cầu”, TS Nguyễn Hồng Minh cho biết.

Lý giải vấn đề này, TS Nguyễn Hồng Minh cho rằng, nhà trường và doanh nghiệp chưa có một văn bản nào ràng buộc trách nhiệm giữa hai bên mà chủ yếu dừng lại ở bản ghi nhớ (hỗ trợ sinh viên thực tập, hỗ trợ việc làm). Bởi vậy, các chương trình hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn chưa đạt được kết quả.

Giải pháp được đưa ra theo TS Nguyễn Hồng Minh chia sẻ, năm 2018, một trong ba khâu đột phá của giáo dục nghề nghiệp được Bộ LĐ-TBXH xác định là tăng cường hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo tại các trường trung cấp, cao đẳng nhằm tạo việc làm bền vững cho người học sau tốt nghiệp. Để nâng cao chất lượng GDNN, Bộ LĐ-TBXH đã chỉ đạo xây dựng đề án nâng cao chất lượng GDNN trong thời gian tới với 3 biện pháp như từng bước nâng cao tự chủ cho nhà trường để phát huy được năng lực.

Bộ LĐ-TBXH chuẩn hóa các điều kiện đào tạo, trong đó có chuẩn hóa điều kiện giáo viên phải biết được cả lý thuyết và thực hành; chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo thiết bị, cơ sở vật chất. Chương trình đào tạo có sự tham gia của các doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng nhận sinh viên đến thực tập. Không chỉ thế, doanh nghiệp đưa ra được dự báo nhân lực của mình trong thời gian tới và doanh nghiệp xây dựng chuẩn kỹ năng của từng ngành nghề.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/doanh-nghiep-khong-the-ha-mieng-cho-sung-521325/